Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Chính sách chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn và nâng mức cho vay đối với hộ nghèo.
Quang cảnh tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
“Tôi rất ấn tượng khi nguồn vốn huy động đã tăng 42 lần sau 20 năm, tiếp nhận vốn ủy thác khoảng 30.000 tỷ đồng, tăng 26.000 tỷ so với trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40. Kết quả này là sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhất là các thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương Đông Nam Bộ đã chiếm hơn 50% vốn ủy thác.”
Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại hội nghị trực tuyến ngày 29/12 tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo diễn ra tại Hà Nội.
Dư nợ gấp 32 lần sau 20 năm
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tính đến ngày 30/11, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298.000 tỷ đồng, tăng gần 291.000 tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30.000 tỷ đồng thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm.”
Cũng tính đến ngày 30/11, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280.000 tỷ đồng, gấp 32 lần so với năm 2002, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ hồi năm 2002 xuống còn 0,67%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ tại thời điểm 30/11/2022.
Kết quả này cũng thể hiện qua nhiều người dân đã được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi này.
Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội bắt đầu từ năm 2003. Tính đến ngày 30/11 các cấp Hội Nông dân đang quản lý 51.637/168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 83.397 tỷ đồng cho 1,973 triệu tổ viên đang còn dư nợ, chiếm 30,1% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý ngày càng được nâng cao, có gần 50.000 tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 96,1%).
"Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho gần 12 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống," ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đánh giá cao nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây là nguồn vốn triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, tác động trực tiếp giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh) và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội, là trụ cột của các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
"Thông qua việc tham gia quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội đã gắn kết công tác chuyên môn của ngành với công tác tín dụng chính sách tham gia hoạt động, hoạch định các cơ chế chính sách, thực hiện giám sát trực tiếp toàn diện hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước," đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Tập trung vốn ưu đãi cho người nghèo
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn thách thức như quy mô nguồn vốn còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, nguồn vốn còn phụ thuộc vào nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ và số dư tiền gửi 2% của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Ngoài ra mức cho vay thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập của người dân, thời hạn vay vốn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh của người vay vốn. Một số nhóm đối tượng có mức sống trung bình chưa được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, công tác điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn ở một số địa phương chưa được quan tâm rà soát và bổ sung kịp thời và chất lượng tín dụng chính sách còn chưa đồng đều giữa các địa phương.
Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để từ nguồn vốn vay ưu đãi. (Ảnh: Vietnam+) |
Trước thực tế trên, ông Thắng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Thắng cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội với những kết quả đạt được qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm,” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị ngân hàng chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn và nâng mức cho vay. Tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn./.
Theo Thúy Hà (Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-can-mo-rong-doi-tuong-chinh-sach-duoc-vay-von/838493.vnp