Vùng đất cát Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam) những ngày này nóng hừng hực. Bất chấp, người dân thôn Bình Túy, già trẻ, gái trai gác công việc để cùng nhau đào bới theo dấu tích địa đạo vừa phát lộ sau 50 năm.
Ông Trương Hoài Lâm bên trong địa đạo vừa được phát lộ, nơi chị gái mình hi sinh. Ảnh: Nguyễn Thành.
5 cây số dưới lòng cát
Ông Võ Công Thăng, năm nay đã 88 tuổi, là người từng tham gia đào địa đạo Bình Túy 50 năm trước. Nghe tin dân làng tìm thấy địa đạo xưa, ông có mặt để hướng dẫn người dân đào, chỉ hướng đi của địa đạo.
Ông Thăng kể, trong kháng chiến chống Pháp, địa đạo đã được dân làng đào để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Bình Túy được dân làng đào mở rộng hơn, với nhiều nhánh tỏa đi khắp các hướng, trong đó có một nhánh quan trọng ra sông Trường Giang.
Vì là đất cát nên không ai ngờ rằng, phía dưới lòng đất là một hệ thống địa đạo hoàn chỉnh, che mắt quân địch rất hiệu quả. Để đảm bảo an toàn dân làng đã rất thông minh khi cho hệ thống địa đạo đi dưới các gốc tre, gốc cây. Bên trong mỗi gốc tre chính là lỗ thông hơi vừa an toàn vừa tuyệt đối bí mật.
“Để có địa đạo này, dân làng phải đào ngày đào đêm. Đây chính là địa đạo của lòng dân. Người dân bí mật đào rồi cũng bí mật quang gánh mang đất ra đồng, ra sông đổ. Nhờ hệ thống địa đạo này mà cán bộ vùng đông Thăng Bình được bảo vệ khi tham gia hoạt động cách mạng”. Hệ thống địa đạo này dài khoảng 5km, chạy khắp thôn Bình Túy. Địa đạo chạy khúc khuỷu, men theo các khóm tre. Bên trong địa đạo có các khoang lớn là nơi làm việc, nghỉ ngơi của cán bộ.
Ông Phạm Văn Minh (70 tuổi), đánh trần, nhễ nhại mồ hôi đang cùng dân làng đào xới, xúc từng xẻng đất ra khỏi địa đạo. Đoạn địa đạo dân làng khai quật, ông Minh chui vào bên trong một lúc sau rồi chui ra thông báo với mọi người rằng: hãy còn y nguyên!. Sau đó, nhiều người dân cũng xin chui vào để xem. Ông Minh cũng là người tham gia đào địa đạo năm 18 tuổi.
“Ngày trước, khi làm địa đạo này, toàn bộ dân làng được huy động để cùng đào. Dân làng thay nhau, người đào người xúc. Đào đến đâu, xóa dấu vết đến đó. Công trình địa đạo hoàn thành dân làng lại có thêm nhiệm vụ nữa là nuôi giấu cán bộ”, ông Minh nói.
Địa đạo Bình Túy được đào trên đất cát.
Nữ anh hùng cứu 300 cán bộ
Trong câu chuyện về địa đạo làng Bình Túy, người dân ai cũng tự hào về người nữ anh hùng Trương Thị Xáng. Chị Xáng ngã xuống ở tuổi 18, nhưng tên chị và chiến công nuôi giấu, cứu 300 cán bộ, du kích mãi lưu truyền. Căn nhà của gia đình chị Xáng nằm ngay cửa địa đạo dân làng mới được phát lộ.
Ông Trương Hoài Lâm, 61 tuổi, là em trai của chị Xáng. Năm 12 tuổi, ông Lâm chứng kiến sự hi sinh của chị Xáng trước họng súng của kẻ thù. Theo lời kể bùi ngùi của ông Lâm, gia đình có truyền thống cách mạng, cha và chú đi tập kết ngoài Bắc, mình mẹ ở nhà nuôi con. Năm 16 tuổi chị đã được huyện, xã giao nhiệm vụ cảnh giới địch.
Từ năm 1963 - 1965, chị là du kích mật, làm công tác binh - địch vận, nắm bắt tình hình diễn biến để báo cáo cho tổ chức của ta. Xã Bình Giang, thời gian này thường xuyên bị càn quét Ngày 22/2/1965, địch dùng 4 tiểu đoàn càn quét đánh phá Bình Giang. Tại thôn Bình Túy, chúng phát hiện được miệng của địa đạo và ra sức tìm mọi cách để dụ dỗ cán bộ ta ra đầu hàng, đồng thời sử dụng xăng, khí độc đẩy xuống địa đạo. Dân làng bị khảo tra đánh đập
Trong khi đó, dưới địa đạo có tổng cộng hơn 300 cán bộ từ tỉnh, huyện, xã và du kích địa phương đang trú ẩn. Tình huống khẩn nguy, chị Xáng đã mưu trí lãnh đạo nhân dân "người này đào một lát thì người kia lấp lại ba lát" để qua mặt địch, làm bọn chúng không thể phá được địa đạo.
Chị Xáng còn giả vờ kêu la đau bụng, mọi người không đào nữa mà tập trung vào cứu chữa chị, nhờ đó kéo dài thời gian, buộc đến tối đich phải thả dân về nhà. Đêm đó, chị Xáng đã khôn khéo qua mắt địch, chui vào bên trong địa đạo, chỉ lối cho hơn 300 cán bộ, chiến sĩ và du kích của ta ra khỏi địa đạo an toàn từ một cửa bí mật khác ven sông Trường Giang.
Chị quay lại, vừa ra khỏi miệng hầm thì bị địch bắn chết, rồi dùng bom mìn vùi lấp cửa hầm cùng nhiều vị trí của địa đạo từ đó đến nay. Năm 2012, chị Xáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Dân làng cùng gia đình góp tiền, góp công dựng một đài tưởng niệm nhỏ.
Ước mơ bên địa đạo xưa
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết: Người dân mong muốn phục hồi di tích địa đạo Bình Túy để trở thành một di tích lịch sử từ lâu nay nhưng xã không có kinh phí. Chờ tỉnh, huyện lâu quá nên người dân tự tìm kiếm, tự đào lại để phục hồi.
Cũng theo ông Anh, ngay sau khi địa đạo phát lộ, xã đã báo cáo lên huyện Thăng Bình và Sở VH-TT&DL, đồng thời yêu cầu người dân ngừng đào tiếp, vì sợ địa đạo lâu ngày dễ sập, bom mìn chưa được rà phá hết, kể cả rắn độc. Tuy vậy, người dân vẫn rủ nhau đào để làm rõ hình hài của địa đạo với mong muốn cấp trên giúp dân làng cùng phục hồi công trình lịch sử này, để khỏi bị quên lãng.
Theo Tiền phong
Theo