(Xây dựng) - Đây là quan điểm của Bộ Xây dựng trong phát triển đô thị và cũng là vấn đề được Bộ tập trung chú trọng chỉ đạo trong năm 2015.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015
Đề cập những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Trong năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đề án trong chương trình công tác năm 2015 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ được giao.
Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu Luật Quản lý phát triển đô thị; hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về phân loại đô thị, theo hướng không quá chú trọng vào quy mô mà tập trung vào nâng cao chất lượng đô thị, phát huy các giá trị đặc trưng của vùng, miền và yếu tố đặc thù của đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành Đề án Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ đô thị đến năm 2020.
Cũng trong năm 2015, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó vấn đề cốt lõi là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Bộ đồng thời hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện các Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 - 2020; Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 nhằm nâng cao chất lượng hệ thống đô thị toàn quốc, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân đô thị.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục tổ chức triển khai công tác xúc tiến đầu tư tìm các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA cho lĩnh vực phát triển đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, Bộ cũng tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu “Tăng cường khả năng ứng phó của ngành Xây dựng đối với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; phát triển ngành Xây dựng theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.
Triển khai tích cực Nghị định 11/NĐ-CP
Trước đó, năm 2014 được ghi nhận là năm triển khai tích cực Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nghị định 11 do Bộ Xây dựng soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định cụ thể quy trình thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch đô thị, cũng như việc xác định các khu vực phát triển đô thị để đầu tư đồng bộ theo kế hoạch, tránh việc cho phép các dự án đầu tư tràn lan gây lãng phí tài nguyên đất và các nguồn lực khác của xã hội…
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, sau 2 năm triển khai Nghị định 11, hiện đã có khoảng 20 tỉnh, thành đã phê duyệt hoặc đang lập Chương trình phát triển đô thị để làm cơ sở triển khai lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị để phê duyệt cũng như kế hoạch thực hiện. Khoảng 7 địa phương đang tiến hành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định của Nghị định 11. Các địa phương cũng đã triển khai rộng rãi việc xem xét chấp thuận đầu tư các dự án theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ theo các quy định tại Nghị định 11.
Tính đến cuối năm 2014 đã có 21 dự án tại các tỉnh, thành trên cả nước gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư và 01 dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Có khoảng 140 dự án đã thực hiện việc lấy ý kiến về đề xuất cho thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Qua 2 năm thực hiện có thể thấy các quy định của Nghị định thực sự đáp ứng yêu cầu về kiểm soát, lập lại trật tự cho quá trình phát triển đô thị, đảm bảo thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan lãng phí trước đây.
Thứ trưởng nhận định: Nghị định 11 lần đầu tiên quy định về việc phải xác định khu vực phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các chương trình phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể. Và các dự án chỉ được chấp thuận đầu tư nếu phù hợp với khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt.
Với các quy định chặt chẽ như trên, việc các dự án triển khai tràn lan sẽ được hạn chế tối đa. Các địa phương sẽ buộc phải thực hiện phê duyệt các quy hoạch đảm bảo kết nối cũng như xác định các khu vực phát triển đô thị làm trọng điểm đầu tư cũng như kế hoạch thực hiện kèm theo để làm cơ sở chấp thuận dự án.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng xác định cụ thể trách nhiệm của các bên có liên quan tùy theo vai trò, chức năng nhiệm vụ (chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành…); quy định rõ trách nhiệm giám sát của đơn vị dự kiến sẽ được giao vận hành quản lý công trình hạ tầng xã hội trong suốt quá trình xây dựng nhằm tăng cường giám sát đảm bảo chất lượng công trình đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý vận hành sau khi kết thúc đầu tư xây dựng.
“Với các quy định chặt chẽ này, việc phát triển thiếu đồng bộ tại các khu đô thị sẽ được ngăn chặn và giảm thiểu tối đa, quyền lợi của người dân đến sống tại các khu đô thị mới được đảm bảo, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương” - Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định.
Quý Anh
Theo