(Xây dựng) – Mặc dù kết luận Thanh tra Chính phủ được ban hành từ năm 2016 chỉ ra việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành trên 622 tỷ đồng tại các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và bảo hiểm nhưng sau hai năm, đến nay, Petrolimex mới ì ạch thoái vốn được 51 tỷ đồng trong bất động sản, giảm 10% tỷ lệ vốn trong bảo hiểm và chưa có tín hiệu gì mới trong việc tìm kiếm giải pháp thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Trụ sở Petrolimex tại địa chỉ số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội. (Nguồn: Internet)
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra đối với Petrolimex. Về kiến nghị “Thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đầu tư chưa đúng quy định 622.360 triệu đồng”, kết quả thực hiện của Petrolimex báo cáo cho thấy Petrolimex phải thoái vốn tại Ngân hàng PG Bank, bất động sản PLand và bảo hiểm PJICO nhưng tiến độ rất chậm chễ và khó khăn.
Về thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo và tài liệu do Petrolimex cho biết, phương án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đồng ý tại Văn bản số 688/NHNN-TSGSNH.m ngày 21/7/2015, Ngân hàng PG Bank sẽ sát nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Theo yêu cầu của NHNN, hai ngân hàng phải tiếp tục phối hợp với tư vấn độc lập để rà soát và sẽ báo cáo lại NHNN để có được phê duyệt chính thức theo quy định về sát nhập hiện hành.
Cụ thể, Petrolimex báo cáo, trong thời gian qua, PG Bank và Vietinbank đã cùng trao đổi, làm việc thống nhất các nội dung về sát nhập. Tuy nhiên, do phía Vietinbank không giữ nguyên các điều khoản trong hợp đồng nguyên tắc đã thống nhất giữa hai bên và xét thấy những đề xuất thay đổi của Vietinbank không đáp ứng được những kỳ vọng và mục tiêu của Hội đồng quản trị nên Tập đoàn có Nghị quyết số 104/PLX-NQ-HĐQT ngày 12/6/2017 thông qua việc thống nhất chủ trương dừng việc sát nhập giữa PG Bank và Vietinbank, đồng thời đang khẩn trương xúc tiến việc tìm kiếm phương án phù hợp và hiệu quả cũng như bảo toàn vốn của Petrolimex tại PG Bank. Hiện tại, theo chỉ đạo của Petrolimex, PG Bank đang đàm phán việc sát nhập với một đối tác ngân hàng khác.
Về thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Petrolimex tại Văn bản 0030/PLX-HĐQT ngày 10/1/2017 gửi Bộ Công Thương và Văn bản số 0058/PLX- HĐQT ngày 17/1/2017 gửi Văn phòng Chính phủ, trong năm 2016 Tập đoàn đã thoái 51 tỷ đồng vốn đầu tư tại Cty CP đầu tư và dịch vụ hạ tầng Petrolimex (PLand).
Về phương án thoái tiếp phần vốn đầu tư còn lại tại PLand, ngày 7/4/2017 Tập đoàn có Văn bản số 0409/PLX-HĐQT gửi Bộ Công Thương về việc báo cáo “Đề án thành lập Tổng Cty Xây lắp và Thương mại Petrolimex”. Theo đề án này, Tập đoàn sẽ thành lập Tổng Cty Xây lắp và thương mại Petrolimex theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011, trong đó sẽ tái cấu trúc PLand trở thành một Cty con của Tổng Cty này. Tổng Cty sau sát nhập sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là xây lắp hạ tầng xăng dầu. Đây là một trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính đã được chủ sở hữu Nhà nước phê duyệt theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn và yêu cầu của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước giai đoàn 2011 - 2015”.
Trên cơ sở đó, việc thoái vốn phần vốn còn lại tại PLand sẽ được thực hiện thông qua việc thành lập Tổng Cty Xây lắp và Thương mại Petrolimex theo chủ trương chung của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo của Petrolimex, ngày 09/12/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 13139/VPVP-ĐMDN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Cty Xây lắp và Thương mại Petrolimex. Ngày 5/3/2018, Bộ Công thương có Văn bản 1164/BCT- TCCB chấp thuận chủ trương thành lập Tổng Cty Xây lắp và Thương mại Petrolimex. Tiến độ thoái vốn của Petrolimex trong lĩnh vực bất động sản như sau: Thành lập Tổng Cty Xây lắp và Thương mại Petrolimex tháng 4/2018. Tiếp theo, Tập đoàn thực hiện chào bán cổ phần góp vốn và giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn xuống còn 35% theo hai bước. Bước 1, chào bán 30% vốn cổ phẩn của Tập đoàn trong tháng 5/2018 và hoàn thành tháng 8/2018. Bước 2, chào bán 35% phần vốn của Tập đoàn cho các nhà đầu tư chiến lược trong tháng 9/2018 và việc hoàn thành giảm tỷ lệ giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn xuống 35% trong tháng 12/2018.
Ngoài ra, Petrolimex cũng phải thoái vốn trong lĩnh vực bảo hiểm khi giảm vốn từ 51% xuống còn 40,95% tương ứng giá trị 88.717 triệu đồng tại Tổng Cty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) thông qua việc PJICO phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài là Cty Samsung Fire & Marine Insurance Co,ltd (SFMI) khi đối tác ngoại này chính thức sở hữu 17,74 triệu cổ phiếu tương ứng 20% cổ phần của PJICO.
Để tiếp tục giảm vốn tại PJICO, năm 2018, 2019 PJICO sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 887, 17 tỷ đồng lên 1.050 tỷ đồng tương ứng với tiến trình giảm vốn của Petrolimex tại PJICO xuống còn 35%.
Như vậy, lộ trình thoái vốn ngoài ngành của Perolimex còn dở dang, chưa hoàn thành tại PLand và PJICO và còn vướng mắc trong việc thoái vốn tại PG Bank. Cụ thể, trong tổng số 622,360 triệu đồng cần thoái vốn theo kết luận thanh tra, Petrolimex mới chỉ thu hồi được 51 tỷ đồng đầu tư vào PLand, giảm 10% vốn tại PJICO và đang đàm phán với đối tác để thoái vốn tại PG Bank.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, Ban lãnh đạo của Petrolimex cần có các động thái tích cực và quyết định thận trọng bởi áp lực thất bại trong vụ đàm phán sát nhập giữa PG Bank và Vietinbank đồng nghĩa với việc thất bại trong lộ trình thoái vốn. Những lo ngại được giấy lên về nguy cơ tiềm ẩn rủi ro làm mất vốn Nhà nước khi sát nhập thì trách nhiệm của người đứng đầu Petrolimex không hề đơn giản khi trường hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia (PVN) đầu tư 800 tỷ vào Ngân hàng Đại dương Ocean Bank nhưng thua lỗ được nhà nước mua lại với giá 0 đồng khiến lãnh đạo PVN bị khởi tố hình sự đã trở thành bài học nhãn tiền.
Nhi Anh
Theo