Chính phủ đang điều hành nền kinh tế, trong bối cảnh khó khăn là lạm phát luôn có nguy cơ tăng trở lại khi những động thái chính sách liên quan đến điều hành vĩ mô được đưa ra.
TS Võ Trí Thành |
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhận định: “Phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thì mới mong lạm phát đi xuống..”.
Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát tăng cao sẽ hình thành nên mặt bằng giá mới, khiến vòng xoáy giá cả khó kiểm soát. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Tôi không muốn dùng khái niệm “mặt bằng giá mới”. Cái gốc của vấn đề là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song trong nhiều năm qua, chính sách của chúng ta nặng về tăng trưởng dựa vào đầu tư và cung tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức cao, dẫn đến lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, các tác động từ bên ngoài với một nền kinh tế còn phụ thuộc đã khiến bất ổn vĩ mô gia tăng. Chính phủ đã nhận thấy rõ điều này và đang điều chỉnh chính sách. Vì vậy, cùng với việc thắt chặt tiền tệ, điều chỉnh tỉ giá để đưa tỉ giá ngoại tệ về gần tỉ giá thực, thì còn phải áp dụng các chính sách sử dụng hiệu quả đầu tư công, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Như vậy, trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”, tăng trưởng GDP có thể sẽ không như kỳ vọng, lạm phát cũng chưa bị đẩy lùi ngay?
- Đúng là phải như vậy, độ trễ của chính sách tiền tệ ít nhất phải từ 3-6 tháng. Mỗi một công cụ chính sách đưa ra đều cần có thời gian để phát huy tác dụng. Nếu thắt chặt tiền tệ mà sợ DN gặp khó khăn, điều chỉnh giá cả mang tính nhất thời, vì sức ép tăng giá đầu vào nên buộc phải điều chỉnh đều là các biện pháp tình thế, không giải quyết căn cơ vấn đề lạm phát. Giả sử, năm sau lạm phát tăng 15% thì chúng ta lại có mặt bằng giá mới à? Một số năm gần đây, ta đưa ra khái niệm “mặt bằng giá mới”, tất nhiên có yếu tố giá bên ngoài tác động, song nếu chấp nhận điều chỉnh giá các mặt hàng trong nước lên một mặt bằng giá mới, nhưng giá đâu có đứng im. Thậm chí không đợi đến năm sau, một số tháng sau, DN lại bảo trước áp lực lạm phát, làm thua lỗ nên xin phép được điều chỉnh giá. Quay lại vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô như tôi nói, chúng ta có thể phải tăng trưởng chậm lại, có thể không là 7% như mục tiêu đề ra, chỉ 5-6% thôi, vì không tiếp tục cung tiền ra nữa, trong ngắn hạn có thể khó khăn, nhưng lâu dài sẽ ổn định. Khi kinh tế vĩ mô ổn định thì lạm phát sẽ dần được kéo xuống, có thể chỉ khoảng 4-5%/năm thôi.
- Xin cảm ơn ông!
Theo: Lao động
Theo baoxaydung.com.vn