“Không thể chấp nhận được” là cụm từ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại 2 buổi làm việc trong cùng một ngày với 2 Tổng cục Thuế và Hải quan mới đây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế sáng 9/7.
yêu cầu "bằng mọi biện pháp, tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo các tiêu chí cụ thể nhằm giảm số lần, thời gian nộp thuế của người dân và doanh nghiệp" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiếm khi nào cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan chức năng thấy người đứng đầu Chính phủ có lời lẽ mạnh mẽ đến như vậy. “Không thể chấp nhận” cũng có nghĩa là không thể không thay đổi, không thể không cải cách.
Cái tâm thế “không thể không thay đổi” đó thật ra đã thể hiện rõ nét từ Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vừa được ban hành hồi tháng 3 vừa qua. Và trước đó, trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng.
Nghị quyết số 19 đã cụ thể hóa năng lực cạnh tranh, vấn đề có vẻ hết sức trừu tượng, thành những chỉ tiêu định lượng rõ ràng và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan cụ thể. Riêng với ngành Tài chính, đó là giảm thời gian thông quan xuất khẩu, nhập khẩu để thời gian xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp về mức 13-14 ngày (hiện ở mức 21 ngày), rút ngắn thời gian nộp thuế về mức 171 giờ mỗi năm (hiện là 876 giờ).
Buổi làm việc có thể nói là “vượt cấp” của Thủ tướng và còn có cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, với các cơ quan cấp dưới Bộ này vừa cho thấy sự “sốt ruột”, vừa cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ. Bởi đây là những lĩnh vực hết sức quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nhưng cũng dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thẳng thắn mà nói, cái mà người dân kêu “hành là chính” thì bản chất sâu xa của nó cũng là tham nhũng, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp để nhằm mưu lợi ích cá nhân bất chính.
Thủ tướng từng nói, “phân công làm Thủ tướng thì tôi chấp hành, chứ phân công làm doanh nghiệp thì tôi chịu, không làm được đâu”. Câu nói chân tình ấy không chỉ đánh giá rất cao vai trò của các doanh nghiệp, mà còn cho thấy ông thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt, không chỉ trên thương trường mà còn trong quan hệ với các cơ quan hành chính. Tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, đa số thuộc khối tư nhân, diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng, với tư cách người đứng đầu bộ máy hành chính, đã gửi lời xin lỗi bởi “người dân, doanh nghiệp nộp thuế mà khó khăn quá”.
Đúng như nhận xét của Thủ tướng khi làm việc với ngành Thuế: “Cái này bạn bè nhìn mình là môi trường đầu tư kinh doanh, đây là năng lực cạnh tranh. Còn người dân không chỉ nhìn ngành Thuế mà còn nhìn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhìn bộ máy hành chính, nhìn kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhìn cải cách hành chính mà chúng ta cho là đột phá…”.
Thật không dễ dàng gì để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, càng không thể làm được trong một sớm một chiều, nhưng điều đáng mừng là tinh thần thấu hiểu ấy, quyết tâm cải cách của Thủ tướng dường như đã “thấm” dần xuống tới các cấp, các ngành.
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhắc tới nỗi khổ của người dân và doanh nghiệp tại hội nghị của ngành. Báo chí tường thuật lời Bộ trưởng: “Cán bộ thuế toàn ăn vặt. Ngay cả việc mua được hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế mới mua được hóa đơn. Đau đầu quá! Thế nhưng, đây là chuyện có thật”.
Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thì chất vấn cấp dưới: “Đường xấu như thế này mà các anh cũng thu phí của dân à?” trong chuyến thị sát các công trình giao thông ở miền Trung ngày 9/7, yêu cầu dừng ngay việc thu phí hầm đường bộ đèo Ngang cho đến khi hoàn thành sửa chữa mặt đường Quốc lộ 1 trước hầm.
Và ngày 11/7, tại phiên họp của HĐND TPHCM, Chủ tịch UBND TP. Lê Hoàng Quân đã thừa nhận thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời bày tỏ: "Đặt mình vào người dân, doanh nghiệp, muốn làm gì cũng phải chờ đợi thì mới hiểu nỗi khổ thế nào”.
Cuộc làm việc của Thủ tướng với 2 Tổng cục, sau khi tiếp nhận những lời phàn nàn từ phía doanh nghiệp, trước tiên là để đôn đốc hiện thực hóa những cam kết cụ thể của Chính phủ về rút ngắn thời gian nộp thuế, thời gian thông quan… Đây là những chỉ tiêu mang tính định lượng, nghĩa là doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng đánh giá mức độ hoàn thành cam kết của Chính phủ và Chính phủ cũng không thể biện minh nếu không thực hiện được.
Nhưng quan trọng hơn, đó là lời cảnh báo, nhắc nhở những cơ quan chưa ý thức được về tầm mức quan trọng của vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, hoặc còn chậm trễ, thiếu tinh thần trách nhiệm, không năng động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp thực hiện.
Có thể nói, đó là “phát pháo lệnh” quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ để tất cả các cấp, các ngành bắt tay gấp rút triển khai những nhiệm vụ đã được giao trong Nghị quyết 19.
Theo Kim Tuấn/chinhphu.vn
Theo