Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có Công văn về Đề án xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh; đề án xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Bộ mặt thành phố Buôn Ma Thuột khang trang sau 45 năm giải phóng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 4664/UBND-KSTTHC về Đề án xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh; đề án xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương cho xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng hoàn chỉnh đề án, tham mưu, thực hiện các thủ tục, nội dung liên quan về thành lập, đầu tư xây dựng và đưa Trung tâm vào hoạt động theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Về Đề án xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 82 (Kết luận số 927-KL/TU ngày 19/5/2020), hoàn chỉnh đề án và thực hiện các thủ tục, nội dung theo quy trình quy định để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tư pháp; Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình thực hiện; đồng thời, chủ động tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền về tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động, vốn đầu tư, nội dung đề án…
Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột được xem là “nóc nhà của nóc nhà,” có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận, với định hướng, mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đánh giá về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020, phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Kinh tế Trung ương cho biết 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung và một số quy hoạch ngành.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, từ một đô thị loại II, Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển tích cực và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh năm 2010.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc về Quy mô kinh tế thành phố được mở rộng, kinh tế tăng trưởng khá cao và ổn định, bình quân giai đoạn 2010-2018 đạt 9,38%; thu ngân sách giai đoạn 2010-2018 đạt 10.094 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu của tỉnh.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng; ngành nông-lâm nghiệp đã sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn, gắn với công nghiệp chế biến sâu và thị trường.
Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Các chương trình-dự án mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện tốt; khoa học công nghệ phát triển đạt kết quả khá, tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 40-60%.
Cải cách hành chính có nhiều đột phá; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; quốc phòng-an ninh được giữ vững…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của Buôn Ma Thuột vẫn còn những hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy cao nhưng chưa tạo ra được sự đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp phụ trợ phát triển chậm, sản phẩm chủ lực còn ít; chưa hình thành được các cơ sở công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến chưa kết nối được các chuỗi nông nghiệp toàn vùng…
Những thành tựu bước đầu
Ngày 27/11/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2010-2020. Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk; tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, thể dục, thể thao; phấn đấu trước năm 2020 trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên...
Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã có được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 13,37%, giai đoạn 2016-2018 đạt 13,98%.
Trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 14,53%, dịch vụ tăng 14,76%, nông-lâm nghiệp tăng 1,63%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến cuối năm 2018 tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 42,92%; dịch vụ chiếm 52,95%, nông, lâm và thủy sản chiếm 4,13%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 77,92 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo chỉ còn 690 hộ, chiếm 0,85%...
Theo Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngã sáu trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt như đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh biện đa khoa vùng Tây Nguyên…
Về sản xuất công nghiệp, thành phố đã hình thành cụm công nghiệp Tân An với 84 dự án đăng ký đầu tư, đến nay có 63 dự án đi vào hoạt đông. Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển mới.
Riêng lĩnh vực văn hóa, thành phố đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phục dựng nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên theo tinh thần của Kết luận số 60.
“Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ không riêng của một cấp, một ngành nào, mà phải được sự đồng thuận, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải có sự hưởng ứng, dồn tâm, dồn lực và cùng nhau đoàn kết thực hiện của nhân dân các dân tộc anh em trên toàn tỉnh Đắk Lắk,” ông Từ Thái Giang khẳng định.
Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, mặc dù thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn tồn tại nhiều yếu kém. Đó là phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên; chưa có sự tăng trưởng lan tỏa đến các tỉnh trong vùng.
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và chưa khai thác có hiệu quả; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội của thành phố vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra...
Nhằm chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến yếu kém, kịp thời đưa ra định hướng, giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn,” ngày 16/12/2019 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ phủ càphê Buôn Ma Thuột. (Nguồn: buonmathuot.daklak.gov.vn) |
Nội dung Kết luận nêu rõ: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia; tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên...
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Để thực hiện thành công các nội dung trên, Kết luận 67 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Kết luận đặt mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắk Lắk và của Tây Nguyên; phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết để thúc đẩy Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây công nghiệp, du lịch, năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời mà Buôn Ma Thuột sẵn có.
Tỉnh tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Nha Trang (Khánh Hòa); khai thông những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng đô thị thông minh; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách, đặc thù để thúc đẩy sự phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; đặc biệt, phải khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu của người dân, tạo điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cũng cho biết tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột xứng tầm với đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; mời chuyên gia tư vấn của nước ngoài để có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo đúng yêu cầu theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phải là một đô thị hiện đại, bản sắc, sinh thái, mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Theo Vietnam+