Tỉnh Quảng Bình hiện có 60 xã vùng miền núi, dân tộc thiểu số, gồm 28 xã vùng cao và 32 xã miền núi, trong đó có 40 xã đặc biệt khó khăn, 22 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã khu vực II đang được thụ hưởng Chương trình 135.
Mô hình trồng cam mật ở miền núi Quảng Bình.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã vùng miền núi, dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn.
Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai sớm cơ chế đầu tư đặc thù và kịp thời hướng dẫn quy định mới của Trung ương như thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; cho phép UBND các xã được giữ lại 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ NTM; huy động các khoản đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện; cơ chế, chính sách đối với xã, huyện chỉ đạo điểm của tỉnh…
Nhiều địa phương đã chủ động ban hành thêm một số chính sách như: Hỗ trợ xi măng, vật tư làm đường giao thông; thưởng các xã về đích; trích ngân sách hỗ trợ hoạt động của Ban Phát triển thôn, bản...
Đến nay, 100% xã có đường giao thông vào tận trung tâm xã; gần 60 xã có điện lưới Quốc gia; hệ thống thông tin liên lạc đã đến được trung tâm các xã vùng sâu, biên giới; 100% xã có trạm y tế và trường học; nhiều trạm y tế và trường học đạt chuẩn…
60 xã vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có 741 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 598 tiêu chí so với trước khi triển khai và 221 tiêu chí so với kết thúc giai đoạn 1; bình quân đạt 12,4 tiêu chí/xã, tăng 10,1 tiêu chí/xã, thấp hơn 2,9 tiêu chí/xã so với toàn tỉnh (15,3 tiêu chí/xã ); có 6 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 10%); 8 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (13,3%); 34 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (56,7%); 12 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (20%) và không có xã dưới 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn, trong khi nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang giai đoạn nâng chất lượng tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì một số xã vùng miền, dân tộc thiểu số có số tiêu chí đạt rất thấp.
Phần lớn người dân ở các xã vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên mà chưa qua xử lý nên không đảm bảo các tiêu chuẩn về nước hợp vệ sinh và nước sạch; việc thả rong gia súc trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; thiếu bãi chứa rác, thiếu phương tiện xử lý thu gom rác, nước thải.
Những tập quán lạc hậu, sự khác biệt trong quy định của nếp sống văn hóa mới và phong tục tập quán truyền thống dân tộc đang làm cho việc hoàn thiện tiêu chí văn hóa trở nên khó khăn. Một bộ phận người dân còn suy nghĩ ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hình thức sản xuất chưa thay đổi nên hiệu quả sản xuất kinh tế chưa cao, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Trên cơ sở kết quả đạt được, Quảng Bình đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 2 xã vùng miền núi, dân tộc thiểu số đạt chuẩn NTM; bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã; số xã dưới 10 tiêu chí chỉ chiếm gần 10% và không có xã nào không tăng tiêu chí, đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí; triển khai đồng bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn… |
Theo NGUYỄN TRUNG HIỂU/Nongnghiep.vn