(Xây dựng) - Phát triển kinh tế tỉnh Cao Bằng với tốc độ nhanh và bền vững cùng với tái cơ cấu kinh tế một cách hợp lý để phát huy và khai thác có hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh Cao Bằng.
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những quan điểm về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Phát triển Cao Bằng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển kinh tế tỉnh Cao Bằng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, xã hội và được vận hành trên cơ sở nền hành chính cải cách theo hướng cởi mở, thân thiện.
Đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá trong khu vực và khoảng cách ngày càng được rút ngắn so với mức trung bình cả nước; đời sống tinh thần được duy trì và phát triển trên cơ sở nền văn hóa đa dân tộc; nền an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, môi trường sống của người dân luôn được củng cố và cải thiện vững chắc.
GDP bình quân của tỉnh đạt khoảng 13,4%/năm vào năm 2025
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 13,8%/năm giai đoạn đến năm 2015, khoảng 14,2%/năm giai đoạn 2016 - 2020 và khoảng 13,4%/năm giai đoạn 2021 - 2025; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân từ 18 - 20%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2025, cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản tương ứng là 33,3%, 50% và 16,7%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.143 USD/năm.
Trong đó, phấn đấu phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở kết hợp mô hình trang trại quy mô vừa và nhỏ với kinh tế hộ gia đình; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15% vào năm 2020.
Theo quy hoạch, ngành thương mại và dịch vụ sẽ phát triển gắn với việc quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và đô thị mới nhằm phát triển đồng bộ và phát triển bền vững; kết hợp phát triển thương mại truyền thống với đầu tư xây dựng mạng lưới thương mại văn minh, hiện đại thông qua hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị; tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng...
Xây dựng thành phố Cao Bằng thành đô thị hiện đại
Theo định hướng tổ chức không gian, thành phố Cao Bằng sẽ được định hướng phát triển trở thành đô thị hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, nâng cấp và mở rộng thị trấn Tà Lùng thành thị xã Tà Lùng, đạt đô thị loại IV; đầu tư mở rộng thị trấn Nước Hai để trở thành thị xã Hòa An; nghiên cứu hình thành thêm một số thị trấn mới tại các huyện giáp biên giới, có cửa khẩu, khu công nghiệp tập trung...
Cùng với đó, tiến hành sắp xếp, bố trí, tổ chức lại khu vực dân cư nông thôn theo hướng hình thành khu vực tập trung dân cư nông thôn hoặc là bán nông thôn theo mô hình nông thôn mới...
Bảo Nhi
Theo