Petrolimex giữ tỉ lệ hàng tồn kho tạm nhập tái xuất cao nhất với 65.000 tấn xăng, 170.000 tấn dầu DO, các đơn vị khác như PV Oil, Công ty dầu khí TP.HCM cũng tồn kho tạm nhập tái xuất hàng chục ngàn tấn.
Tính chung từ năm 2009 đến tháng 6-2012, các DN đầu mối xăng dầu tạm nhập gần 9.992 nghìn tấn (7.397 triệu USD), tái xuất hơn 8.008 nghìn tấn, lượng tồn đọng lại thị trường nội địa khoảng 1.984 nghìn tấn (1.391 triệu USD).
"Trong lượng hàng tồn lại do tạm nhập tái xuất không tránh khỏi lượng lớn có dấu hiệu được sử dụng tại thị trường nội địa bằng nhiều cách thức khác nhau, gây thất thoát thuế cho Nhà nước", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định tại buổi họp báo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) về quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, chiều 5/9.
Theo đó, không chỉ hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu với nhiều dấu hiệu bất thường. Hàng hoá quá thời hạn làm thủ tục hải quan tồn đọng tại cảng biển Việt Nam chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất như thực phẩm đông lạnh, thiết bị điện tử, máy tính đã qua sử dụng... số lượng khá lớn.
Thống kê đến nay còn 3177 tờ khai đã quá hạn nhưng chưa thực hiện làm thủ tục hải quan. Vi phạm về khai báo sai số lượng, phá niêm phong kẹp chì, giả mạo chữ ký và con dấu Hải quan, tẩu tán hàng hoá trong quá trình vận chuyển… diễn ra khá phổ biến.
Việc doanh nghiệp lợi dụng hành lang pháp lý thiếu chặt chẽ của tạm nhập tái xuất để tiêu thụ hàng cấm, trốn thuế, chuyển sang tiêu thụ nội địa đã gia tăng đột biến trong thời gian qua.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, về vụ việc gian lận tạm nhập tái xuất bị phát hiện thời gian qua, lô hàng do Công ty xăng dầu Hàng không VN mua từ Singapore và bán cho Công ty TNHH Hồng Phát khai báo hải quan theo hình thức tạm nhập tái xuất. Các giấy tờ tạm nhập tái xuất đều do Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam đảm nhận, theo thủ tục thì lô hàng trên sẽ xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi rời cảng, các thành viên tàu Giang Châu tự ý phá kẹp chì niêm phong hải quan và chuyển hàng qua cho tàu Việt Nam tiêu thụ trong nước. Khi tiến hành khám xét, đối tượng đã có sẵn bộ hoá đơn chứng từ khống, chỉ cần điền thông tin để hợp pháp lô hàng khi bị phát hiện. Bằng chiêu thức này nếu trót lọt, các đối tượng trong đường dây không phải đóng thuế và sẽ thu lợi hơn 10 tỉ đồng tiền chênh lệch mỗi chuyến.
Đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm một số DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối có tỉ lệ hàng tồn kho tạm nhập tái xuất cao như Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) tồn kho tạm nhập tái xuất khoảng 65.000 tấn xăng (63 triệu USD), 170.000 tấn dầu DO (150 triệu USD); Tương tự Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) 48.000 tấn dầu DO, 7.000 tấn xăng; Công ty dầu khí TP.HCM 10.000 tấn dầu DO; Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) 31.000 tấn dầu DO, 10.000 tấn xăng; Công ty xăng dầu Hàng không VN 62.000 tấn xăng máy bay, 11.000 tấn xăng;….
Từ năm 2009 đến tháng 6-2012, các DN đầu mối xăng dầu tạm nhập gần 9.992 nghìn tấn (7.397 triệu USD), tái xuất hơn 8.008 nghìn tấn, lượng tồn đọng lại thị trường nội địa khoảng 1.984 nghìn tấn (1.391 triệu USD).
Trong lượng hàng tồn lại do tạm nhập tái xuất không tránh khỏi lượng lớn có dấu hiệu được sử dụng tại thị trường nội địa bằng nhiều cách thức khác nhau, gây thất thoát thuế cho Nhà nước.
Tổng cục Hải quan đã kiến nghị dừng tạm nhập tái xuất xăng dầu bằng đường biển, sửa những sơ hở của luật. DN đăng ký xăng dầu tạm nhập tái xuất phải để nguyên trạng, có kẹp chì, nhập vào hay xuất ra phải đúng trọng lượng, đơn hàng… Nếu tái xuất không đủ, tái xuất mà kiểm tra đầu vào và đầu ra không khớp nhau là có dấu hiệu phạm tội buôn lậu.
Theo thống kê, kim ngạch tạm nhập tái xuất tăng gần 5 lần trong vòng 5 năm qua, từ 1,3 tỷ USD trong năm 2006 lên 6,3 tỷ USD năm 2011 và 6 tháng 2012 đã là 3,8 USD.
Innfonet
Theo baoxaydung.com.vn