Thứ năm 25/04/2024 11:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phố cổ Hà Nội trước thách thức bảo tồn văn hóa, di sản

14:42 | 31/03/2021

Phố cổ Hà Nội chứa đựng những giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Thủ đô. Nhiều năm qua, các di sản vô giá này đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo khi một bộ phận hộ dân đã sống nhờ các di tích trong thời gian dài.

pho co ha noi truoc thach thuc bao ton van hoa di san
Hàng loạt các di tích tại phố cổ Hà Nội bị chiếm dụng làm điểm kinh doanh, chỗ để xe. Ảnh: Tùng Giang

Nhiều di tích bị chiếm dụng

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, có tổng diện tích khoảng 100ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Do sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ, rất nhiều hộ dân phải sống chen chúc trong những căn nhà chật chội, ẩm thấp, thậm chí là “ở nhờ” hay kinh doanh tại các điểm di tích thuộc phố cổ.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội đã có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 76.500ha.

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học.

Thực hiện quy hoạch trên, Hà Nội đã có những đổi thay tích cực khi chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến sự thay đổi diện mạo thủ đô chưa đạt như kỳ vọng. Dễ thấy nhất là tình trạng nhiều di tích đình chùa tại khu phố cổ Hà Nội đang bị thu hẹp, xâm hại bởi các quán ăn, hàng nước và bãi gửi xe. Thậm chí có di tích còn bị trưng dụng để treo hàng hóa, làm điểm buôn bán của một số hộ gia đình.

Tại số 59 phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm), chùa Vĩnh Trù là di tích kiến trúc nghệ thuật hạng quốc gia, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 1994, là điểm đến trong tuyến tham quan khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên hiện nay, hàng quán bên cạnh chùa thường tận dụng mặt tiền để làm nơi để xe, kê bàn ăn cho khách. Vì hiện tượng này diễm ra thường xuyên nên nhiều chậu cây đã được đặt tại cổng chùa để tránh tình trạng chiếm dụng làm kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1980, trú tại phố Hàng Lược) phản ánh: “Việc chiếm dụng mặt tiền của chùa để buôn bán không chỉ cản trở du khách đến thăm quan mà còn làm mất đi vẻ uy nghiêm, linh thiêng của nơi thờ tự”.

Tương tự trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm), đền Hương Tượng được xếp hạng di tích quốc gia nhưng cũng không thể tránh khỏi cảnh người dân trưng dụng làm điểm kinh doanh trà đá vỉa vè. Cách đền Hương Tượng không xa, đình Trung Yên tại số 10 (ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt, Hoàn Kiếm) nằm lọt thỏm giữa ngôi nhà dân đã và đang xuống cấp. Dù có biển ghi rõ “Di tích quốc gia đình Trung Yên”, nhưng xung quanh, cảnh họp chợ đông đúc khiến khu vực này nhếch nhác.

Vai trò quan trọng của cộng đồng người dân

Ngày 25.2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Như vậy, sau thời gian dài chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

PGS.TS Lương Tú Quyên - Khoa Quy hoạch Đô thị - Nông thôn thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội phân tích, sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỉ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một. Đây chính là thách thức trong việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội để đáp ứng các yêu cầu vật chất, văn hóa tinh thần của xã hội.

Còn theo TS. KTS Tô Thị Toàn - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho rằng, giãn dân là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tốt nhất cho công tác bảo tồn cũng như nâng cao chất lượng sống, phát huy các giá trị truyền thống tại khu phố cổ. Nhưng giãn dân cũng cần đi kèm với đảm bảo cho người dân giữ gìn được tập quán, sinh kế lâu dài.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia phân tích, rất cần thiết lập ra các tổ chức đại diện cộng đồng cư dân phố cổ và Hội đồng tư vấn khoa học. Bởi để bảo tồn, phát huy giá trị di sản của phố cổ thì vai trò của cộng đồng người dân là rất lớn.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện áp lực giao thông khá cao nên nhu cầu đầu tư của Hà Nội rất lớn. Bộ cũng đang làm quy hoạch hàng không, trong đó có các cảng hàng không của Việt Nam và có chi tiết các Cảng hàng không của Hà Nội. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, về sân bay Thủ đô, theo dự báo đến năm 2050 mới chạm ngưỡng 100 triệu khách/năm, do đó chúng ta có đủ thời gian để tìm vị trí cũng như đầu tư khi cần thiết.

Theo TÙNG GIANG - ĐÌNH TRƯỜNG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load