Thứ sáu 26/04/2024 02:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Cần bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

19:46 | 13/03/2020

(Xây dựng) – Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần hết sức thận trọng để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư vì Việt Nam chưa có điều kiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp.

phat hanh trai phieu doanh nghiep can bao dam quyen loi nha dau tu
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Để bảo đảm an toàn cho thị trường, các nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trước động thái này, các doanh nghiệp bất động sản không khỏi lo lắng khi những quy định mới trong dự thảo có xu hướng siết chặt hơn nữa dòng tiền vào thị trường bất động sản.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về vấn đề này.

PV: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP đưa ra quy định doanh nghiệp chỉ được huy động tối đa vốn từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ gấp ba lần vốn chủ sở hữu. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Bùi Kiến Thành: Với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay cần quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của tất cả các doanh nghiệp nói chung không chỉ riêng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Nếu cứ thả bung cho doanh nghiệp đi vay mà không quan tâm đến vấn đề vốn chủ sở hữu sẽ đem lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự ổn định, các nhà đầu tư chưa nắm rõ được mọi khía cạnh của thị trường cho nên cần có một giới hạn cho phép doanh nghiệp được vay. Mức giới hạn không quá 03 lần vốn chủ sở hữu như dự thảo của Bộ Tài chính là hợp lý, không nên rỡ bỏ giới hạn này vì sẽ gây nguy hiểm.

PV: Trong một văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 04 đợt trong 01 năm, kiến nghị không nói rõ khoảng cách thời gian giữa 04 đợt huy động, do các doanh nghiệp lớn có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu về vốn. Theo ông, kiến nghị này có thỏa đáng?

Ông Bùi Kiến Thành: Đề xuất này không hợp lý bởi nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu 04 lần trong 04 tháng liên tục thì sẽ không kịp thời gian cho nhà đầu tư rút kinh nghiệm. Dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra quy định đợt phát hành sau cách đợt phát hành trước 06 tháng là hợp lý, không gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi đi vay 06 tháng một lần mà mỗi lần vay gấp gần 03 lần vốn sở hữu cũng là vay nhiều. Thành ra, nếu thấy mỗi lần vay cách nhau 06 tháng là quá xa thì có thể rút xuống cách nhau 04 tháng thì một năm được vay 03 lần sẽ hợp lý hơn.

PV: Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư thì dự thảo Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã đáp ứng chưa, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Vấn đề quan trọng nhất là phạm vi thông tin của doanh nghiệp thì dự thảo Nghị định chưa đề cập. Như trong phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có những quy định về cung cấp thông tin của doanh nghiệp tương đối chặt chẽ, thì đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong cung cấp thông tin, thông tin cung cấp không hẳn phải chi tiết như phát hành cổ phiếu nhưng cũng không thể mù mờ, ít nhất báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đạt được chất lượng như báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

PV: Vậy, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Ở Mỹ, có các tổ chức đánh giá doanh nghiệp như Standard & Poor's, Moody’s, Fitch Group... đưa ra các chỉ số rating nhằm đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, những doanh nghiệp lớn, ít rủi ro được đánh giá là AAA, ngoài ra còn có các mức đánh giá khác như: AA+, AA-, A-, BBB+ cho đến B, C, D... Bên cạnh đó, Chính phủ nước này còn quy định, những cơ quan Nhà nước hay quỹ hưu trí chỉ được mua trái phiếu của doanh nghiệp có mức độ đánh giá năng lực tài chính là BBB+ trở lên, nếu ở mức dưới thì không được phép mua, nhằm giới hạn rủi ro đối với một số nhà đầu tư tổ chức phải có trách nhiệm đối với thành viên.

Ở Việt Nam chưa có điều kiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp nên phải hết sức thận trọng trong việc thông báo thông tin khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp để các nhà đầu tư đánh giá được năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Bộ Tài chính cần tham khảo kinh nghiệm của thế giới để bảo đảm lợi ích và an toàn cho nhà đầu tư. Người ta có rating nhưng mình không có mà mình cứ để doanh nghiệp phát hành trái phiếu một cách bừa bãi, còn nhà đầu tư thì cứ nghe tán hươu tán vượn là không được. Nhất là khi muốn huy động vốn trong dân, phát triển các nhà đầu tư cá nhân thì phải giúp người ta có thông tin để nghiên cứu.

Ở Việt Nam mới chỉ có 01 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating, một số doanh nghiệp khác đang trong quá trình xem xét hồ sơ... Các công ty giám định quốc tế thì chưa tham gia vào thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy cũng phải có cách đánh giá sức khỏe doanh nghiệp nếu không có đánh giá thì không cho phép bán. Bên cạnh đó, cần phải có đơn vị kiểm toán uy tín kiểm toán tài chính của doanh nghiệp.

Cần quy định bao nhiêu thông tin tài chính phải được kiểm định, kiểm toán bởi những công ty kiểm toán hàng đầu… Đây là nội dung quan trọng cốt lõi đối với các nhà đầu tư trên thị trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load