Thứ năm 19/09/2024 18:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Phát triển ĐBSCL tăng trưởng bền vững

16:18 | 02/04/2018

(Xây dựng) - Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước…


Phát triển vùng ĐBSCL tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với BĐKH.

Phát triển ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp…

Phạm vi vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh, với tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604m2. Dự báo đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18 đến 19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5 đến 7,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 35 đến 40% với tốc độ tăng bình quân 2,4 đến 3,3%/năm…

Trong đó, ĐBSCL hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền – sông Hậu, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau và ven biển Đông. Về cấu trúc không gian, vùng ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng ngập sâu, tiểu vùng giữa đồng bằng và tiểu vùng ven biển.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Trong những năm qua, ĐBSCL được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư phát triển, các địa phương cũng xây dựng quy hoạch và triển khai các dự án, chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn vùng.

Tuy nhiên, trong gần 10 năm qua, cùng với sự phát triển cũng đặt ra nhiều thách thức mới, đó là tác động của BĐKH, hạn chế trong liên kết vùng, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực kinh tế khó khăn, vấn đề môi trường… đã làm cho công tác quy hoạch và phát triển vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Để đáp ứng các yêu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/1/2018. Theo đó, sự phát triển của ĐBSCL không chỉ có ý nghĩa đối với các tỉnh trong vùng mà còn đối với quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng tới phát triển sản xuất nông nghiệp…

Triển khai chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL

Khu vực ĐBSCL với vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy hải sản hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện là một trong những khu vực đang chịu tác động lớn nhất từ hiện tượng BĐKH.

Từ thực tế này đòi hỏi khu vực ĐBSCL phải có tầm nhìn mới, có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để tạo sự khác biệt phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư, ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng là thị trường du lịch tiềm năng do sở hữu nhiều cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ tinh hoa lịch sử và di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…

Vừa qua tại Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết triển khai chiến lược dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng BĐKH giữa UBND TP Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, The Boston Consulting Group (Tập đoàn tư vấn BCG) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank). Dự án có mục tiêu hoạch định và triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch ở 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.

Với mong muốn phát triển bền vững du lịch khu vực ĐBSCL, các nhà đầu tư sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp để khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại ĐBSCL theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước, qua đó giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân miền Tây Nam Bộ, đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho nơi đây…

Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng rất cần sự vào cuộc tích cực từ chính quyền TP Cần Thơ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, thúc đẩy các quy trình, thủ tục, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để dự án sớm triển khai…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load