Thứ ba 15/10/2024 11:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Đô thị càng phát triển: Càng thiếu vắng cây xanh

09:41 | 22/06/2011

Những ngày này, tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng nóng như một chảo lửa và chẳng có gì khổ hơn là phải đi dưới cái nóng nắng oi bức đó. Lúc này mới thấy giá trị của những hàng cây xanh. Nhưng không may, những con đường có bóng mát ấy ngày càng ít đi nhường chỗ cho các ĐTM mọc lên cùng những hàng cột điện vô cảm. Nền kinh tế càng phát triển, thu nhập của người dân càng tăng cao nhưng chất lượng, môi trường sống lại có xu hướng tỷ lệ nghịch. Ở các nước tiên tiến, chất lượng cuộc sống cao có tiêu chí về cây xanh rất lớn. Phát triển TP hiện đại, năng động về kinh tế là cần thiết nhưng cũng cần hài hòa giữa cơ sở hạ tầng và cảnh quan cây xanh.

  
Đường Lê Văn Lương kéo dài và hàng loạt KĐTM rất ít bóng cây xanh.

Hầu hết những người quay trở lại thăm các TP quê hương mình sau 1 thời gian dài xa cách, đều lắc đầu với cái nóng khủng khiếp tại các TP lớn ở Việt Nam. Đa số đều nghĩ rằng vì quá lâu không tiếp xúc với khí hậu nắng nóng ở Việt Nam nhưng sau đó cũng nhận ra rằng dường như TP ngày càng thiếu vắng cây xanh. Những vùng vành đai TP trước kia được che phủ bởi bạt ngàn vườn cây, vườn rau, bãi cỏ nay đã được thay thế bằng những dãy nhà liên tiếp, hiện đại hơn, bề thế hơn và cũng ngột ngạt hơn. Còn những ngôi nhà trong đô thị dường như hiếm thấy nhà nào có chỗ cho cây trồng, cùng lắm là một vài kiểng cây cảnh đơn lẻ bởi “đất hẹp, người đông” và ai cũng cố gắng tận dụng đất để xây nhà ở cho rộng hơn.

Cây xanh đô thị ai cũng hiểu đó là lá phổi xanh của TP nhưng vì lợi ích kinh tế, người ta cũng không ngần ngại đánh đổi một công viên bằng một tòa nhà cao tầng ngay trung tâm. Theo nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo. Thiếu cây xanh tưởng như là chuyện nhỏ với quan niệm “chẳng chết ai”. Nhưng cái giá phải trả trong tương lai thì vô cùng lớn, không chỉ cho môi trường mà cho cả việc xây dựng nhân cách con người.

Đánh giá của Bộ TN&MT cho biết hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.

  
Nếu KĐTM nào cũng chú ý đến không gian xanh như KĐT Ecopark.

Theo các cơ quan chức năng, vấn đề phát triển cây xanh tại các đô thị đang bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phát triển quá nhanh của các đô thị trong thời điểm “tấc đất tấc vàng” khiến cho hầu hết các nhà đầu tư sao nhãng việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian mở...

Có nhiều lý do cho sự thiếu vắng màu xanh. Một nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực cho sự phát triển. Hầu hết chi phí này chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có chi phí đầu tư cho cây xanh tương đối cao hơn còn các đô thị khác chỉ được đầu tư với chi phí rất thấp. Việc quản lý cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra thường ngày. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố còn tùy tiện chặt hạ hàng loạt cây xanh, cây quý. Tại hầu hết các KĐT lớn, hệ thống công trình ngầm chưa được quy hoạch nên tình trạng đào lên, lấp xuống thường xuyên khiến hàng loạt cây trồng lâu năm bị ảnh hưởng dẫn đến chết, hoặc đổ hàng loạt khi gió bão.

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này. Hãy bắt đầu từ việc quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có. Phải phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Việc xã hội hóa, khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà trên các tuyến phố theo quy định về chủng loại cây được duyệt cũng là điều nên làm và nên có một cơ chế riêng cho việc này.

Thành phố xanh và nỗi lo chung 

TS Đào Hoàng Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Viện KHXHVN): Đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP hiện đại trên thế giới (khoảng 20 - 25m2 cây xanh/người). Quá ít và quá thiếu.

PGS.TS.KTS Hàn Tất Ngạn: Hà Nội có chỉ tiêu cây xanh thấp với chưa đầy 2m2/người. Trong khi đó, tại nhiều nước khác chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân đầu người nhiều TP rất cao: Các TP của Nhật đạt 7,5m2/người, London: 26,9, Berlin 27,4; New York 29,3... Tôi sợ rằng đến một ngày, tìm một bóng mát cũng không dễ dàng gì.

Ông Nguyễn Thống Nhất - Giám đốc Cty Công trình Đô thị thị xã Bà Rịa: Vì thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch không gian xanh, nói rộng ra quy hoạch đô thị phải gắn với việc bảo vệ môi trường nhưng nhiều dự án chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn về quy hoạch cây xanh và loại cây trồng nên việc trồng cây chưa được chú trọng.

KTS Trần Ngọc Chính (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng): Đô thị ngày càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm thì cây xanh càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống con người và là yếu tố quan trọng giúp đô thị phát triển bền vững. Chúng ta không được phép quên điều đó.

Ông Nguyễn Bá Thắng (Trường CĐ Công trình Đô thị): Chúng ta cần đào tạo một đội ngũ công nhân kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý cây xanh đô thị. Trong tổng số hơn 300 mã ngành đào tạo thì mã ngành về quản lý cây xanh đô thị vẫn chưa có. Hiện nhân lực trong lĩnh vực này rất thiếu.

TS Đào Hoàng Tuấn: Công viên, cây xanh đô thị là các công trình phục vụ lợi ích công cộng, nên ngân sách nhà nước cần phải đầu tư xây dựng và quản lý. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hằng năm thì rất khó đạt kết quả mong muốn.Ví dụ như TP.HCM, nếu thực hiện quy hoạch cây xanh đô thị đến năm 2020 với chỉ tiêu khiêm tốn 10 - 15m2/người (gấp 10 lần hiện nay) thì sẽ phải đầu tư khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.

Khánh Phương

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load