Thứ năm 28/03/2024 15:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ơ hay, đương nhiên phải thế mà vẫn “biết rồi, khổ lắm..”?!

08:56 | 15/06/2020

Câu chuyện doanh nghiệp bị “bắt nạt”dù là vấn đề không hề mới nhưng cũng không thể không đề cập đến theo kiểu “biết rồi, khổ lắm nói mãi...

o hay duong nhien phai the ma van biet roi kho lam

“Thủ tướng có gặp mặt đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bị bắt nạt, thế nhưng sau lưng Thủ tướng vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Vấn đề này được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ĐB Quảng Bình) nêu lên tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 13/6.

Câu chuyện doanh nghiệp bị “bắt nạt”dù là vấn đề không hề mới nhưng cũng không thể không đề cập đến theo kiểu “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhất khi dịch Covid-19 đang khiến tình hình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế lại càng trở nên chật vật, trở ngại.

Cụ thể, như đại biểu Phương đề cập, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp; từ đó, nguồn thu ngân sách quốc gia cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Xưa nay, có không ít ví dụ về các kiểu “bị bắt nạt” mà doanh nghiệp gặp phải, chủ yếu là trong quá trình xử lý cấp phép hay các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

Quy trình rối rắm, công chức làm việc máy móc, “vô cảm”, hoặc có thể gây khó dễ vì “tham nhũng vặt”… Tất cả những điều đó gây mất thời gian, gây phát sinh nguồn “chi phí bôi trơn” và đặc biệt là tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, không công bằng.

Tuy nhiên, ở một mặt khác cũng phải nhìn nhận rằng, việc doanh nghiệp bị “bắt nạt”, bị gây khó dễ không hoàn toàn nằm ở một vài cá nhân là công chức tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp mà còn do thể chế kinh tế chưa thay đổi kịp với thực tiễn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, không ít lần nhấn mạnh: “thể chế nào, doanh nghiệp nấy” bởi “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, doanh nghiệp làm ăn chân chính hay doanh nghiệp “chụp giật, gian thương” đều có một phần lớn nguyên nhân ở cơ chế giải quyết thủ tục của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Đành rằng, việc cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng không ít lần doanh nghiệp vẫn phải chờ dịp để “kêu lên Thủ tướng” hay “kêu trời” vì không thể giải quyết được.

Mà thử hỏi, mấy khi doanh nghiệp có dịp gặp được Thủ tướng để kêu? Hơn nữa, việc giải quyết khó khăn không thể chỉ tháo gỡ mang tính chất sự vụ và mang tính mệnh lệnh hành chính, cốt lõi vẫn là thay đổi mang tính hệ thống, thay đổi cả quy trình.

Trong một buổi toạ đàm về thị trường bất động sản hậu Covid-19 gần đây, Tổng giám đốc một công ty phản ánh: “Rất vất vả, chúng tôi đầu tư dự án tới 200 ha và phải mất 15 năm cho thủ tục hành chính và mỗi lần điều chỉnh cục bộ thì gặp rất nhiều thủ tục nên rất ngại điều chỉnh”.

Hay như bước cuối cùng cấp sổ hồng cho người dân rất khó khăn dù doanh nghiệp đã hoàn thành hết thủ tục kể cả nghĩa vụ tài chính nhưng chỉ cần có điều chỉnh về công năng (vẫn đủ điều kiện cấp sổ hồng) thì tất cả các bộ đều e dè khi cấp sổ cho cư dân.

“Chúng tôi đi tới đâu cũng bị hỏi là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa. Tại sao những quy định pháp luật rõ ràng mà không giải quyết cho doanh nghiệp, bắt chúng tôi đi hỏi rất nhiều nơi” - một chủ doanh nghiệp khác bức xúc. (Pháp luật TPHCM, 11/6).

Còn rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác cũng có những khó khăn tương tự. Có thể kể đến vấn đề in mã số mã vạch trên các đơn sản phẩm xuất khẩu tưởng đã được giải quyết sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các bộ ngành ngày 20/5. Thế nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, oái oăm thay, việc gỡ khó của Bộ Khoa học và Công nghệ trong sử dụng mã số mã vạch thực tế lại còn làm doanh nghiệp khó khăn hơn (Tuổi trẻ, 10/6).

Người viết thấy rằng, doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mới mạnh, thu nhập người dân mới tăng và ngân sách cũng mới có nguồn chi trả lương cho bộ máy hành chính. Cho nên, việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nên là nghĩa vụ, là điều đương nhiên phải làm, chứ không thể chỉ dừng lại ở các cuộc hội nghị và hội thảo!

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load