Thứ ba 23/04/2024 22:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Nóng” với đạo đức công chức!

15:15 | 19/11/2019

(Xây dựng) - Bộ máy cồng kềnh, công chức quá đông chính là rào cản đang làm cho bộ máy Nhà nước thêm nặng nề. Đổi mới hội nhập càng sâu rộng, vai trò quản lý nhà nước đang quá cần một đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp am tường trên mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Thực tế các cơ quan công quyền và quản lý nhà nước các “công bộc” của dân hiện nay chưa đáp ứng được những kỳ vọng ấy. Bên cạnh những cán bộ thực thi có trách nhiệm, thì cũng còn không ít chuyện buồn về những cán bộ hành dân, sách nhiễu DN.

nong voi dao duc cong chuc

1 Thế nên, kỳ họp Quốc hội thứ 8 với 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã kết thúc, nhưng dư âm những chất vấn của các ĐBQH với “tư lệnh” ngành Nội vụ Lê Vĩnh Tân mang tiếng nói của cử tri khắp các vùng, mang sức nóng từ thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hàng ngày vẫn như còn rất nóng.

Rõ ràng công tác cán bộ, tuyển dụng cho được đội ngũ công chức tử tế xứng tầm không thể theo cách làm và tư duy mòn cũ. Cuộc sống cấp bách với những vấn đề đặt ta đòi hỏi “tư lệnh” Nội vụ phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong công tác tổ chức bộ máy các bộ ngành và chính quyền các cấp.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về công tác tổ chức chọn lựa cán bộ rất sáng và trúng thực tiễn nóng bỏng. Nhưng triển khai thế nào, lại phải nhìn vào đội ngũ của ngành Nội vụ đã thật sự chuyển động, thật sự “lột xác” trong cách nghĩ, cách làm chưa?

Tinh giản biên chế, không thể nói mạnh mà chưa làm mạnh. Việc sáp nhập các đơn vị cùng chung nhiệm vụ thực thi còn quá chậm. Vì sao Quảng Ninh, Yên Bái thực hiện sáp nhập rất thành công có hiệu quả mà các tỉnh thành khác vẫn như “án binh bất động”? Vì sao nói thi tuyển công chức công khai mà những tiêu cực kiện cáo trong thi tuyển công chức nơi này nơi kia vẫn “xì ra” những chuyện buồn lòng. Nói chọn nguời giỏi người tài, hãy nhìn về vụ thi cử gian lận để vào các trường Công an, Quân đội không phải đóng học phí, khi ra trường là nghiễm nhiên trở thành công chức, thì con em cô bác dân thường đâu dễ có “suất”? Xót xa đấy, nhưng thực tế “nhỡn tiền” cần chỉ thẳng để nhìn rõ hơn bản chất của đội ngũ công chức nơi này nơi kia còn quá nhiều bất cập, lỗ hổng. Nếu người không giỏi thi cử gian lận không bị phát hiện, thì tương lai đội ngũ công chức sẽ thế nào? Họ bỏ bạc tỷ ra để chạy được nâng điểm, ra trường hành nghề họ sẽ nghĩ đủ cách để thu hồi “bạc tỷ” bỏ ra. Không chỉ thu hồi vốn, họ phải tính thu lợi gấp nhiều lần cái vốn ấy. Tham nhũng tiêu cực, đạo đức công chức tha hóa, đổ đốn cũng từ đó mà ra!

2 Tư lệnh ngành Nội vụ cần lắng nghe từ trong “ruột gan” những vụ việc này với những chuyện không mấy vui đang bày ra trước thanh thiên bạch nhật mới có thể có quyết sách trúng để xây dựng cho đất nước một đội ngũ công chức tử tế.

Làm Nội vụ chính là thiết kế bộ máy, là lo biên chế nhân sự, là chọn tuyển người cho từng bộ máy. Đó chính là “làm khoa học” về con người. Chạm đến hai tiếng “con người” là chạm vào bao nhiêu thứ quyền lợi, danh dự, uy tín, là chỗ đứng chỗ ngồi, là mối quan hệ trên dưới ngang dọc, sao có thể “đo đếm” tường tận hết. Nhưng trách nhiệm của tư lệnh ngành Nội vụ thì không thể chạy theo những vụ việc để xử lý theo kiểu tình thế, tình huống được. Phải rà soát lại quy trình tuyển dụng công chức, quy trình đề bạt cán bộ đã chặt chẽ chưa? Thi công chức tới 7 loại bằng cấp, chứng chỉ liệu có nên? Đó chính là những quy định “vẽ ra” để “hành” công chức, để bắt công chức phải “đi đêm” với phong bì dày mỏng, ai hay?

Đã đến lúc các cơ quan tổ chức từ trên xuống dưới phải rà soát xem ngay trong các cơ quan tổ chức tuyển chọn người có tham nhũng tiêu cực không? Trả lời thế nào khi dư luận đặt thẳng câu hỏi với các cục, vụ đến ban ngành tỉnh thành, cho đến cả cán bộ cấp xã phường vẫn còn đang đủ cách kiếm cớ “hành” DN và sách nhiễu với người dân? Ngay khi Quốc hội đang họp, thì dư luận lại ồn ã một vụ cán bộ phường ở Q.Thanh Khê - Đà Nẵng hành dân khi người dân đến làm thủ tục hành chính. Đi lại nhiều lần, mỗi lần lại nói thiếu giấy này giấy kia, sao người dân chịu thấu? Ngay cả chuyện ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có “lợi ích nhóm” của ai ở Nhà máy nước Sông Đuống đầu tư tới 4.998 tỷ đồng, mà vốn vay chiếm tới 80% “đè lên” giá thành nước Sông Đuống. Nói không có “lợi ích nhóm”, liệu Chủ tịch Hà Nội có quá chủ quan không? Rồi những ồn ã ở khu “đất vàng” 94 Lò Đúc từng là “đại bản doanh” của Nhà máy rượu Hà Nội rộng tới hơn 8.000m2 ở vị trí “đắc địa” 3 mặt phố. Cứ nói để xây trường học, mở công viên cho cộng đồng dân cư, giờ mới “tóe loe” đã trao vào tay đại gia để xây cao ốc đang rao bán loạn xạ kia? Việc khu “đất vàng” này bỏ cho cỏ hoang mọc suốt cả chục năm nay vì những kiện cáo, hay vì những “ký tá phê duyệt” còn chưa đúng pháp luật? Mới thấy những công chức quyền uy “chống lưng”, bợ đỡ cho những “DN sân sau” cũng không phải ít đâu.

Ai hay khi vụ nữ đại úy Công an Hà Nội gây gổ náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất chưa nguôi, thì vụ thượng úy Công an Nguyễn Xô Việt ở Thái Nguyên mua đồ không trả tiền còn ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên bán hàng ở trạm nghỉ. Những vụ việc đạo đức tha hóa, xuống cấp như thế, nếu không chặn lại, thì đạo đức công chức ở đâu?

Những chuyện lớn hơn ở tầm cao hơn là cả cách làm việc của cán bộ các bộ ngành đã thực sự vì dân, vì nước chưa? Những vụ việc nóng như “nước sôi lửa bỏng”, mà cứ để dân và các DN ngửa cổ chờ đợi, thì đạo đức trách nhiệm công chức ở đâu? Ngày xưa dân gian mới có câu “dân cần nhưng quan chưa vội, dân muốn vội dân lội dân sang”! Còn ngày nay có tâm thế như vậy không trong một bộ phận công chức nói vì dân rất mạnh, nhưng làm chưa mạnh? Không thể không suy nghĩ về việc có lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở ban ngành phải “đeo bám” các cơ quan Trung ương để “trình” cái này xin ý kiến cái kia, nghe chả thể lọt tai. Tại sao các bộ ngành không coi những vấn đề nóng bức xúc của các tỉnh thành như việc của mình? Tại sao các “công bộc” của các bộ ngành không chịu đi xuống thẳng các địa phương để xử lý ngay những vấn đề nóng phát sinh? Tại sao nhiều việc các bộ ngành có toàn quyền phán quyết, nhưng vẫn cứ dồn đẩy lên Chính phủ. Rõ ràng tác phong công tác của chính các bộ các ngành phải quyết liệt đổi mới đi.

3 Đã đến lúc phải thực hiện quy chế từ chức, nếu không còn uy tín và không am tường lĩnh vực và nhiệm vụ được trao. Phải coi việc từ chức là chuyện bình thường như các nước. Không thể cứ “phạt cho tồn tại”, cứ “rút kinh nghiệm”, với “rút kinh nghiệm sâu sắc”, với “xin nhận lỗi” để rồi bạc tiền công quỹ, đất đai công sản cứ thất thoát ngày càng nhiều, bởi những ký tá phê duyệt “trên giời”! Ai cũng nhìn rõ trong những phê duyệt ký tá ấy đều sực nức cái “mùi bạc tiền” chia chác vụ lợi nằm cả trong đó (?).

Thế nên thiết kế bộ máy từ các bộ ngành cho đến chính quyền các cấp phải tính đến gọn nhẹ nhưng tinh thông. Xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, DN điện tử phải có đội ngũ công chức điện tử. Chọn người tuyển người, xếp đúng vị trí là cả một khoa học và tầm nhìn xa rộng về con người, về nguồn lực hôm nay, và cả tương lai ngày mai.

Nóng với tinh giản biên chế, với sáp nhập các đơn vị cho bộ máy nhẹ gọn. Càng nóng hơn mối lo tuyển chọn công chức thế nào cho xứng tầm, đặt lên cao sự trung thực liêm chính để phục vụ DN, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Nhìn ra các nước lớn dân đông số lượng các tỉnh thành, đâu có nhiều như ở ta. Tỉnh thành nhỏ cũng bộ máy các ban ngành đồ sộ, hỏi sao ngân sách không nặng gánh, thuế dân làm sao lo nổi? Phải mạnh mẽ trong tư duy sáp nhập các bộ ngành, các tỉnh thành, các sở ngành cho gọn nhẹ lại. Phải có tư duy quản lý theo vùng như các nước rất thành công. Bởi đi tới Chính phủ điện tử, thông tin nhanh nhạy, giao thông thuận tiện hơn nhiều, thì quy mô hành chính các tỉnh thành như hiện nay có hợp lý không? Đó chính là những vấn đề cốt lõi cử tri đặt ra với tư lệnh ngành Nội vụ. Nhưng xem ra cách trả lời chất vấn của người đứng đầu vẫn còn như “khoe công” chưa động đến vấn đề cốt lõi của bộ máy cồng kềnh, công chức quá đông, cho dù nhiều lần ông Lê Vĩnh Tân nói đến hai tiếng “nhận lỗi”.

Nhận lỗi, nhìn rõ lỗi là rất quý trong tư duy của một chính khách - một “tư lệnh” ngành. Nhưng cần hơn thế là tầm nhìn, là chiến lược và cách làm. Cứ nói tinh giản biên chế, nhưng rà soát lại thì đã giảm được bao nhiêu. Cứ nói thu gọn bộ máy, đã sáp nhập được bao nhiêu, khi bỏ phòng ban này, thì các trung tâm nọ bộ phận kia lại “đẻ” thêm ra. Cứ nói thu hút nhân tài, nhưng chính sách thế nào để người tài năng, đạo đức thực sự “đầu quân” vào các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có kế sách quyết sách gì sáng láng. Hãy nhìn thẳng vào công chức ở các bộ ngành hiện nay con cháu các lãnh đạo bộ nọ còn gửi chéo sang ngành kia, sao tránh khỏi việc cảm tình cá nhân, tư lợi cá nhân chen vào những sự “cài cắm gửi gắm“ ẩn náu trong đó? Nhận lỗi, nhưng nhiều vụ việc, công chức sai phạm lẽ ra phải cho nghỉ, phải từ chức, nhưng vẫn chỉ rút kinh nghiệm, rồi chuyển sang vị trí khác quyền uy hơn, sao có thể lọt tai dân?

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load