Thứ năm 25/04/2024 22:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển nhà ở xã hội: Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn và cơ chế khuyến khích

16:05 | 20/04/2022

(Xây dựng) - Thiếu quỹ đất để xây dựng, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp... là những rào cản trong phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Mới đây, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra, ngay lập tức thị trường bất động sản cũng nhận được cú hích lớn từ chính sách này, trong đó những khó khăn trong công tác phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân các khu đô thị cũng được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết.

phat trien nha o xa hoi kho khan lon nhat la nguon von va co che khuyen khich
Phiên thảo luận Triển khai 02 gói hỗ trợ chương trình phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ tại “Tọa đàm Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân” do Bộ Xây dựng và Đài Truyền hình VTC tổ chức.

Tại Tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” do Bộ Xây dựng và Đài Truyền hình KTS VTC phối hợp tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo... Với các chính sách đã ban hành, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn).

Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp...

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách trong thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó cơ bản đã giải quyết được những bất cập, hạn chế thời gian qua.

Cụ thể, đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quy mô dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Hướng dẫn chi tiết việc lựa chọn Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật đầu tư và pháp luật đấu thầu, tại Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NOXH; trình tự, thủ tục đăng ký mua, thuê, thuê mua; xét duyệt đối tượng... đảm bảo dễ dàng, rút ngắn thủ tục hành chính nhưng cũng đảm bảo sự chính xác, công bằng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, trong đó có công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” gồm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh rằng: “Một trong những khó khăn vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội đó là vấn đề về thiếu nguồn vốn. Sau khi gói 30.000 tỷ cho vay để phát triển nhà ở xã hội với các quy mô nhỏ thực hiện trong giai đoạn 2013 đến hết năm 2016, gói hỗ trợ này đã giải ngân gần 100% gói 30 nghìn tỷ và tạo động lực rất lớn để phát triển nhà ở xã hội.

Sau khi gói 30.000 tỷ kết thúc thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội rất hạn chế. Trong giai đoạn 2016-2020, ngân hàng chính sách xã hội được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đạt 27% so với nhu cầu, còn các ngân hàng thương mại là đối tượng cho các chủ đầu tư, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay thì lại không được phân bổ vốn, dẫn đến sau khi gói 30.000 tỷ kết thúc thì các dự án hầu như bị dừng lại dẫn đến thiếu nguồn cung. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 trong đó có 2 gói hỗ trợ khác nhau: 1 là cho khách cá nhân thực hiện vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng vốn 15 nghìn tỷ, 2 là cho chủ đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân hỗ trợ lãi suất 2%. Chúng tôi kỳ vọng gói này là cú hích đối với việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới”.

Ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cũng chia sẻ: Gói tài trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết 43 của Quốc hội chắc chắn sẽ tạo ra động lực tốt đối với thị trường, tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong các giải pháp mà chúng ta cần thực hiện để có thể đẩy mạnh việc phát triển, qua kết quả điều tra khảo sát, tổng nhu cầu của nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong giai đoạn sau năm 2020 khoảng 6,8 triệu m2 sàn. Tuy nhiên theo kế hoạch, từ năm 2021-2025 sẽ phát triển 1,2 triệu m2, do vậy còn cần rất nhiều so với nhu cầu thực tế, đất phát triển nhà ở xã hội đang rất hạn chế.

Mặc dù, quy định 20% dành cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, tuy nhiên dự án dành cho nhà ở xã hội là không nhiều. Đối diện với thực trạng này, Thành phố Hà Nội từ năm 2017 đã báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện dự án nhà ở xã hội tập trung. Nội dung này, Bộ Xây dựng đã đưa vào Nghị định 49 của Chính phủ cho phép thực hiện nhà ở xã hội độc lập, dự kiến chỉ riêng Thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 270ha cung cấp khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

phat trien nha o xa hoi kho khan lon nhat la nguon von va co che khuyen khich
Phòng ngủ tại căn hộ mẫu một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật trao đổi việc hoàn thiện chính sách cũng là một yếu tố quyết định trong phát triển nhà ở xã hội.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Câu chuyện về nguồn vốn ngân sách để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng được đề cập. Nguồn vốn này cần được phân bổ một cách hợp lý hơn, kích cầu nguồn vốn vay của thành phố và gia tăng nguồn vốn xây dựng hạ tầng tại các dự án nhà ở xã hội đã xây dựng xong, nhằm thu hút sự quan tâm của người dân.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load