Người ta từng đau lòng khi 99 ngọn núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị “xẻ thịt” vì nạn khai thác đá tràn lan thì nay dãy núi này lại đang bị máy móc đua nhau "múc đất" bán một cách không thương tiếc...
Khi đến xóm 6, xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chúng tôi nhìn thấy đoàn xe ben khoảng 10 chiếc nối đuôi chạy ầm ầm vào khu mỏ đất của Công ty TNHH Châu Tuấn, khiến con đường làng bụi bay mù trời. Tiếng xe tải ra vào, tiếng máy xúc vang inh ỏi một vùng rừng núi. Những chiếc xe chuyên dụng thò những chiếc gàu múc lớn múc từng khối đất đổ lên những chiếc xe tải siêu trọng (trên 20m3). “Vậy là một ngọn núi Hồng Lĩnh sắp biến mất”, một người dân than vãn.
Những chiếc xe chuyên dụng của chủ doanh nghiệp Châu Tuấn múc đất núi Hồng Lĩnh bán. Ảnh: HD
Tan hoang núi Hồng
Cách đấy gần một năm, trong vai người đi mua đất chúng tôi đã đến khu mỏ này và chứng kiến một cánh rừng thông phòng hộ xanh tốt, thế mà nay, quay lại thì ngọn núi Hồng này trở thành đồi trọc, đang bị đào, bới nham nhở. Người quản lý mỏ tên Lộc, giới thiệu là người công ty, trực tiếp “điều hành" chuyện mua bán đất ở đây. Anh cho biết vì mở rộng mỏ nên công ty đã yêu câu Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho người đốn thông và ban giao mặt bằng cho công ty để "múc" đất bán.
Gần 20 phút ngồi với anh Lộc, chúng tôi tính có hơn 20 lượt xe chở đất rời khỏi mỏ. Nhìn những chiếc xe mang biển số 37, 38 đang ì ạch bò ra khỏi mỏ, anh Lộc cho biết đó là xe chở đất phục vụ các dự án trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Ngoài ra mỏ đất này còn “cung cấp” cho một số doanh nghiệp bên Nghệ An về san lấp mặt bằng.
“Hầu như các công trình xây dưng bên Vinh đều lấy đất ở đây. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp trong tỉnh mua với khối lượng lớn chúng tôi đã bán”, anh Lộc khoe.
Đứng dưới mỏ đất nhìn lên, chúng tôi thấy những tảng đất rơi ầm ầm. Với thực trạng này thì ngọn núi Hồng Lĩnh này sẽ biến mất khỏi hệ thống dãy núi Hồng Lĩnh thơ mộng, kỳ vĩ đã đi vào trong thơ văn. Đối diện với mỏ đất này là một bãi đất hoang hóa toàn hố sâu. Anh Lộc cho biết đó là một ngọn núi Hồng đã bị múc bán từ lâu, chưa hoàn trả mặt bằng.
Vì dự án...
Trao đổi với chúng tôi, bà Bạch Thị Hường – giám đốc Công ty TNHH Châu Tuấn cho rằng, mỏ đất ở Xuân Hồng là do tỉnh Hà Tĩnh cấp để phục vụ một số dự án trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Còn việc xâm hại đến thắng cảnh dãy núi Hồng Lĩnh thì đã có các quan chức năng đánh giá.
Ông Trần Duy Trinh, Trưởng phòng khoáng sản, Sở TN - MT Hà Tĩnh cho rằng, cấp mỏ đất Xuân Hồng cho doanh nghiệp Châu Tuấn là để phục vụ dự án đê bao Hội Thống và san lấp mặt bằng các kết cấu hạ tầng trong huyện Nghi Xuân là chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Trinh, năm 2008, tại địa bàn xã Xuân Hồng, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho doanh nghiệp này một mỏ đất 2,2ha. Do đã khai thác hết đến tháng 6 - 2010, Hà Tĩnh lại tiếp tục cấp một mỏ liền kề với 5ha.
“Trước đây đất vùng mỏ Xuân Hồng là rừng phòng hộ rồi chuyển sang rừng sản xuất và nay chuyển sang khai thác mỏ đất. Đánh giá về tài nguyền rừng, thắng cảnh không phải thuộc thẩm quyền sở. Nhưng vì phát triển kinh tế mình được cái này đành mất cái kia”, ông Trinh cho biết.
Lãnh đạo nói khác nhau
Ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh lại cho biết, việc cấp mỏ đất cho doanh nghiệp Châu Tuấn là theo đề xuất của huyện Nghi Xuân, sau đó doanh nghiệp sẽ hoàn thổ, san phẳng mặt bằng, trồng cây trả lại nguyên trạng. "Doanh nghiệp Châu Tuấn có quyền và nghĩa vụ được cấp mỏ. Khi được cấp mỏ doanh nghiệp sẽ đảm bảo một số điều kiện như đóng các loại thuế má, các nghĩa vụ khác cho tỉnh". Ông Kỳ nói.
Ngọn núi bị múc đất nham nhở
Hàng ngày, đi trên đường quốc lộ 1A, đoạn qua xã Xuân Hồng, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy một ngọn trong dãy núi Hồng Lĩnh đang bị múc đất bán dần. Vậy mà ông Trần Minh Kỳ cho rằng ngọn núi này (mỏ đất) nằm trong núi đồi, không ảnh hưởng đến thắng cảnh dãy Hồng Lĩnh...
Trao đổi với PV, ông Võ Hồng Hải, giám đốc Sở Văn hóa & thể thao du lịch Hà Tĩnh không giấu sự xót xa khi nói rằng, về mặt nguyên tắc dãy núi Hồng Lĩnh không được khai thác đất, đá làm ảnh hưởng đến thắng cảnh, nhưng vì nhu cầu nên địa phương phải cho phép khai thác.
"Với những người làm văn hóa, bảo tồn di tích thắng cảnh đấy là vấn đề rất xót xa trước thực trạng dãy núi Hồng Lĩnh bị "xẻ thịt", "múc đất" bán", ông Hải giọng trầm buồn.
Ông Hán Duy Anh, Chi cục Trưởng chi cục Lâm Nghiệp Hà Tĩnh cho biết, ít nhiều gì việc chuyển đổi rừng sản suất sang khai thác mỏ đất ở Xuân Hồng sẽ tác động cục bộ đến môi trường. Việc trồng rừng đã khó nhưng việc phá rừng là chuyện dễ. Nhưng chuyển đổi rừng ở Xuân Hồng là đúng với chủ trương chung của tỉnh Hà Tĩnh. “Dù là rừng gì nhưng khi cần đất làm việc gì đó cũng phải phá rừng dù là rừng phòng hộ, đặc dụng”, ông Anh nói."Cần là phá rừng" |
HOÀNG DUNG (Infonet)
Theo baoxaydung.com.vn