(Xây dựng) - Đến Thọ Xuân hôm nay, hiện hữu rõ làng quê đang ngày càng “thay da đổi thịt”. Nhiều tuyến đường giờ đây đã nhựa hóa, bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc san sát dọc trên những cung đường. Phấn khởi hơn vẫn là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm.
Xây dựng NTM đã mang diện mạo mới cho huyện Thọ Xuân.
Với các giải pháp quyết liệt cùng sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành và địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang dần chuyển biến tích cực. Năm 2017, huyện Thọ Xuân có 10 xã đăng ký về đích NTM. 6 tháng đầu năm đã có 6 xã được thẩm định đạt chuẩn NTM. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 22/37 xã đạt chuẩn NTM; toàn huyện đạt 621 tiêu chí, bình quân 16,78 tiêu chí/xã, tăng 32 tiêu chí so với đầu năm 2017. Cuối năm 2017, huyện Thọ Xuân có 10 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Hiện nay toàn huyện đã có trên 80km đường giao thông nông thôn, trên 60km kênh mương được đầu tư... Qua đó, huyện Thọ Xuân đang đề ra phương châm tiếp tục thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt là nỗ lực hoàn thành các tiêu chí khó, chủ trương xây dựng NTM theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”; gắn XDNTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại...
Ban chỉ đạo XDNTM huyện Thọ Xuân đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong đó, chú trọng việc giữ vững các tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo vì đây là những tiêu chí thực hiện nhiều kinh phí và luôn biến động. Ngoài ra, huyện Thọ Xuân luôn ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt; xây dựng hoàn chỉnh các công trình đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; ưu tiên nguồn lực xây mới hoặc tu bổ các trung tâm văn hóa, thể thao đảm bảo đạt chuẩn.
Để cải thiện đời sống khu vực nông thôn, UBND huyện đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Điển hình như xã Thọ Trường quyết tâm gỡ “nút thắt” trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bằng cách thực hiện dồn đổi ruộng đất, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, xã đã thực hiện dồn đổi ruộng đất được 73,2ha, trong đó có 50ha từ diện tích đất sâu trũng, ngập úng khu vực đồng Sốn chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản theo mô hình trang trại tổng hợp bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập 400 triệu đ/ha/năm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tập trung vào sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu là cây ớt, dưa chuột, ngô ngọt cho giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất cao. Vụ đông 2016 - 2017 thu nhập toàn xã đạt 33 tỷ đồng.
Nguyễn Hà
Theo