Người dân sử dụng nước của Nhà máy nước sạch ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) để luộc thịt, nhưng khi luộc xong thịt vẫn còn nguyên màu hồng.
Nhà máy nước sạch nằm đối diện với UBND xã Xuân Dương
Được đầu tư xây dựng với số vốn gần 10,2 tỷ đồng theo chương trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, nhà máy nước sạch ở xã Xuân Dương (Thanh Oai, Hà Nội) lại đang “dở sống dở chết”.
Nguồn nước từ nhà máy này được người dân phản ánh là quá bẩn so với quy định. Bằng chứng là một miếng thịt lợn sau khi luộc vẫn còn nguyên màu hồng.
Những bức xúc của người dân cần lời giải đáp?
Gần đây, người dân thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội rất hoang mang về việc nguồn nước của Nhà máy nước sạch của xã Xuân Dương đóng trên địa bàn xã quá bẩn so với quy định.
Cụ thể, vào khoảng cuối năm 2013, Nhà máy nước sạch ở xã Xuân Dương đi vào hoạt động nhằm cung cấp nước sạch cho toàn xã. Tuy nhiên, gần đây một số hộ dân khi dùng “nước sạch” của nhà máy để luộc thịt thì thấy miếng thịt ở bên ngoài vẫn còn nguyên màu hồng nên không ai dám ăn.
Ông Nguyễn Văn Quang (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: "Mới đây, gia đình tôi có mua miếng thịt lợn về để luộc, nhưng sau khi luộc rất kỹ thì thấy miếng thịt lợn vẫn có màu hồng và không chín. Sau đó gia đình tôi đã quyết định không sử dụng nước mua ở nhà máy nước xã Xuân Dương nữa".
Ngoài ra ông Quang còn cho biết thêm, nhiều gia đình ở trong xã cũng gặp phải hiện tượng luộc thịt lợn mãi không chín mà vẫn có màu hồng giống như nhà ông Quang.
Một người dân trong thôn hài hước nói: “Hai bãi tha ma "khuyến mại" thêm một bãi rác...”. Ý nói rằng trong các giếng nước của nhà máy nước sạch lắp đặt thì có hai giếng hút nước đặt gần nghĩa trang, còn một giếng được đặt gần khu vực bãi rác của làng. Nên người dân lo sợ các chất bẩn ngấm xuống mạch nước ngầm dưới lòng đất, nguồn nước không được đảm bảo.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực có một bể hút nước của nhà máy chỉ cách nghĩa trang khoảng 50 m và một bể hút nước khác được đặt rất gần khu vực bãi rác. Như vậy, mối lo lắng của người dân xã Xuân Dương là có cơ sở.
Dùng “nước sạch” của nhà máy để luộc thịt thì thấy miếng thịt có màu hồng.
Bên cạnh đó, người dân còn bức xúc việc thời điểm ban đầu khi lắp ống dẫn nước và đồng hồ đo nước mỗi nhà phải bỏ ra là 1.500.000 đồng. Thời gian sau đó, mỗi hộ gia đình có nhu cầu lắp nước sạch thì phải mất chi phí gần 2 triệu đồng. Và, giá nước sạch là 5.500 đồng/m3 nước cao hơn so với giá nước sạch ở khu vực thành phố.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn Trường Xuân cho biết, ông có nghe người dân nói luộc thịt dùng nước sạch của nhà máy thì thịt đỏ, sự việc trên cũng được báo về công ty để cho người xuống kiểm tra, thi thoảng có nhà sử dụng nước sạch cũng bức xúc việc này.
“Người dân ở đây mỗi nhà có một cái bể nước mưa ăn quen rồi. Do kinh tế của người dân vẫn còn khó khăn nên tiết kiệm được bao nhiêu thì cứ tiết kiệm. Mỗi nhà có thêm một cái giếng khoan, khoan sâu khoảng 70-100 m thì nước dùng cũng không có vấn đề gì. Chỉ những nhà không có nước mưa mới dùng đến nước sạch của nhà máy. Nhà nào có nhu cầu thì lắp chứ bây giờ người dân vẫn chưa dùng đến nước của nhà máy....”, Trưởng thôn Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm.
Chính quyền địa phương lên tiếng?
Ngày 28/7, ông Phùng Tiến Dũng, văn phòng UBND xã Xuân Dương cho biết: Nhà máy nước sạch ở xã Xuân Dương được đầu tư xây dựng với số vốn gần 10,2 tỷ đồng theo chương trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhưng vẫn chưa đủ kinh phí, nhà thầu là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom. Về cơ bản xã có khoảng 60% hộ dân sử dụng nước sạch".
Khi được hỏi về việc nguồn nước từ nhà máy này được người dân phản ánh là quá bẩn so với quy định và có nhiều hoài nghi về chất lượng xử lý nguồn nước, bằng chứng là một miếng thịt lợn sau khi luộc vẫn còn nguyên màu hồng, ông Phùng Tiến Dũng phân trần: "Chúng tôi chưa nhận được phản ánh của người dân gửi đến UBND xã. Tôi có nghe thông tin của người dân về việc thịt lợn sau khi luộc còn nguyên màu hồng. Nếu có trường hợp đó xảy ra, xã sẽ cùng với các cơ quan chức năng xem xét sự việc và có trách nhiệm cụ thể...".
Còn việc phí lắp đặt đồng hồ đo nước thời điểm sau cao hơn trước, ông Dũng lý giải: "Chúng tôi xem xét có nhiều loại đồng hồ đo nước. Đắt hơn so với trước là do đường ống dẫn vào nhà dài hơn so với quy định thì phải chịu thêm tiền. Chi phí lắp đặt đồng hồ đo nước thời điểm lúc đầu tiên là 1.500.000 đồng, trả sau 6 tháng, nếu mà trả sau thì vênh nhau một chút chứ không đến mức giá 2 triệu đồng".
Một khu vực giếng khoan của nhà máy gần với nghĩa trang.
Ông Dũng cho biết thêm: "Nhà nào cũng có bể chứa nước mưa khoảng 10-15m3 nước. Nước mưa là nguồn nước truyền thống của người dân sử dụng lâu năm. Nếu công ty bán nước sạch với giá cả không hợp lý thì người dân sẽ không dùng".
Về thông tin có ý kiến của người dân cho rằng khu vực các giếng khoan gần với nghĩa trang và bãi rác nên có thể nguồn nước ở các giếng này không đảm bảo vệ sinh?
Ông Dũng cho biết: "Giếng khoan của nhà máy được khoan từ 2 - 3 tháng mới xong, khoan sâu qua tầng đất, đá nên sạch hơn nhiều so với các giếng khoan của người dân. “Nếu thực sự nguồn nước này không đảm bảo an toàn thì người dân có thể lấy mẫu nước để UBND xã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng VietCom mang đi kiểm tra...”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
Theo