Thứ sáu 19/04/2024 16:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển hạ tầng giao thông đô thị hiện đại

10:55 | 08/12/2022

(Xây dựng) - Phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề cập tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì mới đây.

Phát triển hạ tầng giao thông đô thị hiện đại
Nghị quyết 06-NQ/TW đặt mục tiêu: “Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”.

Tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đô thị

Thứ trưởng cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó đề ra chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng”, đưa ra chỉ tiêu về đô thị hóa “đến năm 2025, đạt khoảng 45%, đến năm 2030, đạt trên 50%” và xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”.

Đồng thời, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu: “Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”.

Quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW (Nghị quyết 148/NQ-CP), thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

Theo đó, tiếp tục đầu tư khép kín các đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội; vành đai 3, vành đai 4 vùng TP.HCM), đường xuyên tâm chính, hệ thống giao thông công cộng, bến, bãi đỗ xe, giao thông ngầm tại các đô thị...

Kết nối thuận lợi mạng lưới giao thông đô thị trên toàn quốc, hệ thống giao thông đô thị khắc phục tình trạng ngập úng, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc giao thông.

Hình thành các trục giao thông với cảnh quan kiến trúc đô thị đặc thù theo vùng, miền. Phấn đấu đạt tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2025 đạt khoảng 11 - 16%, năm 2030 đạt khoảng 16 - 26%...

Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển đường sắt đô thị, khuyến khích phát triển theo mô hình TOD; triển khai đầu tư hai đoạn tuyến ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM) để phát triển đô thị dọc tuyến; đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia để hỗ trợ các đô thị trong khu vực phát triển.

Phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn, nâng cấp tĩnh không cầu (cầu Đuống...) và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (cảng hàng không Nội Bài) và vùng TP.HCM (cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành) để đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị tại hai đầu Bắc - Nam. Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư các cảng hàng không mới để bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) và phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng), các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hỗ trợ phát triển đô thị trong khu vực; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Thí điểm cơ chế đặc thù để phát triển giao thông thông minh

Để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị bền vững và ổn định, phù hợp với đặc thù từng đô thị; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hai là, nghiên cứu xây dựng hoàn thiện khung pháp lý và phát triển đô thị thông minh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù để phát triển giao thông thông minh bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế. Xây dựng công trình giao thông đô thị kết hợp giải pháp cấp, thoát nước, xử lý nước thải để bảo đảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; Sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng; Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp tạo nguồn vốn từ việc GPMB cho dự án xây dựng công trình qua đô thị.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ các dự án xây dựng các công trình chiến lược như đường cao tốc, đường sắt đô thị, cảng hàng không.

Năm là, sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở quản lý và đầu tư, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực; hoàn thiện quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông; dành quỹ đất có khả năng thương mại, phát triển khu công nghiệp, khu du lịch để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đô thị.

Sáu là, nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, xây dựng lộ trình và giải pháp khả thi hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy tại các đô thị, kết hợp xây dựng đồng bộ hạ tầng và ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện môi trường.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, tin tưởng rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 06-NQ/TW.

“Ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load