Thứ bảy 14/09/2024 05:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Phòng khách - gương mặt của chủ nhà

16:04 | 21/10/2013

Có thể là do phòng khách thường là căn phòng đầu tiên đón chào ngay từ cửa; cũng có thể phòng khách là không gian quan trọng nhất nên luôn được nhắc tới trước. Cả hai lý do đều đúng, và vì vậy người chủ nhà hay kiến trúc sư quan tâm, đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức… tới phòng khách nhiều hơn chỗ khác cũng là điều dễ hiểu.

Phòng khách – gương mặt của chủ nhà

Nói rằng, phòng khách là gương mặt của chủ nhà quả không quá lời. Theo đúng chức năng thì phòng khách là nơi để đón và tiếp khách. Ở đó chủ nhà và khách nói chuyện, trao đổi, bàn bạc công việc. Và thông thường thì khách đến nhà cũng chỉ ngồi ở khu vực phòng khách chứ mấy ai lại tò mò, hay bất nhã nhòm ngó vào không gian khác nếu không được mời. Phòng khách là “cơ quan” đối ngoại, nên cần được chăm chút để giữ thể diện cho chủ nhà. Phòng khách là nơi chủ nhà thể hiện mức sống, lối sống, tính cách, thú vui hay cả yếu tố nghề nghiệp. Phòng khách cũng có thể là “phòng truyền thống” để trưng ra những bằng khen, thành tích của chủ nhân và các thành viên trong gia đình. Chính vì quan trọng như vậy, nên không chỉ là vấn đề đầu tư thiết kế, đầu tư thiết bị, bài trí; mà phòng khách cũng là nơi chủ nhân luôn chăm sóc, lau dọn, bổ sung để mong muốn đẹp hơn, sang hơn, hấp dẫn hơn…


Phòng khách trong nhà ở, dù là biệt thự, nhà phố hay chung cư cũng nên được thiết kế, bố trí ở khu vực thoáng đãng.

Mỗi chủ nhà có một gương mặt, thế nên mỗi phòng khách của mỗi ngôi nhà đều khác, không bao giờ giống nhau. Kể cả ở những sản phẩm kiến trúc hàng loạt như nhà chung cư, biệt thự cùng mẫu thiết kế, ở những dự án mà nhà thầu thi công tới cả phần nội thất; thì cuối cùng những phòng khách vẫn cứ khác nhau. Không ai cố tình làm khác cái nguyên bản đi hay khác người khác; mà người ta cần làm sao cho phù hợp với chính mình – đó là một nhu cầu rất tự nhiên. Nhu cầu và tính cách của mỗi người (cùng gia đình) đều khác nhau, nên có lẽ những gương mặt trong cuộc sống đa dạng thế nào thì những phòng khách cũng đa dạng như vậy: Có đẹp – có xấu, có giàu – có nghèo; có già – có trẻ; có hấp dẫn – có nhàm chán… Và đương nhiên, cũng như chủ nhân, “những gương mặt” – phòng khách này cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Phòng khách – lựa chọn phong cách nào?

Đó là câu hỏi của chủ nhà dành cho kiến trúc sư, và có thể là ngược lại; cũng có thể là những thành viên trong gia đình (nhiều thế hệ, nghề nghiệp) hỏi lẫn nhau để đặt hàng người thiết kế.

Về nguyên tắc thì phong cách nội thất nên tương đồng với phong cách kiến trúc. Tuy nhiên sự tương đồng này không phải là bất biến. Bởi lẽ, kiến trúc khi đã định hình thì hầu như không thay đổi; nhưng nội thất lại có thể thay đổi rất linh hoạt. Không lẽ gì cứ phải tương đồng với cái kiến trúc có thể đã quá cũ, hoặc không phù hợp – nhưng rất khó sửa đổi. Một số chủ nhà lại thích kiểu “đa phong cách” trong nội thất; mỗi phòng một kiểu. Với người có nghề, làm điều này không quá khó mà vẫn đảm bảo hài hoà.

Hiện nay, rất nhiều biệt thự xây dựng hàng loạt trong đô thị mới có cấu trúc, dáng dấp kiểu biệt thự cổ điển Pháp với mái dốc lợp ngói. Khi hoàn thiện, chủ nhà và kiến trúc sư buộc phải theo hình dáng kiến trúc ấy, nhưng với hơi thở cuộc sống hiện đại, họ thường hướng tới một phong cách nội thất trẻ trung, năng động hơn. Phòng khách tất nhiên cũng như vậy. Đành rằng làm đồng bộ được thì tốt hơn, nhưng trong hoàn cảnh khó thì cần linh hoạt. Ngược lại, có những ngôi nhà được xây dựng theo phong cách hiện đại (phù hợp xu thế và dành cho các thế hệ sau); nhưng phòng khách hiện tại lại là nơi chủ nhà (nhiều tuổi) hay tiếp khách và sinh hoạt. Trường hợp đó, rõ ràng một phòng khách thâm trầm, gợi nhắc không gian truyền thống sẽ có ý nghĩa và cần thiết hơn.

Vậy thì, lựa chọ phong cách nào cho phòng khách, ngoài việc phù hợp với kiến trúc thì điều quan trọng nhất là phù hợp với chủ nhân – hay người thường xuyên sử dụng phòng khách ấy. Phong cách nội thất của phòng khách, màu sắc, chất liệu, cách thức bố trí đồ đạc… cần hướng tới sự tiện nghi, dễ chịu, thoải mái cho chủ nhân cùng các đối tượng khách chính. Các yếu tố tuổi tác, tính cách, nghề nghiệp, thói quen sống và sinh hoạt, các thú chơi… của chủ nhân cần được xem xét để đưa ra giải pháp nội thất phù hợp – từ không gian cho đến việc bố trí mặt bằng, hay thiết kế chi tiết đồ đạc nội thất. Nhưng cũng không nên quá vì sự “ưu tiên” cho một đối tượng chính sử dụng phòng khách mà xem nhẹ cái yếu tố thẩm mỹ cần có để kiến trúc – nội thất hài hoà.


Không gian liên thông: phòng khách (sinh hoạt chung) và phòng ăn ở căn hộ chung cư.

Trong phòng khách nên có gì?

Phòng khách là nơi “đối ngoại” nên hầu như chủ nhà nào cũng mang tinh thần: tốt khoe xấu che. Xấu dĩ nhiên là không bày ra phòng khách rồi, nhưng “tốt” bày nhiều chưa hẳn đã… tốt. Tâm lý và nhu cầu chính đáng của chủ nhà ai cũng muốn phòng khách phải đàng hoàng, sang trọng, đẹp đẽ. Thế nên ngày trước, có bao nhiêu thứ “đẹp đẽ”, “hay ho”, “mới lạ”… được bày hết ra trong phòng khách. Bộ bàn ghế là không thể thiếu, tiếp theo là tủ chè, tủ ly…; cốc chén, chai lọ; rồi tivi, cassette…; tranh tượng mỹ thuật – mỹ nghệ… Chưa hết, tiếp theo là các kiểu đèn đầy tính phô trương, đặc biệt là đèn chùm (với những nhà khá giả). Và nữa, phòng khách cũng hay được treo tấm ảnh chủ nhân chụp cùng với một nhân vật tiếng tăm, vai vế nào đó để… hãnh diện, cũng là hù doạ khách!

Phòng khách (kiểu xưa) như vậy là cái triển lãm tạp pí lù!

Một phòng khách đích thực không nên bày quá nhiều thứ. Đã là phòng khách, tức là để tiếp khách, cần phải có một thái độ thiện chí, thanh nhã, lịch lãm; có thể trang trọng hay thân tình tuỳ hoàn cảnh; nhưng nên tránh sự khoa trương, hãnh tiến. Vì vậy đồ đạc và bài trí trong phòng khách cần thể hiện tinh thần ấy. Không nên lạm dụng quá nhiều đồ làm cho không gian chật chội, bức bối, không nên bày những thứ không cần thiết cho việc giao tiếp chủ – khách. Không nên bày những đồ vật quá gây chú ý, có thể làm mất tập trung khi nói chuyện, đối thoại. Các vật dụng, tác phẩm nghệ thuật trang trí cần tiết chế và đặt đúng chỗ. Nếu phòng khách kết hợp làm phòng sinh hoạt chung gia đình thì có thể để tivi và các phương tiện nghe nhìn khác; còn nếu phòng khách chỉ để tiếp khách thuần tuý thì có thể không cần.

Phòng khách nên có tủ/kệ để đựng đồ tiếp khách như nước uống, rượu, trà, ly, tách… Bàn nước hai tầng là một giải pháp tốt để chứa những vật dụng nho nhỏ ở tầng dưới. Cuối cùng, rất giản dị thôi, nhưng nhiều ý nghĩa: phòng khách nên luôn có một lọ hoa!


Phòng khách có nội thất mang phong cách cổ điển.

Xu hướng hướng nội và không gian liên thông

Trong những năm gần đây, không gian phòng khách có xu hướng hướng nội. Trước tiên, điều đó thay đổi từ nhu cầu sử dụng và cấu trúc nhà ở. Trong một nhà phố trước kia, với diện tích khiêm tốn; người ta thường chia: khách phía trước, bếp thiệt thòi lùi về phía sau, cầu thang và vệ sinh ở giữa. (trường hợp mặt tiền hẹp thì cầu thang và vệ sinh một bên, mặt tiền rộng thì cầu thang và vệ sinh đối nhau). Ngày xưa xe cộ thì ít, xe máy đã là của hiếm. Nhu cầu tiện nghi cũng chưa cao nên xe cộ thường… ở chung phòng khách. Điều đó vừa bất tiện, mất vệ sinh và kém thẩm mỹ. Nay thì tình hình đã khác hẳn, đối với một ngôi nhà ở thì chỗ để xe cũng rất quan trọng, nên phòng khách ở đằng trước như xưa không còn hợp lý. Xu hướng những năm gần đây phòng khách hay được biến hoá thành phòng sinh hoạt chung, có tính hướng nội, và được đẩy lên lầu 1, liên thông với khu vực bếp – phòng ăn để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình. Nguyên nhân tiếp theo chính là sự thay đổi sâu sắc về các mối quan hệ xã hội và cách ứng xử. Trong quan hệ xã hội, người ta quan hệ rộng hơn, nhưng lại đòi hỏi sự riêng tư lớn hơn; mà nhà ở chính là không gian riêng tư cần thiết và đầy ý nghĩa đó. Khách công việc, xã giao đến nhà ít đi; mà chủ yếu khách là bạn bè thân thiết, họ hàng. Những giao tiếp công việc người ta thực hiện ở văn phòng, càphê, quán xá chứ không ở nhà. Phòng khách đã hoá thành phòng sinh hoạt chung của gia đình, hướng nội, giảm tính đối ngoại như vốn có. Một yếu tố khác hỗ trợ là phần bếp nấu được “hiện đại hoá” với những hệ thống tủ bếp, thiết bị sạch – đẹp, tiện dụng đã giúp kết nối hai không gian này với nhau. Bếp (cùng phòng ăn) cũng là nơi sinh hoạt chung chứ không phải là nơi tối tăm, bụi bẩn, là nơi sản xuất thức ăn thuần tuý nữa. Ngay cả trên những bản vẽ mặt bằng bây giờ, cụm từ “phòng khách” cũng thường được thay bằng cụm từ “phòng sinh hoạt chung”. Không gian sinh hoạt chung và bếp – ăn được kết nối liên thông, mở rộng, tạo nên sự thoáng đãng và thẩm mỹ hơn rất nhiều so với những căn phòng (có cửa) tù túng. Tất nhiên trong điều kiện có thể, có riêng phòng khách để đón tiếp khách xã giao, vãng lai… (mang tính đối ngoại) và có riêng phòng sinh hoạt chung cho gia đình (mang tính hướng nội) vẫn là tốt nhất.

Cách tổ chức không gian này không chỉ là một giải pháp kiến trúc cho nhà phố mà là một xu hướng mang tính xã hội, mà ta có thể thấy ở cả những biệt thự xây mới, căn hộ chung cư. Sự thay đổi này không làm biến mất hay giảm giá trị của phòng khách. Dù được tổ chức như thế nào thì chức năng của phòng khách vẫn phải được đáp ứng đúng nghĩa ban đầu: để tiếp khách. Nhưng kiến trúc cũng luôn linh hoạt, biến hoá để thích nghi với sự vận động, thay đổi của xã hội và con người.

Theo SGTT

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load