(Xây dựng) – Người dân nông thôn đang chiếm khoảng gần 70% dân số của Việt Nam, bảo đảm nước sạch vùng nông thôn là một trong những vấn đề luôn được Nhà nước rất quan tâm, bởi làm tốt vấn đề này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.
Cần hướng đến xã hội hóa trong việc đầu tư, quản lý và khai thác công trình nước sạch để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, vùng có số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cao nhất tiếp tục là Đông Nam bộ với 94,5%, Đồng bằng sông Hồng 91% và Đồng bằng sông Cửu Long 88%. Tỷ lệ số dân được tiếp cận nước hợp vệ sinh thấp nhất ở vùng Bắc Trung bộ 81% mặc dù đây là vùng có số hộ ở nông thôn cao thứ 4/7 vùng trong toàn quốc.
Một trong nhiều hình thức cung cấp nước sạch ở các vùng nông thôn. |
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù vấn đề chất lượng nước sinh hoạt nông thôn đã được quan tâm trong những năm gần đây nhưng thực tế, năng lực và nguồn lực cho kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Đến nay, mới chỉ có khoảng gần 50% các Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước, nguồn kinh phí hàng năm dành cho hoạt động này cũng còn rất hạn chế.
Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực dân cư thưa thớt nên khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch. Mùa nắng nóng, tình trạng "khát" nước sạch diễn ra rất phổ biến.
Nhất là tại vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nước các khe suối cũng cạn dần trong mùa khô. Một số vùng đồng bằng, nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm bởi rác thải và thuốc bảo vệ thực vật… Những vấn đề trên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, vấn đề bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân nông thôn là cấp thiết.
Việc sinh hoạt của người dân tại các vùng nông thôn trở nên khó khăn do nguồn nước đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy xí nghiệp xả ra mà chưa được xử lý.
Những giếng làng vẫn là nguồn cung cấp nước sạch cho nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam. |
Chính vì nước sạch không “vươn” đến được vùng sâu vùng xa nên vẫn còn rất nhiều hộ dân sử dụng hình thức cấp nước từ giếng khoan hay giếng đào. Giếng khoan thi công đơn giản và chi phí thấp, chất lượng nước chấp nhận được theo tiêu chuẩn “hợp vệ sinh”. Tuy nhiên, nhiều giếng khoan khai thác và quản lý không đúng cách có thể gây ô nhiễm tầng nước ngầm và khó khăn trong quản lý tài nguyên nước.
Ở hầu hết các địa phương, các hộ gia đình khoan giếng tự phát không theo quy hoạch. Ở một số nơi, khai thác nước ngầm quá mức gây ra hiện tượng suy giảm mực nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường, hay gây ra hiện tượng sụt lún. Nhiều giếng khoan không sử dụng do không có nước hay hư hỏng trở thành những "ô cửa" gây ô nhiễm nước ngầm.
Thêm vào đó, các tỉnh miền núi, dân cư sinh sống không tập trung, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, việc xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt đang gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí đầu tư cao. Ngoài ra, cần thêm nguồn kinh phí để đầu tư các thiết bị xử lý nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm Asen, khuẩn Ecoli… ở các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Một trong những giải pháp được áp dụng ở nhiều địa phương đem lại hiệu quả thiết thực như: Thực hiện cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực nước sinh hoạt; Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn do Ngân hàng thế giới tài trợ; đẩy mạnh vấn đề đảm bảo nước sinh hoạt nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và hướng đến xã hội hóa trong việc đầu tư, quản lý và khai thác công trình nước sạch để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân.
Tuy nhiên, mỗi phương án lại phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Bởi vậy, Nhà nước cần có những phương án để sớm đưa nguồn nước sạch đủ đầy đến mọi người dân, mọi miền của Tổ quốc.
Mộc Miên
Theo