Thứ hai 13/01/2025 23:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phòng, chống bão: Bài học từ Phi-líp-pin

09:57 | 08/01/2014

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vừa có chuyến khảo sát hiện trường thành phố Tacloban, Thủ phủ của tỉnh Leyte (Phi-líp-pin) - nơi chịu tác động mạnh nhất của siêu bão Haiyan. Nhằm tìm hiểu thực tế các công trình xây dựng, những tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng tại đây, để đề xuất giải pháp chống bão cho nhà và công trình xây dựng tại Việt Nam.

Thảm họa sau bão

Khảo sát thực địa, đoàn công tác cho biết, siêu bão Haiyan với vận tốc gió vượt quá 300 km/h (lớn hơn cấp 17) đã đổ bộ vào Tacloban và các khu vực lân cận vào ngày 8/11/2013 đã tác động mạnh đến một khu vực rộng lớn gồm 10 tỉnh với 16 triệu dân của Phi-líp-pin, đó là: Samar, Leyte, Negros, Cebu, Bohol, Capiz, Aklan, Antique, Iloilo và Palawan. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới trong vòng 100 năm qua, đặc biệt bão đã gây ra nước biển dâng (có nơi cao tới 7 m, tràn vào bờ từ 1 đến 2 km) nên đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cho Phi-líp-pin tại những nơi tâm bão đi qua.


Siêu bão Haiyan thổi tung nhiều nhà dân và xóa sổ một số làng mạc tại Phi-líp-pin

Tuy chính quyền Phi-líp-pin và nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của bão Haiyan đã có nhiều biện pháp chuẩn bị ứng phó với siêu bão nhưng bão mạnh đã làm 6.000 người chết, 1.800 người  mất tích và 27.000 người bị thương, trên 1 triệu ngôi nhà và công trình bị hư hỏng hay phá hủy hoàn toàn (580.000 ngôi nhà bị sập, 587.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 40 cầu bị gẫy và hư hỏng). Toàn bộ hệ thống điện, nước, hạ tầng kỹ thuật giao thông và đô thị, thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp năng lượng bị hư hỏng nghiêm trọng và dừng hoạt động. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nông nghiệp hơn 800 triệu USD. Cần khoảng 5,7 tỷ USD và ít nhất 3 năm để xây dựng lại các khu vực bị ảnh hưởng của siêu bão.

Siêu bão Haiyan còn đánh sập 1 nhà tù làm hàng trăm tù nhân thoát ra ngoài, hoành hành gây mất an toàn an ninh cho người dân và xã hội. Ngoài ra, do mất hệ thống cung cấp điện, nước sạch và lương thực, nhiều vùng bị cô lập khó tiếp cận, người dân bị thiếu đói nên đã xảy ra tình trạng cướp bóc, an ninh xã hội bị đe dọa nghiêm trọng. Quân đội Phi-líp-pin đã phải trực tiếp can thiệp, thậm chí phải thiết quân luật để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, duy trì trật tự xã hội.

Công trình sập đổ do sử dụng kết cấu nhẹ

Trong lĩnh vực xây dựng, báo cáo cho biết, do điều kiện kinh tế xã hội, địa lý, địa chấn, nguồn vật liệu và tập quán xây dựng tại Phi-líp-pin, các công trình nhà ở tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão chủ yếu sử dụng kết cấu nhẹ như kết cấu gỗ, nhà xây tường gạch lợp mái tôn. Cũng bởi xi măng và gạch xây (không nung) nơi đây rất đắt đỏ, đồng thời còn phải tính đến khả năng chịu động đất (do nước này nằm trên vành đai lửa Tây Thái Bình Dương) cho nên việc sử dụng các kết cấu nhẹ ở Phi-lip-pin là phổ biến. Tuy nhiên, những kết cấu loại này có thể không thích hợp khi chịu bão mạnh và siêu bão.


Một khu vực của Tacloban trước siêu bão Haiyan

Phi-líp-pin có 5 quy chuẩn xây dựng cơ bản, đó là: Quy chuẩn kết cấu, Quy chuẩn kiến trúc quy hoạch, Quy chuẩn địa kỹ thuật, Quy chuẩn về điện-nước, phòng chống cháy, Quy chuẩn về nước, thủy lợi. Các hoạt động xây dựng ở Phi-líp-pin về nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn này. Các quy chuẩn xây dựng của Phi-líp-pin phần lớn dựa trên các quy chuẩn của Mỹ.

Các quy định về thiết kế nhà và công trình chịu gió bão phải tuân theo Quy chuẩn kết cấu công trình. Trong đó, Phi-líp-pin được chia ra làm ba vùng gió: Vùng I (v = 250km/h, gió 3 giây, chu kỳ lặp 50 năm), vùng II (v = 200km/h), và vùng III (v = 150km/h). Khu vực bị siêu bão Haiyan đổ bộ và tràn qua thuộc vùng II (gió 200km/h), do đó, siêu bão Haiyan có vận tốc gió 300km/h lớn hơn hẳn so với quy định phân vùng gió trong quy chuẩn xây dựng của Quốc gia này.


Khu vực này đã bị tàn phá sau siêu bão Haiyan

Thực tế cho thấy, hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn về phòng chống ngập, lụt, hạ tầng cấp thoát nước và xây dựng Phi –lip-pin không phù hợp để có thể ứng phó với siêu bão. Các số liệu tính toán cũng như hệ số an toàn cho các công trình xây dựng chưa đảm bảo, nhất là các công trình thông tin liên lạc, nơi trú ẩn, và công trình phục vụ cứu trợ, cứu nạn. Công tác dự báo vùng ngập nước thiếu chính xác so với hiện tượng nước biển dâng trong siêu bão. Đồng thời, cần tăng cường sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng.

Việt Nam học được gì?

Qua tìm hiểu, thấy rằng, mặc dù chính quyền địa phương Phi-líp-pin đã ý thức được hiện tượng nước biển dâng trong siêu bão có thể gây ra nhiều người chết và mất tích nhưng người dân còn chủ quan và chính quyền thì không dùng biện pháp mạnh để sơ tán. Ngoài ra, bản đồ dự báo về nước biển dâng tại khu vực Tacloban khác hẳn so với thực tế đã xảy ra nên việc tổ chức di dời dân và chọn chỗ trú ẩn trong bão là không chính xác. Do chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với bão lớn, không tính đến trường hợp mất thông tin liên lạc, dẫn đến bị động và người dân phải tự mình chống chọi trong siêu bão và ngập nước.


Nhà cửa và cột điện, trẻ em lang thang tìm bố mẹ và nơi trú ẩn sau bão

Do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Việt Nam có bờ biển dài, thường xuyên có bão, lụt; có khả năng xuất hiện siêu bão với cường độ lớn hơn cấp 17 trong tương lai, nên cần phải luôn chủ động ứng phó với bão, lũ và kể cả siêu bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và vật chất.

Báo cáo đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong việc ứng phó siêu bão. Đó là, ­­­phải rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn đối với các công trình quan trọng trong vùng có ảnh hưởng mạnh của bão, lũ, có xét đến tác động của siêu bão như: công trình thông tin liên lạc (tháp viễn thông,...); cứu hộ, cứu nạn (bệnh viện, nơi trú ẩn, sân bay, bến cảng,..); các công trình thiết yếu cung cấp năng lượng, lương thực, nhu yếu phẩm (xăng dầu, lúa gạo, thuốc men...); hệ thống cột - đường truyền tải điện, các hồ chứa và các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện quan trọng.

Rà soát lại các bản đồ ngập lụt (có kể đến cả trường hợp xả lũ), nước biển dâng, phân vùng gió bão. Cập nhật lại các Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có xét đến ảnh hưởng của siêu bão.


Xác người dân bị thiệt mạng trong bão Haiyan

Biên soạn Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, gia cường nhà và công trình  trong vùng gió bão có kể đến khả năng xảy ra siêu bão. Cần ban hành chính sách xây dựng nhà ở an toàn cho người dân vùng bão, lũ thuộc vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đặc biệt quan tâm đến người nghèo. Cần ban hành thiết kế mẫu cho các vùng bão, bão lũ lụt, lũ lụt để có đủ khả năng chống chọi được các diễn biến thiên tai cho các khu vực khác nhau. Cần ban hành qui định cụ thể về xây dựng các công trình nhà ở, công trình công cộng để có đủ khả năng chống đỡ thiên tai cho từng khu vực. Khẩn trương triển khai Đề án “Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phòng chống bão tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão”.

Đánh giá, xây dựng kịch bản và kế hoạch ứng phó với các cơn bão lớn tới siêu bão. Tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường công tác diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi có siêu bão. Tăng cường công tác dự báo bão, lũ, lụt và kể cả nước biển dâng trong bão và siêu bão. Tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho người dân ứng phó khi có siêu bão, đặc biệt lưu ý hiện tượng ngập lụt do nước biển dâng hay xả lũ.

Siêu bão Haiyan (tên Việt Nam là Hải Yến và tên Phi-líp-pin là Yolanda) hình thành trên phía Tây biển Thái Bình Dương từ ngày 04/11/2013 và đi vào Phi-líp-pin ngày 08/11/2013 đã gây thiệt hại nặng nề về người, phá hủy nghiêm trọng nhà ở và các công trình công cộng nơi tâm bão đi qua.

Trong khi hầu hết các nhà dân sử dụng kết cấu nhẹ bị sụp đổ hoàn toàn thì các nhà dân và công trình công cộng (trường học, bệnh viện...) có kết cấu dầm, cột bê tông cốt thép hoặc nhà xây gạch tường 220 đã chịu được trong siêu bão, chỉ một số nhà bị tốc mái hoặc hư hỏng cục bộ. Toàn bộ trụ sở các cơ quan nhà nước của tỉnh Leyte xây dựng tại các vị trí trống trải đều bị tốc mái, hư hỏng, riêng Trung tâm hội nghị tỉnh là kết cấu hội trường nhịp lớn bị sập đổ hoàn toàn mặc dù được thiết kế xây dựng có kiểm soát. Hầu hết hệ thống cột điện bêtông cốt thép bị gãy đổ hoặc hư hỏng. Các tháp viễn thông cao vẫn đứng vững nhưng các thiết bị viễn thông gắn trên tháp bị hư hỏng nặng.

 

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load