(Xây dựng) - Hướng đến mục tiêu phát triển thị trường nhà ở và BĐS ổn định vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, đồng thời huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển thị trường BĐS, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước... Bộ Xây dựng hiện nay đang tích cực triển khai những giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nhà ở và thị trường BĐS.
Thị trường BĐS khởi sắc rõ nét
Trong những năm qua, diện tích, chất lượng nhà ở tăng nhanh đã góp phần quan trọng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tính trong thời gian 15 năm, từ 1999 - 2014, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đã tăng hơn 2 lần, từ 9,6m2 sàn/người lên khoảng 19,9m2 sàn/người. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã phát triển thêm khoảng 31,2 triệu mét vuông sàn, trong đó tại đô thị là khoảng 16,5 triệu mét vuông sàn, còn tại nông thôn khoảng 14,7 triệu mét vuông.
Cùng với đó, công tác phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội cũng đặc biệt được được quan tâm. Nhiều chương trình nhà ở hỗ trợ cho người có công, người nghèo khu vực nông thôn, các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt... đã giúp cải thiện chỗ ở cho hàng trăm nghìn gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Cụ thể, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn I đã giải quyết chỗ ở an toàn cho 102.105 hộ dân và đang triển khai giai đoạn II với khoảng 55.977 hộ dân. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn I đã hỗ trợ 530.000 hộ và đang đề xuất giai đoạn II với khoảng 510.000 hộ. Chương trình thí điểm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở tránh lũ lụt khu vực miền Trung đã hoàn thành 700/700 hộ và đang đề xuất giai đoạn mở rộng với khoảng 40.000 hộ.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã hỗ trợ khoảng 81.000 hộ (giai đoạn I) và đang triển khai gia đoạn II với khoảng 71.000 hộ, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân KCN đã hoàn thành 63 dự án, chương trình nhà ở dành cho sinh viên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 75 dự án...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: "Thị trường BĐS phát triển với hàng hóa phong phú, đa dạng đã góp phần tạo lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước. Hàng loạt dự án nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được xây dựng trên cả nước không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại mà còn tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Thị trường BĐS hướng đến người dân
Có thể nói, hiện nay hệ thống thể chế chính sách quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS đã từng bước được hoàn thiện, tạo nên hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư và điều tiết sự phát triển thị trường, bao gồm cả việc tạo lập, giao dịch, xác lập quyền sở hữu, quản lý khai thác, sử dụng sản phẩm BĐS cũng như quản lý các chủ thể tham gia thị trường.
Tuy nhiên, để thị trường BĐS hướng đến mọi người dân đồng thời nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thị trường BĐS ổn định vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối thông suốt với các thị trường khác..., Bộ Xây dựng hiện đang tích cực triển khai những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS, bổ sung, hoàn thiện cơ chế về chuyển nhượng dự án BĐS, giao dịch BĐS trong tương lai.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực đổi mới công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, đảm bảo các dự án BĐS phát triển theo đúng quy hoạch và có kế hoạch, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, đồng thời tái cơ cấu thị trường BĐS, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu trong phát triển nhà ở.
Một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nhà ở và thị trường BĐS được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra là tăng cường vài trò quản lý của nhà nước trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm kiểm soát, điều tiết thị trường BĐS.
Nhà nước chủ động điều tiết cung hàng hóa BĐS thông qua quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là nguồn cung đất đai cho thị trường sơ cấp thông qua việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như ban hành những chính sách về định giá đất, các loại thuế, phí liên quan đến BĐS...
Trần Đình Hà
Theo