Đây là nhận định của TS Michael DiGregorio - Giám đốc điều hành Cty Redbridge, trên cơ sở nghiên cứu trận bão Mirinae đổ bộ vào miền Trung Việt Nam ngày 02/11/2009. Bão Mirinae đã làm chết 122 người và gây thiệt hại về tài sản lên đến 280 triệu USD. Riêng TP Quy Nhơn (địa bàn mà TS Michael DiGregorio nghiên cứu theo yêu cầu của Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bình Định), bão Mirinae đã làm thiệt mạng 7 người và gây thiệt hại về tài sản 22 triệu USD.
TS Michael DiGregorio nhận định: BĐKH là một hiểm họa nghiêm trọng đối với cuộc sống và hoạt động kiếm sống của người dân Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam BĐKH đang càng trở nên trầm trọng hơn do việc xây dựng hạ tầng, khu đô thị mới, KCN ở những địa điểm không phù hợp. Qua hình ảnh vệ tinh kết hợp phỏng vấn người dân địa phương, nhóm nghiên cứu đã minh họa lại trên bản đồ diễn biến lũ của trận bão Mirinae. Tiếp đó, nhóm tiếp tục đánh giá tác động của những thay đổi về địa hình, địa vật của khu vực trong thời gian gần đây đồng thời đánh giá tính phù hợp của đồ án quy hoạch xây dựng P.Nhơn Bình và quy hoạch tổng thể xây dựng hiện hữu TP Quy Nhơn. Nhóm đã phát hiện: Định hướng phát triển đô thị về phía hạ lưu sông Hà Thanh là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tác động của cơn lũ lịch sử Mirinae trên địa bàn TP Quy Nhơn. Bằng chứng là hàng năm, vào mùa lũ, nước thường xuyên chảy tràn qua nơi cư trú và sản xuất của người dân ở vùng hạ lưu. Giống như một quy luật tự nhiên, người dân luôn sẵn sàng chuẩn bị cho các trật lụt theo mùa. Hơn thế, từ nhiều thế kỷ qua, người dân ở hạ lưu sông Hà Thanh biết rất rõ là bất cứ cái gì chặn dòng chảy của nước vào đầm Thị Nại cũng sẽ làm tăng ngập lụt. Vào tháng 11/2009, nước lũ đã không chảy tràn đều trên mặt đất rồi thoát vào đầm Thị Nại mà tràn ngược trở lại khu vực người dân cư trú do bị chặn bởi các con đê và đường sá. Ra đến gần 200m bên ngoài đê Đông, trên một khu vực bằng phẳng và tương đối mở ở gần đầm Thị Nại, mức lũ mới rút đi một nửa. Và khi chảy đến bờ đầm ở công Hưng Thạch, nước lũ chỉ ngập 40cm.
Nghiên cứu này có ý nghĩa với TP Quy Nhơn và nhiều đô thị khác ở Việt Nam. Bởi theo dự báo của Viện Khí tượng thủy văn và môi trường, BĐKH sẽ khiến bão lũ xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn ở khu vực miền Trung. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nếu phát triển đô thị không hợp lý sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt. Ngay cả khi cố gắng bảo vệ các khu vực này bằng cách xây đê kè, người ta chỉ có thể đẩy nước lũ đi và chuyển nguy cơ sang một khu vực khác.
Quý Anh
Theo baoxaydung.com.vn