Thứ năm 16/01/2025 07:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Phát triển NƠXH ở Quảng Ninh: Nghịch lý cung-cầu

16:05 | 18/09/2017

(Xây dựng) - Từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị... Thế nhưng đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu của người dân, công nhân trên địa bàn.

Bức thiết của người có thu nhập thấp


Khu tập thể công nhân của Công ty Than Quang Hanh.

Nói về nhà ở cho công nhân, anh Bùi Đức Thưởng, công nhân Phân xưởng Khai thác 2 Khe Chàm, Công ty Than Hạ Long, cho biết: “Tôi ở Quảng Ninh một mình. Nếu muốn thuê nhà ở cũng mất đến tiền triệu/tháng. May mà Công ty có nhà ở cho công nhân nên mỗi tháng, chi phí nhà ở, điện, nước của tôi chỉ mất khoảng 200.000 đồng. Trong khu chung cư công nhân còn có cả nhà ăn, nhà văn hóa, thể thao... rất thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày”. Được biết, Khu chung cư công nhân của Công ty Than Hạ Long có khoảng 200 phòng ở bố trí cho hơn 750 công nhân. Các phòng đều thiết kế khép kín, đáp ứng đầy đủ sinh hoạt cho công nhân. Hiện Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng thêm lô nhà ở 11 tầng tại phường Quang Hanh để bố trí nơi ở cho công nhân của đơn vị, trong đó có cả trường hợp ở cùng gia đình. Còn Công ty Than Thống Nhất cũng có khu tập thể nhà ở cho công nhân với 66 phòng, 240 người ở. Mặc dù các đơn vị ngành Than đã nỗ lực trong việc bố trí, sắp xếp, xây dựng khu tập thể cho công nhân, nhưng đến thời điểm hiện nay, với 76 khu nhà ở công nhân (khoảng 4.600 căn hộ) thuộc 20 đơn vị của TKV trên địa bàn tỉnh cũng mới chỉ đáp ứng chỗ ở cho 16.500 người (khoảng 11% nhu cầu nhà ở cho công nhân) và mới chỉ dừng lại ở đối tượng công nhân độc thân, số còn lại vẫn phải tự túc chỗ ở.


Toà chung cư 11 tầng của Công ty Than Hạ Long tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả là một trong số ít công trình nhà ở cho công nhân được các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây.

Còn ở các khu công nghiệp (KCN), vấn đề nhà ở cho công nhân càng trở nên cấp thiết. Dù thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp (Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà - Giai đoạn I) triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng với khoảng 18.200 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Công ty TNHH Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên) có khu nhà ở, bố trí cho khoảng 3.200 công nhân. Trong khi đó, dự báo đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 145.000 công nhân làm việc tại các KCN, trong đó trên 48.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nói về vấn đề này, chị Hoàng Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Bao bì Ánh Dương, KCN Cái Lân, cho biết: “Mỗi tháng, tổng thu nhập vợ chồng tôi chỉ được khoảng 8 triệu đồng; chi phí con ăn học, xăng xe đi lại, tiền thuê nhà hàng tháng và sinh hoạt thường ngày nên tiết kiệm không đáng là bao. Với giá cả nhà đất trên thị trường hiện nay rất khó để chúng tôi có nhà để ở”.

Không chỉ với khối công nhân mà nhu cầu nhà ở đối với người có thu nhập thấp trên địa bàn là rất lớn. Dự kiến của tỉnh đến năm 2020 cần đáp ứng khoảng 1.900 căn hộ (tương ứng với khoảng 112.000m2 sàn) cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị.

Nhà đầu tư gặp khó về... vốn


Phòng ở khép kín giúp công nhân thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày tại Khu chung cư cho công nhân Công ty Than Hạ Long.

Mặc dù những năm qua, tỉnh đã quan tâm, ban hành rất nhiều văn bản, kế hoạch, quyết định... liên quan đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị...; chỉ đạo các địa phương, trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng, địa phương phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, dự án kinh doanh hạ tầng phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội..., nhưng thực tế việc phát triển nhà ở xã hội trong những năm gần đây không nhiều. Cụ thể nhất là giai đoạn 2013-2016, dù UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng tới nay mới chỉ có Dự án nhà ở xã hội tại cụm công nghiệp Kim Sen, phường Kim Sơn, TX Đông Triều do Công ty CP Gốm màu Hoàng Hà (Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà) làm chủ đầu tư và Dự án nhà ở xã hội tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí do Công ty CP Tập đoàn Xuân Lãm làm chủ đầu tư là đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Ngay như Dự án nhà ở xã hội tại cụm công nghiệp Kim Sen giờ mới triển khai được 15% tổng thể dự án và có nguy cơ không thực hiện được. Theo ông Phạm Văn Thể, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, hiện nay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã hết. Do đó, Công ty ông đang đề xuất xin tỉnh chuyển Dự án nhà ở xã hội này thành nhà ở thương mại... Hai dự án còn lại là Dự án nhà ở xã hội tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long do Công ty Duyên Hải – Quân Khu 3 làm chủ đầu tư và Dự án nhà ở thu nhập thấp tại phường Hà Khánh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Tân Thành chưa thấy nhà đầu tư đả động đến. Do đó, hy vọng nhà ở cho người có thu nhập thấp khá mong manh.

Về nhà ở cho công nhân hiện cũng không kém phần khó khăn, bởi dù tỉnh đã có văn bản đồng ý cho một số doanh nghiệp lập dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân; thậm chí, chấp thuận địa điểm xây dựng nhà ở công nhân... nhưng đến nay hầu hết các đơn vị chưa triển khai được. Còn về phía ngành Than, dù tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ ngành về điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục đích sử dụng đất dôi dư, các quỹ đất sản xuất gắn liền với đô thị để ngành Than tạo quỹ đất xây dựng nhà ở, tuy nhiên nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng nhà ở công nhân hộ gia đình còn hạn chế.


Khu nhà ở công nhân của Công ty Than Hạ Long.

Nguyên nhân của việc chậm trễ, thậm chí không thực hiện được việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân là do thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng, các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp khiến chủ đầu tư không mặn mà. Một số đơn vị ngành Than hiện gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên khó bố trí nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó cũng có trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư sử dụng nhiều công nhân lao động nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, việc bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân KCN còn hạn chế.

Để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh, ngoài cần những chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng cần chỉ đạo các địa phương mạnh mẽ hơn trong việc vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định xã hội trên địa bàn.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load