Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Lực lượng vũ trang tại tỉnh Bình Định xúc cát giúp người dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn gia cố nhà cửa chống bão số 6. (Ảnh: Nguyên Linh -TTXVN) |
Hiện nay, tình hình thiên tai đang ngày càng cực đoan, bất thường, có chiều hướng gia tăng tần suất. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 18/11, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trước khi cho ý kiến tại Hội trường vào ngày 22/11.
Phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Dự án Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014; Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2007.
Hai luật này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác phòng, chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương.
Tuy nhiên, trước gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu, đã xuất hiện một số bất cập lớn như nguồn lực, kinh phí về phòng, chống thiên tai còn hạn chế; việc huy động nguồn lực khu vực ngoài nhà nước tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai, đê điều còn yếu; việc chỉ đạo, chỉ huy còn nhiều khó khăn do hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong việc phòng, chống thiên tai; hành lang bảo vệ đê còn nhiều bất cập.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại 23 khoản trong 19/47 Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và 8/48 Điều của Luật Đê điều.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thực thi 2 Luật và giám sát thực tế việc thực thi chính sách pháp luật về Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2014-2018, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, có một số vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và yêu cầu phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều trong tình hình mới như: Các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; Huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ khu vực doanh nghiệp cho công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều; Cơ chế khai thác lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, đê điều để đầu tư trở lại cho công tác phòng, chống thiên tai; Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuyên môn hóa nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai; Áp dụng khoa học- công nghệ trong phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều để tạo sự chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống thiên tai...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, nội dung dự án Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều.
Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật các ý kiến về cơ bản đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thật kỹ dự án luật và các luật có liên quan trọng hệ thống pháp luật, nhất là Luật Dân quân tự vệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo. Các quy định liên quan tới chính sách đưa ra trong dự luật cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn.
Ví dụ như quy định về chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai; sự cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ quốc tế phải nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời có cơ chế điều hòa từ những nơi có nguồn thu lớn nhưng ít thiên tai về quỹ Trung ương để phân bổ tới các địa phương xảy ra nhiều thiên tai nhưng có ít nguồn thu cho hợp lý. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tới việc phải loại bỏ những quy định làm phát sinh thêm giấy phép mới trong dự Luật.
Các ý kiến cũng đề nghị dự án Luật cần có quy định mang tính nguyên tắc về việc phải có đầu mối huy động nguồn lực, tránh phân tán, lãng phí nguồn lực, tránh lạm thu hoặc thu tùy tiện; nghiên cứu về tính khả thi, hiệu quả của các công trình mới bổ sung trong dự Luật như công trình chống xâm nhập mặn, công trình chống sét...
Đề xuất xây dựng Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương
Liên quan đến đề xuất xây dựng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Vì thế, cộng đồng quốc tế rất muốn ủng hộ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diễn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Tuy nhiên, do chưa có quỹ ở Trung ương nên phải tiếp nhận theo kiểu vốn viện trợ ODA với thủ tục giải ngân rất chậm. Hiện nay, 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập quỹ và đã thu hút được hàng nghìn tỷ đồng.
Việc thành lập quỹ ở Trung ương tiếp nhận các nguồn ủng hộ từ quốc tế để phân bổ trực tiếp cho các tỉnh; bộ máy kiêm nhiệm nên không làm phát sinh thêm biên chế.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) ủng hộ thành lập quỹ Trung ương vì đây vừa là nơi thu hút nguồn hỗ trợ từ quốc tế, vừa là nơi điều tiết giữa các tỉnh.
Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ nguồn thu của quỹ, cơ chế sử dụng để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các quỹ địa phương; đồng thời chú trọng đến tính công khai, minh bạch của quỹ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)