Thứ sáu 29/03/2024 13:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển đô thị bền vững ở ĐBSCL

14:14 | 02/03/2021

(Xây dựng) - ĐBSCL thuộc 1 trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Đô thị hóa vùng ĐBSCL kế thừa lịch sử phát triển, đón nhận các cơ hội mới từ hội nhập kinh tế quốc tế và vượt qua những thách thức, nhất là các tác động rất lớn từ BĐKH toàn cầu.

phat trien do thi ben vung o dbscl
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Đây cũng là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn, phì nhiêu với sản lượng lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước và ở Đông Nam Á. Vùng có TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; là nơi sinh sống của trên 17 triệu cư dân trong 167 điểm định cư đô thị (2019) và hàng ngàn điểm định cư nông thôn.

Cho đến nay, hạ tầng cơ bản phục vụ cư dân tới cấp xã. Có hạ tầng KT-XH, toàn vùng ĐBSCL đã khởi sắc về mọi mặt, kinh tế tăng xuất khẩu, lực lượng lao động qua đào tạo tăng cao. Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL đã phát triển vượt bậc về số lượng.

Quá trình đô thị hóa ĐBSCL đã bằng chính nội lực, hệ thống đô thị theo tầng bậc được hình thành, bước đầu trở thành các trung tâm kinh tế và cung cấp hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và cư dân. ĐBSCL đã dần dần trở thành điểm đến mới nổi tại Việt Nam [GIZ] thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: nông sản và chế biến nông sản, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ hỗn hợp, du lịch, xây dựng. Các khu vực tiềm năng là: Cần Thơ, khu vực phía Nam TP.HCM, khu vực ven biển. Trong đó Cần Thơ có cơ sở hạ tầng cảng, sân bay, kết nối với TP.HCM, tích tụ lao động và kinh tế, thực sự trở thành thủ phủ vùng ĐBSCL, Trung tâm công nghệ mới. Các tỉnh phía Nam TP.HCM hưởng lợi từ ảnh hưởng vùng TP.HCM, hấp thu công nghiệp nhân công giá rẻ, hạ tầng không tắc nghẽn, chi phí sản xuất thấp. Khu vực ven biển lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản và du lịch, sản xuất điện năng lượng tự nhiên.

Thực tế đó đang đem đến cho vùng ĐBSCL hàng loạt cơ hội. Nền kinh tế tăng trưởng, quá trình hội nhập quốc tế đưa ĐBSCL từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tự do hóa thương mại. Đô thị hóa tạo cho tất cả các tỉnh trong vùng có môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI, không chỉ ở các tỉnh có lợi thế vị trí chiến lược như hiện nay. Vai trò của Cần Thơ và các đô thị tỉnh lỵ nâng cao, tăng kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM dễ dàng hơn, khi vùng có thêm các trọng điểm đô thị và hành lang kinh tế kết nối đến vùng TP.HCM, giúp ĐBSCL xây dựng thương hiệu và tăng hiệu quả đầu tư.

Đô thị hoá thúc đẩy kinh tế tri thức, sẽ hấp thu lực lượng lao động dồi dào, tạo nên thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, từ đó thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp đang bắt nhịp với xu hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh tế dịch vụ, du lịch có thêm cơ hội phát triển. BĐKH tạo nên cơ hội khai phá tiềm năng mới trong quá trình đô thị hóa ở ĐBSCL đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, những thách thức cũng đặt ra yêu cầu để quá trình đô thị hóa ĐBSCL cần thích ứng trong bối cảnh mới để phát triển. Đó là việc giá trị sản xuất nông nghiệp truyền thống, độc canh lúa đã đi đến ngưỡng không thể tiếp tục tăng. Phát triển công nghiệp nặng còn hạn chế, công nghệ thấp. Cơ sở hạ tầng dù đã phát triển nhưng vẫn chưa bắt kịp nhu cầu thực tế, thiếu cảng nước sâu, thiếu giao thông nội vùng và liên vùng, nên còn nhiều khu vực trong ĐBSCL chưa tiếp cận thuận lợi với TP.HCM và các khu vực khác ở châu Á.

Một thách thức khác là tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, chảy máu chất xám. Chính sự ưu đãi của thiên nhiên đã hình thành lối sống cư dân an phận phụ thuộc vào thiên nhiên, nên khi chuyển mình theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn lực tại chỗ không đáp ứng được; Rủi ro môi trường và khí hậu, dịch vụ hỗ trợ còn kém. Áp lực về môi trường làm cho vùng ĐBSCL dễ bị tổn thương tạo nên các luồng dịch cư lớn.

Cơ hội và thách thức là đan xen. Do vậy, đô thị hóa ĐBSCL trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp bách cần giải quyết là chuyển đổi cấu trúc không gian đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia về lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và quản trị đô thị.

Trong tháng 3/2021, sẽ diễn ra "Hội nghị của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu". Hy vọng, từ Hội nghị này, những vấn đề đặt ra sẽ được các bộ, ngành có liên quan và địa phương vùng ĐBSCL tập trung tháo gỡ, để ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng!

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load