Thứ ba 10/09/2024 04:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Phát triển nhà ở cho công nhân vẫn gặp khó

16:11 | 10/03/2021

(Xây dựng) - Mặc dù có chủ trương định hướng rõ ràng nhưng số lượng nhà ở cho công nhân hiện tại vẫn rất khiêm tốn, không đáp ứng đủ nhu cầu, kỳ vọng của người lao động.

phat trien nha o cho cong nhan van gap kho
Theo thống kê, nguồn cung hiện mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân (Ảnh: Internet).

Những năm qua, nhằm phát triển nhà ở dành cho công nhân, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế như: chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường...

Thống kê của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, hiện nay cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Còn theo số liệu khảo sát từ Bộ Xây dựng, hiện tại cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.350.000m2. Đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000 m2. Như vậy, nguồn cung hiện mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. Cùng với hàng loạt bất cập, vướng mắc trong thời gian qua thì số lượng nhà ở được tạo ra cho đối tượng này không khác gì “muối bỏ biển”.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, cả nước hiện có 369 Khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các Khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế - KKT) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114.000ha. Bên cạnh đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng 766.000 ha, 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha.

Các Khu công nghiệp, KKT trên đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, thế nhưng tại một số nơi, quy hoạch và phát triển Khu công nghiệp, KKT chưa sát nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế - xã hội và môi trường; việc tập trung các Khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực chung quanh Khu công nghiệp; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại Khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao… Do đó, muốn thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở giá rẻ hiện nay cũng không hề dễ, đặc biệt là loại hình nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, cán bộ lao động có thu nhập thấp.

Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra đó là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, do các thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn chưa thể khởi động được. Hầu hết dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Chưa kể, nhiều doang nghiệp đầu tư Khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân, thậm chí có Khu công nghiệp còn không có đường giao thông để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa… Trong khi đó, việc bảo đảm về an sinh xã hội trong Khu công nghiệp là yếu tố được quan tâm của những nhà sản xuất lớn khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh những ưu đãi khác… Do vậy, thúc đẩy hoàn thiện và đồng bộ các chính sách mới về phát triển nhà ở gắn liền với Khu công nghiệp cần là yếu tố được lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, là địa phương tập trung khá nhiều các Khu công nghiệp nên Bắc Ninh cũng là tỉnh có lực lượng lao động, công nhân rất đông. Hiện, các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 15.000 lao động. Do tình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành các đơn hàng của năm trước; hơn nữa, lượng đơn hàng ở các nước “đẩy” sang Việt Nam nên đầu năm nay, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp tăng lên, từ đó nhu cầu tuyển dụng cao hơn, nhu cầu về nơi ăn chốn ở cho công nhân cũng cao theo.

Do vậy, bên cạnh việc đòi hỏi các địa phương công khai, minh bạch quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, nên xây dựng các chính sách vay vốn ưu đãi với cơ chế, quy định phù hợp, hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và công nhân lao động có nguồn hỗ trợ tài chính để mua nhà… Điều này sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn trong vấn đề nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load