Đây là một trong những thông điệp được đưa ra tại hội nghị “Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường và phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 07/11, nhân Ngày Đô thị Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng ban Điều phối Diễn đàn Đô thị Việt Nam Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Đô thị hóa ở Việt Nam, góc nhìn từ “bên trong”
Tại hội nghị, phân tích những hạn chế và thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Phan Mỹ Linh nhận định: Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển đô thị của Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá phân loại, phân cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ dân đô thị được cấp nước, tỷ lệ thoát nước đô thị còn thấp. Tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Cũng theo bà Linh, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn, phức tạp của quá trình đô thị hóa và phát triển như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm, phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị - nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên… và cả những vấn đề mới nảy sinh toàn cầu như hội nhập cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Không còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn
Cũng đánh giá về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, nhưng Chuyên gia trưởng và là điều phối viên Ban Phát triển Đô thị Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Dean A.Cira lại đưa ra một góc nhìn khác. Theo đó, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi đô thị hóa từ sơ khai sang giai đoạn cao hơn với tốc độ chuyển đổi kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam xấp xỉ 30% và tăng trưởng dân số đô thị hàng năm đạt 3,4%.
Đề cập đến vấn đề đất đai, BĐS, ông Dean A.Cira nhận định: Trong những năm gần đây, các quy định quản lý đất đai và BĐS đã được cải thiện trên rất nhiều phương diện, tuy nhiên Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, các quy định quản lý. Bởi hiện nay, các giao dịch đất đai và chuyển đổi đất vẫn tiếp tục diễn ra một cách không chính thức. Giá đất ở các KĐTM so với đất thổ cư có sẵn chênh lệch cao, trong khoảng từ 12 – 200%.
Về quy hoạch đô thị, theo WB, khung và quy trình lập quy hoạch phát triển đô thị của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên những nguyên tắc thiết kế chứ chưa hỗ trợ cho việc phát huy chức năng của thị trường nhà đất.
Về dịch vụ, WB nhận định: Việt Nam đã làm rất tốt, đạt được mức 96% hộ dân cư tiếp cận với điện lưới quốc gia, không còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đây là một thành quả đáng biểu dương đối với một nước đang phát triển. Tuy nhiên, các dịch vụ khác như vệ sinh, cấp nước, thoát nước, vẫn còn hạn chế.
WB khuyến cáo: Liên quan tới dịch vụ đô thị, Việt Nam cần bảo đảm thu hồi chi phí. Điều này sẽ dẫn tới dịch vụ tốt hơn. Việt Nam cũng cần tăng cường hiệu quả và chất lượng cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày tăng lên và giảm chi phí. Đồng thời Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào đầu tư công để tìm kiếm các nguồn tài trợ bền vững khác, ví dụ như khu vực tư nhân…
Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp quy về phát triển đô thị
Chính quyền các tỉnh, TP cần rà soát công tác quy hoạch, kế hoạch, thực hiện quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế. |
Trở lại với những giải pháp khắc phục bất cập trong quá trình phát triển đô thị, theo bà Phan Mỹ Linh, Việt Nam sẽ tăng cường thể chế kiểm soát phát triển, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, tạo điều kiện huy động khai thác nguồn lực cho đô thị cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng đô thị hiện đại, ứng phó và thích nghi kịp thời với các tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, bà Mỹ Linh cho biết: Việt Nam sẽ tập trung tạo lập tốt hệ thống cơ sở dữ liệu phát triển đô thị toàn quốc làm cơ sở hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng cơ chế chính sách kịp thời đối với yêu cầu thực tế, đồng thời tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm, mở rộng điều kiện và cơ hội thu hút đầu tư hợp lý cho đô thị theo hướng phát triển đô thị Việt Nam thân thiện môi trường, phát triển bền vững...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Chính quyền các tỉnh, TP, các đô thị cần rà soát công tác quy hoạch, kế hoạch, thực hiện quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương cần đánh giá công tác quản lý dự án và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, dự án đô thị đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải tăng cường năng lực, sức cạnh tranh và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ trong phát triển đô thị. Người dân cần được nâng cao kiến thức, năng lực để chủ động tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển đô thị nơi mình sống. Các nhà khoa học, các chuyên gia đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, có tiếng nói phản biện với các nội dung quy hoạch và quá trình xây dựng phát triển đô thị. Tư vấn cần tăng cường năng lực thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật đô thị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông minh để các sản phẩm thiết kế có chất lượng cao, thể hiện tính độc đáo và đặc điểm khí hậu vùng miền…
Thách thức đặt ra với Việt Nam là cải thiện chất lượng; giảm sự khác biệt giữa các cấp đô thị. Các kế hoạch phát triển hệ thống giao thông sẽ phải tính đến các mô hình sử dụng đất mới phát sinh và theo định hướng thị trường tại các TP. Lưu ý kế hoạch phát triển hệ thống giao thông phải đưa ra những phương án thay thế hấp dẫn đối với người sử dụng phương tiện công cộng về mặt giá cả và sự thuận tiện. (Chuyên gia trưởng, Điều phối viên Ban Phát triển Đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dean A.Cira) |
Tiểu Vũ
Theo baoxaydung.com.vn