Lợi ích từ nền kinh tế số đem lại là rất rõ ràng, song khảo sát của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự đón nhận và ứng dụng công nghệ số trong việc kinh doanh, đem lại hiệu quả cao…
Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: www.huffingtonpost.com)
Chưa sẵn sàng online
Tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” do VCCI phối hợp cùng Công ty Google châu Á Thái Bình Dương tổ chức sáng 2/6, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho hay, hiện nay có tới 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ.
Khảo sát mẫu trên toàn quốc của VCCI cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp sử dụng internet, 80% sử dụng email. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện còn chưa hiệu quả chiếm tới 59%; chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ...
Bà Tammy Phan (Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng của Google châu Á, Thái Bình Dương) cho rằng, việc số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm bởi nhiều thách thức.
Ngoài việc doanh nghiệp thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến, có doanh nghiệp cho rằng việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ; xã hội có thói quen dùng tiền mặt và lo lắng về vấn đề bảo mật.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định khi ứng dụng công nghệ, khả năng tiếp cận với thông tin pháp luật, chính sách của doanh nghiệp cao hơn, nắm bắt thông tin thủ tục hành chính dễ hơn, khả năng dự đoán thay đổi chính sách pháp luật cao hơn và kết quả kinh doanh được cải thiện tích cực.
Lý giải thêm lý do doanh nghiệp cần đẩy mạnh tham gia vào môi trường công nghệ, bà Tammy Phan cho hay, công nghệ số đang thực sự gia tăng tại Đông Nam Á với 250 triệu người online. Việc này có được là do thiết bị đầu cuối hạ, tốc độ hạ tầng mạng được cải thiện đáng kể, giá cước dữ liệu hợp lý…
Ông Kevin O’Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Google châu Á, Thái Bình Dương cho rằng, mỗi doanh nghiệp dù hoạt động ở bất cứ ngành nghề nào đều có thể trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử vì Việt Nam đã có sẵn lượng khách hàng kết nối trực tuyến và trên nền tảng di động.
Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa thể cung cấp trải nghiệm thương mại di động tốt, thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Điều này khiến các doanh nghiệp gần như “vô hình” với thế giới đang kết nối trực tuyến.
Cơ hội
Về sự cần thiết của việc tham gia vào môi trường trực tuyến, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, công nghệ số tạo nên một nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường… mở ra một thế hệ doanh nghiệp mới với đặc trưng quan trọng "vốn nhỏ, trí tuệ lớn."
Thống kê của Google cho thấy, người dùng dành hơn 4 giờ để online/ngày. Hơn 50% thời gian này là trên điện thoại di động và 65% giao dịch bắt đầu bằng điện thoại di động.
Bà Tammy Phan nhận định, cứ 10 người Việt Nam thì sẽ có 8 người dùng điện thoại di động vào năm 2020.
Google cũng chỉ ra rằng, khi online bằng smartphone, người Việt xem các trang mạng xã hội tới 59%; sử dụng công cụ tìm kiếm 56%; xem video trực tuyến 54%; nghe nhạc 43%; tìm kiếm thông tin sản phẩm 23%; mua sản phẩm dịch vụ 6%...
Đại diện Google cũng cho biết, các công cụ tìm kiếm là cần thiết trong quá trình mua sắm của người tiêu dùng Việt. Có tới 70% số người sử dụng một công cụ tìm kiếm để tìm thông tin trước khi mua hàng; 66% sẽ nghiên cứu khoảng một ngày trước khi đi xem trực tiếp và 75% chỉ cân nhắc 1-3 doanh nghiệp địa phương trước khi quyết định mua ở đâu.
Với những con số nêu trên, rõ ràng việc tiếp cận với công nghệ thông tin, gia nhập nền kinh tế số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.
Số liệu từ ban tổ chức hội thảo cũng cho thấy, chìa khóa thành công cho thương mại điện tử tại Việt Nam nằm ở nền tảng kết nối di động khi 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh.
Đại diện Google cũng giới thiệu một loạt các ứng dụng kỹ thuật số và các sản phẩm miễn phí được thiết kế dành cho các doanh nghiệp như Kết nối trực tuyến với doanh nghiệp của tôi; Tìm hiểu xu hướng phổ biến qua Google Xu hướng; Tiếp cận khách hàng liên quan với AdWorld…
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, việc 50% người dân kết nối Internet là điều rất đáng mừng nhưng cũng là dịp để xem lại cơ hội phát triển của Việt Nam. Dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Tùng khẳng định việc đầu tư phát triển công nghệ số là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia. Đất nước đầu tư vào công nghệ số sẽ nhận được kết quả tương ứng và ngược lại. “Ngân hàng Thế giới khuyến nghị việc khai thác tối đa lợi ích của công nghệ số, các quốc gia cần tạo dựng một môi trường thiết lập theo sự phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển công nghệ số với tầm nhìn rộng hơn và phát triển công nghệ truyền thông, cải thiện biện pháp quản lý để khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng công nghệ số,” ông Tùng nói. |
Theo Chi Hiền/Vietnamplus.vn
Theo