Thứ ba 21/01/2025 22:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Sức khỏe /

Ô nhiễm không khí làm giảm 20 tháng tuổi thọ

22:09 | 05/04/2019

(Xây dựng) – Báo cáo tình trạng không khí toàn cầu 2019 (SOGA2019) cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí đang trở thành nhân tố gây hại cho sức khỏe lớn hơn cả suy dinh dưỡng, lười tập thể dục và chỉ kém hút thuốc. Thậm chí, việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có thể làm giảm 20 tháng tuổi thọ của những đứa trẻ sinh ra vào thời điểm hiện tại.


Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em. (Ảnh: Internet)

Báo cáo tình trạng không khí toàn cầu 2019 (SOGA 2019) của Viện Hiệu ứng Sức khỏe Hoa Kỳ (HEI) cho biết, ô nhiễm không khí đang trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 trong số tất cả các rủi ro về sức khỏe, cao hơn nhiều các nguy cơ phổ biến như suy dinh dưỡng, uống rượu, không tập luyện thể dục thể thao, sốt rét...

Quan trọng hơn, năm nay là lần đầu tiên Báo cáo SOGA đã ước tính ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến tuổi thọ của con người.

Tính trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí đã làm giảm trung bình 20 tháng tuổi thọ của những đứa trẻ được sinh ra trong năm 2017. Đây là một tác động toàn cầu không thua kém so với tác hại của việc hút thuốc lá.

Riêng với trẻ em sinh ra tại các khu vực ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan... tuổi thọ của các em sẽ giảm đến hơn 2 năm và 6 tháng.

Chỉ tính trong năm 2017, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí đã gây ra gần 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi và bệnh phổi mãn tính.


Ấn Độ là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Ông Dan Greenbaum - Chủ tịch HEI cho biết: “Tại nhiều nơi trên thế giới, chỉ cần hít thở ở một thành phố có độ ô nhiễm không khí trung bình đã tương đương với việc bị nghiện thuốc lá nặng”.

Hiện tại, các quốc gia Nam Á như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal hay Pakistan là những khu vực ô nhiễm nhất thế giới với hơn 1,5 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới hơn một nửa số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu khi cả hai quốc gia đều có hơn 1,2 triệu ca tử vong trong năm 2017.

Nhưng khi Trung Quốc đã đạt được những thành tích ban đầu về việc giảm ô nhiễm thì Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ lại đang trải qua tình trạng ô nhiễm không khí tệ hại nhất, kể từ năm 2010.

Ngoài ra, Báo cáo SOGA 2019 cũng nhấn mạnh, gần một nửa dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) đã phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà vào năm 2017. Bất chấp những tiến bộ giảm ô nhiễm trên toàn cầu, người dân ở các nước kém phát triển vẫn đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà ở mức cao nhất.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load