Thứ tư 24/04/2024 18:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển thị trường bất động sản phải gắn với đô thị di sản Huế

16:20 | 18/12/2020

(Xây dựng) - Ngày 18/12, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Báo Công Thương tổ chức hội thảo “Bất động sản gắn với đô thị di sản Huế”.

phat trien thi truong bat dong san phai gan voi do thi di san hue
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi; tìm giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên - Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn bó bền vững với đô thị di sản Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014: Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: Thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên - Huế; từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và thực hiện theo quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay: Phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên - Huế. Các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên - Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án “bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị.

Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử. Càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng – điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam mà nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản. Bảo tồn không cản trở phát triển, nhưng đồng thời phải xác định phát triển đô thị mới sẽ góp phần gián tiếp bảo tồn di sản.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc phát triển Thừa Thiên – Huế thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách cho việc phát triển các dự án bất động sản trong thời gian tới. Vì vậy, các nhà đầu tư cần chung tay với chính quyền trong việc vận động chính sách và xây dựng sớm hạ tầng kết nối vùng để tạo nền tảng cho các hoạt động liên kết về kinh tế - xã hội. Khuyến khích và thu hút những dự án đem lại các cơ hội việc làm thu nhập cao cho các khu đô thị mới tiềm năng trong tương lai. Xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư ứng vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh cho cả trong ranh dự án và các tuyến đường kết nối và bao quanh, đổi lấy các ưu đãi về đầu tư và vận hành dự án. Các nhà đầu tư cần nắm bắt các cơ hội đầu tư xây dựng giúp Thừa Thiên - Huế hình thành các khu đô thị đa bản sắc, phục vụ nhu cầu sống và làm việc đa dạng khác nhau của nhiều nhóm cộng đồng tại các khu đô thị…

Ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên - Huế. Hiện các dự án bất động sản ở Huế vẫn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét di sản Huế. Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, thành phần tư nhân giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát; Tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương, cải thiện được sinh kế và chất lượng sống.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load