Thứ sáu 24/01/2025 22:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh: Cần phải có giải pháp tổng thể

07:00 | 31/01/2014

Năm 2013 vừa qua và trong những năm tới, một trong những lĩnh vực  được Bộ Xây dựng ưu tiên là phát triển đô thị (PTĐT) xanh, PTĐT bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)… Trong những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, Báo Xây dựng đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị để tìm hiểu vấn đề này.

Xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là rất cần thiết

Thưa Thứ trưởng, những năm qua, trong PTĐT, bên cạnh những thành quả đạt được thì Việt Nam cũng còn tồn tại không ít những hạn chế. Phải chăng đô thị Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững?

- Trước tiên chúng ta phải ghi nhận giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc PTĐT gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến cuối năm 2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với hơn 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 34%. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ; Hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý. Quá trình xây dựng, PTĐT còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái… Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của BĐKH và nước biển dâng...

Đây là những hạn chế, thách thức lớn, đòi hỏi cần được giải quyết một cách đồng bộ để đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Trước các thách thức của thực tế phát triển nêu trên, việc xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là phù hợp và rất cần thiết. Định hướng này cũng là một trong những nội dung chính của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2012.

Xin hỏi Thứ trưởng, việc xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh được hiểu là như thế nào?

- Tăng trưởng xanh là một khái niệm không mới ở Việt Nam. Định hướng tăng trưởng xanh đã được đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều văn bản quan trọng do Chính phủ ban hành như Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004) và gần đây nhất là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 (2012), trong đó đặt ra yêu cầu quan trọng là xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển các đô thị Việt Nam nhanh và bền vững.

Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế nhìn nhận, PTĐT theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, hiện vẫn chưa có một khái niệm đầy đủ, cụ thể (có tính pháp lý) về đô thị xanh. Các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho PTĐT xanh cũng đã được xây dựng, có đề cập đến nội dung “xanh” trong đô thị như cây xanh, mặt nước trong đô thị, giao thông đô thị, nước thải, khí thải… nhưng vẫn chưa được thể hiện tập trung và còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá về đô thị xanh và định hướng mô hình PTĐT xanh tại Việt Nam.

Đô thị cần được hiểu một cách đầy đủ với tư cách là một bộ phận cấu thành của tự nhiên và xã hội. Đô thị là một hệ Địa - Kinh tế - Sinh thái với các thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế, xã hội có mối quan hệ cộng sinh sâu sắc và cân bằng. PTĐT xanh cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa các mối quan hệ trên và hướng tới sự thiết lập mối quan hệ thân thiện và bền vững giữa con người và thiên nhiên.

Sẽ ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị xanh

Về quan điểm thì như vậy, nhưng trên thực tế, việc xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh được triển khai ở mức độ nào? Việt Nam hiện đã xây dựng được các tiêu chí đánh giá đô thị xanh chưa, thưa Thứ trưởng?

- Các nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị xanh do Bộ Xây dựng đang chỉ đạo thực hiện tập trung vào 7 nhóm tiêu chí cơ bản bao gồm: Không gian xanh; Công trình xanh; Giao thông xanh; Công nghiệp xanh; Chất lượng môi trường đô thị xanh; Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Trong đó, có lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Theo kinh nghiệm thế giới và thực tế PTĐT ở Việt Nam, một đô thị không thể cùng một lúc đạt được ngay tất cả các tiêu chí của đô thị xanh mà cần thiết phải có lộ trình với kế hoạch cụ thể phấn đấu đạt được từng tiêu chí trong hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị xanh. Bộ tiêu chí đánh giá đô thị xanh của Việt Nam sau khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ là công cụ để đánh giá, công nhận các đô thị đạt tiêu chí xanh và là mục tiêu cụ thể để xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư phát triển hướng tới chuẩn xanh cho các đô thị của cả nước.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 15/2008/TT-BXD ngày 17/6/2008 hướng dẫn 6 tiêu chí để đánh giá KĐT kiểu mẫu. Mặc dù thông tư chưa đề cập đến khái niệm “đô thị xanh” nhưng cũng đã hướng tới các chỉ tiêu liên quan đến đất đai, cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội, cây xanh môi trường… đảm bảo chất lượng sống đô thị theo chiều hướng ngày càng được nâng cao. Theo đó, KĐT Linh Đàm (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) đã được công nhận là đô thị kiểu mẫu. Bên cạnh đó, nhiều KĐTM khác tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương… đã và đang được đầu tư phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường. Các đô thị này sẽ được đánh giá và công nhận đạt chuẩn đô thị xanh khi đáp ứng các tiêu chí mà Bộ Xây dựng sẽ ban hành trong thời gian tới.

Xây dựng mô hình đô thị xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam

Thưa Thứ trưởng, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo huớng tăng trưởng xanh cần phải có những giải pháp gì?

- Để phát triển hệ thống đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, cần xây dựng các mô hình đô thị đáp ứng các yêu cầu theo hướng tăng trưởng xanh, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh phải giải quyết các thách thức về kinh tế, môi trường, năng lượng, tác động của BĐKH…, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, PTĐT ở nước ta.

Trước hết, PTĐT phải theo quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái… Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế, sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo dựng thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước phục vụ cộng đồng, bảo tồn các đặc trưng văn hóa đô thị và các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về môi trường. Đặc biệt, cần có lộ trình đảm bảo cân đối và đa dạng các nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch.

Quan điểm PTĐT theo hướng tăng trưởng xanh phải được cụ thể hóa thông qua ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; PTĐT sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch. Các tiến bộ khoa học - công nghệ cần được tiếp cận, ứng dụng rộng rãi trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và có chính sách thu hút nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, nhà đầu tư tham gia thực hiện chủ trương này.

Ngoài ra, để phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh thì cần phải có giải pháp tổng thể, phù hợp để thích ứng BĐKH.

Trong các giải pháp Thứ trưởng vừa nêu, Bộ Xây dựng đóng vai trò như thế nào?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, phải lồng ghép các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2050 vào các tiêu chí, chiến lược PTĐT xanh quốc gia, như giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20% so với phương án phát triển bình thường. Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường.

- Thực hiện các định hướng, chiến lược, chương trình mà Chính phủ đã ban hành cũng như để thực hiện các giải pháp nêu trên, Bộ Xây dựng đã và đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và PTĐT đáp ứng yêu cầu PTĐT xanh, thích ứng BĐKH như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị…, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam.

Bộ đã ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bộ cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó BĐKH, làm tiền đề triển khai các chương trình, dự án phục vụ định hướng PTĐT xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng, tài nguyên của ngành. Bộ cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý PTĐT nói chung, đô thị xanh nói riêng. Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, tiêu chí đánh giá về đô thị xanh, kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược PTĐT quốc gia với các định hướng tăng trưởng xanh.

Các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phải đảm bảo vừa chế tài bắt buộc thực hiện, vừa ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia tích cực trong PTĐT xanh ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Giảm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ trong các công trình so với hiện nay

Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD - “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” được Bộ Xây dựng ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2005 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2013. Đây là một bộ Quy chuẩn quan trọng và là công cụ pháp lý để góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD, các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại (chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên sẽ phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo. Những quy định trong quy chuẩn này được áp dụng cho lớp vỏ công trình, ngoại trừ lớp vỏ của các không gian làm kho chứa hoặc nhà kho không sử dụng điều hoà và trang thiết bị trong công trình (hệ thống chiếu sáng nội thất; hệ thống thông gió và điều hoà không khí; thiết bị đun nước nóng; thiết bị quản lý năng lượng; thang máy và thang cuốn).

Quy chuẩn quốc gia là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, thi công công trình xây dựng, sẽ góp phần giảm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ so với hiện nay.

Hiện Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng; Tiếp tục xây dựng danh mục vật liệu tiết kiệm năng lượng và tài liệu hướng dẫn cho các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công; Xây dựng tài liệu giảng dạy và đào tạo cho các cán bộ thẩm định của 63 tỉnh thành…

Những sự kiện nổi bật 2013 trong quản lý PTĐT

Vào Ngày đô thị Việt Nam 08/11/2013, Bộ Xây dựng cùng Hiệp hội Đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam đã phát động chủ đề “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh” nhằm kêu gọi các đô thị trên toàn quốc hưởng ứng và có các kế hoạch hành động cụ thể triển khai thực hiện chủ đề này trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Trước đó, hồi đầu năm 2013, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực PTĐT, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP nhằm từng bước lập lại trật tự trong quản lý đầu tư PTĐT theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt, hướng đến PTĐT bền vững.

Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020" (vào đúng ngày cuối cùng của năm 2013, ngày 31/2).

Cũng trong năm 2013, Bộ Xây dựng đã Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD "Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”. Bộ đồng thời chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến chủ đề tăng trưởng xanh, PTĐT xanh, PTĐT bền vững, ứng phó với BĐKH…

Có thể nói, so với các năm trước, năm 2013, Bộ Xây dựng đã thực sự có nhiều bước tiến hơn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PTĐT.

 

Quý Anh(thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load