Thứ sáu 29/03/2024 02:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Nam Định:

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng thành phố Nam Định giàu đẹp, văn minh

11:05 | 15/10/2021

(Xây dựng) – Những năm qua, hạ tầng đô thị thành phố Nam Định được nâng cấp, mở rộng, diện mạo đô thị có sự thay đổi rõ rệt. Cùng với đó, công tác quản lý đô thị có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

phat huy truyen thong ve vang xay dung thanh pho nam dinh giau dep van minh
Hạ tầng đô thị thành phố Nam Định ngày càng phát triển.

Thành phố Nam Định chú trọng nâng cao năng lực quản lý đô thị

Bước vào giai đoạn mới, với khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Nam Định đang phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, quyết tâm xây dựng thành phố Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

UBND thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng: Là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc; năm 2030, thành phố Nam Định là đô thị thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Một số chỉ tiêu cụ thể: Sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17/9/2020; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị cấp phường.

Được biết, để hoàn thành được các mục tiêu trên, thành phố đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm, đồng bộ: Huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông” thường xuyên liên tục; phát huy vai trò của người dân là chủ thể xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh, tiến tới hiện đại.

Cùng với đó, UBND thành phố chủ trương tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian thành phố Nam Định. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND thành phố giao Phòng Quản lý đô thị chủ động phối hợp với các phòng chức năng; các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh và công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố (bao gồm cả địa giới hành chính thành phố sau khi mở rộng); quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phân khu phía Nam sông Đào; tổ chức triển khai, thực hiện tốt “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt, “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị” theo Quy hoạch chung được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2021, thành phố Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 14/1/2021 phê duyệt kế hoạch lập điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 119/QĐ-UBND trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024, thành phố Nam Định sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc lập, xin ý kiến các sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 5 đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Trong đó đồ án quy hoạch phân khu I gồm 13 phường khu trung tâm thành phố (Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Quang Trung, Nguyễn Du, Vị Hoàng, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Trần Đăng Ninh, Bà Triệu, Năng Tĩnh, Trường Thi, Cửa Bắc) với diện tích khoảng 635ha. Quy hoạch phân khu II gồm 4 phường Hạ Long, Lộc Hạ, Thống Nhất, Lộc Vượng với diện tích khoảng 914ha. Quy hoạch phân khu III gồm 2 phường Lộc Hoà, Mỹ Xá với diện tích khoảng 1.265ha. Quy hoạch phân khu IV gồm các phường Trần Quang Khải, Văn Miếu và xã Lộc An với diện tích khoảng 467ha. Quy hoạch phân khu V gồm các xã Nam Vân, Nam Phong và phường Cửa Nam với diện tích khoảng 1.361ha. Phối hợp với các đơn vị để xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở quy hoạch địa giới hành chính mở rộng, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế khu vực hai bên Đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía Nam sông Đào...

Cùng với nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về xây dựng mà trọng tâm là hoạt động lập và thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Nam Định chủ trương tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để thành phố Nam Định phát huy vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của tỉnh và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định như: Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, đường trục trung tâm phía Nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão hữu sông Hồng và tả sông Đào, Khu thiết chế công đoàn...

Khởi công, phấn đấu hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định... Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị, cấp điện và chiếu sáng, công viên, cây xanh, thể dục, thể thao công cộng và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cụm sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các khu công cộng, công viên… và các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị, nhằm xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Nam Định đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đến nay, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng; quy mô nền kinh tế phát triển nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 99,6%; nông nghiệp giảm còn 0,4%. Thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút nguồn đầu tư lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố. Về thương mại, dịch vụ, thành phố thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng kinh doanh hiện đại. Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mở rộng, chủ động tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng phát triển loại hình bán lẻ hiện đại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh… được quan tâm phát triển toàn diện. Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển khai hiệu quả. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, chăm lo và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam, gia đình nghèo được coi trọng. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra; phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Thành phố duy trì nền nếp công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhằm đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố và phát huy sức mạnh.

Mục tiêu đến năm 2025 của thành phố Nam Định ưu tiên: Phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Mở rộng địa giới hành chính thành phố. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, Thành ủy, UBND thành phố Nam Định đang tập trung chỉ đạo, triển khai chương trình phát triển có tính “đột phá”. Bao gồm: Đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật. Sự phát triển của thành phố hướng đến cân bằng đô thị hóa, hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc độc đáo; tiếp tục bảo tồn thành phố di sản có bề dày lịch sử, đồng thời hỗ trợ mở rộng đô thị.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố. Khắc phục bất cập về hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông, kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển không gian, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Khai thác tối đa lợi thế tuyến Quốc lộ 21B trong việc kết nối các đô thị lớn trong đồng bằng sông Hồng.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai và quản lý quy hoạch gắn với quản lý tài nguyên, môi trường. Tăng cường kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Khai thác hiệu quả tuyến đường dẫn cầu Tân Phong, đường trục phía nam sông Đào. Bổ sung không gian công cộng với hạ tầng hiện đại phù hợp với thế hệ lao động mới theo xu thế 4.0.

Đồng thời, phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Văn hóa Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Nâng cao năng lực quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị, từng bước xây dựng thành phố thông minh.

Như vậy, với đà phát triển mạnh về hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội Nam Định hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực phía Bắc.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load