Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ được xem là một di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn khu phố cổ ở thời điểm hiện tại và thời gian tới vẫn còn là điều trăn trở khiến nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phải suy ngẫm.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Một bản sắc văn hóa
Khu phố cổ Hà Nội được cho là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam. Cùng với Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội là hiện hữu của Kinh thành Thăng Long xưa, mang hồn thiêng khí phách lịch sử dân tộc và là một di tích vô cùng quý giá cũng như một phần để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng gồm đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… và một số giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn khác góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, bắt đầu từ năm 2008 đến nay, có 21 di tích trong khu phố cổ được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư và cải tạo. Nhiều di tích sau khi được cải tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch như đình Kim Ngân, chùa Lý triều Quốc sư, quán chùa Huyền Thiên... Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã chỉnh trang được 44 tuyến phố trong khu phố cổ, khôi phục lại diện mạo của những ngôi nhà có giá trị, góp phần khôi phục lại diện mạo xưa của các tuyến phố chính tại khu vực trung tâm.
Ths. Trần Trung Hiếu - Phó GĐ phụ trách Sở Du lịch Hà Nội - cho biết thêm, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội được quận, thành phố và nhân dân Thủ đô quan tâm. Nhiều di tích lịch sử văn hóa và hạ tầng đã, đang được tu sửa, tôn tạo, gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động này luôn nằm trong “chiến lược” nhằm gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như góp phần trong việc tạo dựng và làm phong phú, hấp dẫn hơn nguồn tài nguyên quan trọng của Thủ đô.
Trong buổi hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội” tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nơi đây. Phó GS-TS-GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh đề xuất, TP.Hà Nội cần khai thác hiệu quả các giá trị kiến trúc khu phố cổ như một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Các sản phẩm phải đề cao vai trò và lợi ích của người dân khu phố cổ để qua đó, người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy đúng hướng các giá trị văn hóa truyền thống.
Phát triển du lịch từ giá trị di sản
Theo thống kê từ các đơn vị lữ hành, có khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào các tour du lịch phía Bắc đều lựa chọn đến tham quan, vui chơi tại khu phố cổ Hà Nội. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch quốc tế, bởi nơi đây vẫn lưu giữ được những nét độc đáo từ văn hóa lịch sử đến ẩm thực của Hà Nội xưa.
Nhiều du khách quốc tế khi đến Hà Nội đều có nhận định chung rằng, với sức hút của khu phố cổ với nhiều loại hình sản phẩm du lịch đa dạng luôn là điểm nhấn khó cưỡng và khó quên đối với bất cứ ai khi đến đây.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó GĐ Sở Du lịch Hà Nội - cho biết thêm, TP.Hà Nội xác định phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa là điểm “mấu chốt” trong việc quảng bá, giới thiệu du lịch của Thủ đô. Hiện nay, hầu hết các chương trình được xây dựng dành cho khách du lịch trong và ngoài nước phần lớn đều gắn liền với các di sản, di tích lịch sử văn hóa và làng nghề. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch văn hóa quan trọng được TP.Hà Nội tập trung đầu tư phát triển và nâng cấp, trong đó không thể thiếu điểm đến tham quan, tìm hiểu khu phố cổ và những công trình kiến trúc Pháp điển hình.
PGS-TS Phạm Hùng Cường nhìn nhận, với công nghệ 5G trong tương lai, các dữ liệu về lịch sử văn hóa, di sản của Hà Nội nói chung và của phố cổ Hà Nội nói riêng sẽ giúp du khách nội địa và quốc tế dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm tư liệu qua cổng thông tin.
Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia có chung quan điểm rằng, nên tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể khu phố cổ Hà Nội; phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản Quốc gia. Đồng thời khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân cũng như làm đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu phố cổ trở thành Trung tâm văn hoá của cả nước…
* “Một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất của bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Giữa bảo tồn các giá trị truyền thống với lợi nhuận kinh tế, yêu cầu tiện nghi của cuộc sống hiện đại là những mâu thuẫn khó có thể dung hòa qua các thời kỳ” Phó GS-TS Lương Tú Quyên - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội * “Khu phố cổ với tiềm năng vốn có cần được quản lý để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là cần có giải pháp phát triển kinh tế, phát triển du lịch mới có thể nâng cao chất lượng đời sống của người dân” TS Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm * “Công tác bảo tồn khu phố cổ đúng hướng sẽ kích hoạt hoạt động thương mại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có giá trị tăng trưởng cao của TP.Hà Nội” GS, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng |
Theo MAI CHÂU/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/pho-co-ha-noi-khai-thac-du-lich-sao-cho-hieu-qua-846401.ldo