Thứ năm 28/03/2024 21:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển bảo hiểm phi nhân thọ, làm 'bệ đỡ' cho người nông dân

19:08 | 25/10/2021

Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xem là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, song cần bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

phat trien bao hiem phi nhan tho lam be do cho nguoi nong dan
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thảo luận tại tổ dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào sáng 25/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bởi sau 22 năm ban hành, có nhiều quy dịnh đã không còn phù hợp.

Đây là nhu cầu bức thiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc để phát triển nhanh và bền vững thị trường vốn, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bù đắp thiệt hại thiên tai: Không chỉ trông chờ vào ngân sách

Thảu luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo cân đối hài hòa hơn đáp ứng thị trường bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô.

“Thiệt hại thiên tai bão lũ phần lớn sau này được bù đắp bằng sản phẩm bảo hiểm chứ không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Nếu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển, người dân có thể khôi phục sản xuất và bảo hiểm là bệ đỡ cho người nông dân,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để thể chế hóa bảo hiểm vi mô, nhất là việc đưa loại hình bảo hiểm này đến với người dân vùng sâu, vùng xa và người yếu thế. Trên cơ sở đó, để xây dựng các quy định về loại hình bảo hiểm này, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá từ các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý vấn đề hợp đồng bảo hiểm cần tiếp tục rà soát theo hướng đảm bảo bình đẳng và quyền của người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng hưởng thụ; phù hợp với môi trường kinh doanh mạng, môi trường số hóa điện tử.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ đề án cơ cấu lại doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để có quy định không chấp nhận doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn về vốn và quản trị, song cần đảm bảo Nhà nước không can thiệp quá sâu vào quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như đảm bảo các quy định của luật gốc là Luật Doanh nghiệp.

Nhấn mạnh bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại, tốc độ tăng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng GDP và chú trọng loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistics…, Chủ tịch Quốc hội khẳng định nếu ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật với đầy đủ các quy định, kỳ họp Quốc hội tới sẽ thông qua.

Cần quy định cụ thể về chất lượng đại lý bảo hiểm

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) cơ bản nhất trí với các sửa đổi của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp này nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo hiểm phát triển, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, theo địa biểu này, mặc dù dự thảo luật đã có bổ sung quy định về đại lý bảo hiểm, song cần cụ thể hơn, bởi điều này có tác động trực tiếp tới người lao động cũng như việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Ông Thường dẫn chứng thị trường bảo hiểm tạo công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động, thế nhưng do tác động của dịch COVID-19, nhiều lao động mất việc làm đã chuyển sang học nghề và làm đại lý bảo hiểm. Điều này dẫn tới chất lượng của các đại lý bảo hiểm chưa được đảm bảo.

“Thời gian qua có nhu cầu mở mạng lưới đại lý và việc làm trong lĩnh vực bảo hiểm, nhưng chất lượng đại lý không cao. Nhiều đại lý không hiểu nội dung bảo hiểm để tư vấn cho khách hàng, trong khi người mua không hiểu quyền lợi của mình, đặc biệt là các nghĩa vụ. Vì thế, cần gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đào tạo để họ tư vấn đúng,” ông Thường kiến nghị.

phat trien bao hiem phi nhan tho lam be do cho nguoi nong dan
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến bảo hiểm vi mô, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng dự thảo quy định còn sơ sài, không quy định tổ chức nào được phép và tổ chức nào không được phép tham gia.

Vì thế, góp ý cho dự thảo luận lần này, vị đại biểu này đề nghị cần có quy định rõ bởi lẽ bảo hiểm vi mô cũng chứa nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, từ quản lý tài chính đến quản trị tài chính, cần phải kiểm soát chặt. Dù không đặt mục đích lợi nhuận, nhưng nếu để cơ quan quản lý kém việc thực hiện bảo hiểm vi mô thì có thể gây ra hệ lụy.

“Dự thảo cần nghiên cứu theo hướng thay vì tạo ra các tổ chức bảo hiểm vi mô thì cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp. Với điều kiện đặc thù hiện nay, nhiều đại lý, môi giới chỉ quan tâm bán được bảo hiểm mà không quan tâm đến quyền lợi của người mua nên vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, phức tạp,” đại biểu Thường nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) nhất trí với việc sửa đổi lần này, bởi đây là công cụ giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, song ông cũng nhấn mạnh cần phải cần bảo đảm quyền lợi cho khách hàng cũng như doanh nghiệp. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, dù coi khách hàng là cần bảo vệ, song nếu bảo vệ quá mức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặt khác, đại biểu Lộc cho rằng việc công bố thông tin của doanh nghiệp ra nhập thị trường là cần thiết, song phải bảo đảm tính bảo mật của doanh nghiệp. Trong khi đó, dự thảo lại có một số điểm can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp nên cần được xem xét lại./.

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load