Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quí giá và rừng cây cổ thụ nằm giữa một vùng đồi núi điệp trùng của vòng cung Đông Bắc, cách Hà Nội hơn 100 cây số.
Hơn 700 năm trước, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi, về tu tại Yên Sơn, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, sáng lập ra phái “Thiền Trúc Lâm”. Từ đó, Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử kế thừa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Thiền Tông Trung Hoa, được cải biên để phù hợp với đặc điểm tâm lý, xã hội của người Việt Nam.
Chủ trương của trường phái Trúc Lâm Yên Tử lấy câu "Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc” làm kim chỉ nam. Câu ấy có nghĩa là: "Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ bên ngoài mà được”. Điều ấy hoàn toàn phù hợp với cội gốc của Thiền tông là: "Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”- chính là: Phật tức tâm, ngoài tâm không có Phật.
Trúc Lâm Yên Tử là Giáo hội Phật giáo chính thống của nước Đại Việt đời Trần, có công đóng góp đặc biệt cho ý thức độc lập dân tộc với tư tưởng: tu nhưng không xa lánh đời mà còn giúp ích cho đời. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khai sinh trong hoàn cảnh đất nước Đại Việt vừa trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hoàn toàn thắng lợi. Và người sáng lập ra dòng Thiền này cũng chính là người Anh hùng dân tộc đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến trên.
Ngoài ba vị Tổ của Trúc Lâm Thiền phái đời Trần: Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa, Huyền Quang. Đến thời Lê-Trịnh thế kỷ 17, 18 Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn tiếp nối và khởi thịnh bởi các thiền sư Hương Hải, Chân Nguyên Huệ Đăng…Và vào thời Nguyễn, dòng Thiền này nhập vào Thiền phái Lâm Tế.
Đến Yên Tử, niềm khát khao của du khách là tới được chùa Đồng. Chùa Đồng được xây dựng vào thời Lê-Trịnh cách đây gần 250 năm, lúc đầu có tên là Thiên Trúc Tự nhưng dân gian vẫn cứ gọi là chùa Đồng vì tất cả những gì thuộc về ngôi chùa đều bằng đồng, kể cả pho tượng Phật Quan Thế Âm.Về sau, chùa này đã bị gió bão cuốn bay mất không tìm thấy. Năm 1930, chùa được tái tạo lại, bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người (công trình do bà Bùi Thị Mỹ ở chùa Long Hoa thiết kế). Nhưng chùa này lại một lần nữa bị bom đánh rơi xuống vách núi mất tích. Những năm sau đó, chùa Đồng được xây dựng lại nhiều lần nhưng đặc biệt lần xây dựng có quy mô lớn nhất vào tháng 12 năm 2006.
Ngôi chùa Đồng hiện nay tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử, là đỉnh núi cao nhất trong dãy núi vòng cung Đông Triều (cao 1.068m so với mặt nước biển). Chùa có trọng lượng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và cao 3,35m mang vóc dáng của một đài sen nở. Đây là một công trình chùa độc đáo nhất Châu Á được khánh thành ngày 30 tháng 1 năm 2007. Chùa được cấu trúc hình chữ đinh, được xây dựng trên một diện tích gần 20m2. Bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngự đài sen và ba pho tượng của Tam Tổ Trúc Lâm.
Việc đưa gạch đá, cát sỏi, xi măng… để xây dựng những công trình như: sân chùa, sân hành lễ… đều được vận chuyển theo đường bộ. Mỗi ngày có vài chục công nhân khuân vác vật tư men theo đường núi để lên đỉnh. Có người khỏe, khiêng tới hơn 70kg, người bình thường khiêng từ 30 - 40kg. Trong những ngày xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cán bộ công nhân Công ty CP phát triển Tùng Lâm phát động phong trào thi đua mỗi người tự mình vận chuyển từ chân núi đến công trường 300 kg vật liệu.
Còn các chi tiết chùa thì đã thiết kế mẫu ở dưới mặt đất, chỉ đưa lên đỉnh núi lắp ghép lại các chi tiết. Nhưng phải đưa những chi tiết đồng có tổng trọng lượng đến 70 tấn lên bằng cách gì? Nhiều phương án được đề xuất, cuối cùng phương án chuyển bằng dây cáp ròng rọc được thực hiện để đưa 6.000 chi tiết lên đỉnh núi và tiến hành lắp ghép. Lắp ghép 6.000 chi tiết của một ngôi chùa ở một độ cao chênh vênh giữa đỉnh trời là một công việc không dễ dàng chút nào, rất nguy hiểm đối với đội ngũ thợ đúc đồng và thợ lắp ghép. Nhưng rồi tất cả cũng hoàn thành tốt đẹp, không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra, như có bàn tay nhiệm mầu của Đức Phật từ bi cứu giúp.
Chùa Đồng không chỉ có giá trị là chất liệu bằng đồng mà ”đồng” ở đây còn có nghĩa là đồng lòng, đồng tâm hiệp lực, đồng nhất, đồng bộ… Điều đó có nghĩa "đoàn kết xây dựng” là đức tính tốt đẹp của người Việt Nam
Một trong những công trình văn hóa lớn nhất tại Yên Tử chuẩn bị khánh thành nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng được đúc tại khu vực tượng đá An Kỳ Sinh, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội thi công.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có tư thế ngồi tĩnh tại; được đặt trang trọng tại khu vực tượng đá An Kỳ Sinh, trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Tượng nặng 138 tấn, chiều cao tính từ bệ 9,9m, được đúc liền khối bằng đồng nhập khẩu từ Úc.
Theo thông tin từ Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, ngày 11/12//2012, tượng Trần Nhân Tông dựng tại khu vực từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng (Khu di tích danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí) đã rót xong mẻ đồng cuối cùng. Như vậy, việc đúc tượng đã sử dụng tới 138 tấn đồng nguyên liệu và kéo dài trong 6 tháng qua 3 công đoạn (gồm đúc đài sen, thân tượng và phần đầu tượng).
Đây là bức tượng nguyên khối lớn, được đúc theo công nghệ đúc trực tiếp trong điều kiện địa hình chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt trên độ cao hơn 1.000m của Yên Tử. Nhiều nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của Nam Định đã tham gia đúc bức tượng này.
Việc dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ nhất Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 6-11-2009 với tổng vốn trên 70 tỷ đồng từ huy động xã hội hoá.
Từ lâu, trong dân gian đã có câu rằng: "Trăm năm tích đức, tu hành; Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”. Điều đó cho thấy Phật giáo ở Yên Tử từ xưa đã có sự ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt. Lễ hội Yên Tử diễn ra bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm. Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.
Đặt chân lên đến "Đỉnh thiêng Yên Tử” và chậm rãi từng bước theo bậc đá chênh vênh lên đến chùa Đồng nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, người hành hương đi lễ không chỉ bị choáng ngợp bởi sự kì vĩ của thiên nhiên giữa mây trời mà còn cảm thấy như mình đã đặt chân lên đến cõi Phật và tách khỏi thế giới trần tục.
Với giá trị tiêu biểu là kinh đô Phật giáo của Đại Việt xưa và nay, nơi sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - thiền phái thuần Việt gắn liền với công lao của 3 vị Tam Tổ Trúc Lâm, đặc biệt là Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở miền non thiêng Yên Tử mãi trường tồn cùng thời gian.
Một số hình ảnh về mùa Thu Yên Tử:
Tuyến cáp treo do Công ty CP phát triển Tùng Lâm đầu tư đã được nâng cấp 3000 khách/60 phút
Những cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm đang miệt mài hoàn thành kế hoạch vận chuyển 300 kg vật liệu/tháng xây dựng tượng Phật hoàng
Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư & XNK Quảng Ninh đang cùng các chuyên gia bảo tàng khảo sát lập hồ sơ bảo tồn những di sản vật thể còn lại trên “non thiêng Yên Tử”
Du khách mải mê sao chép trước những công trình vừa tu tạo
Những mẻ bê tông cuối cùng của công trình ngàn năm
Một cụ già 90 tuổi vẫn làm thơ trước mây ngàn, gió núi
Du khách chọn cho mình một kỷ vật từ chốn linh thiêng
Phút bình yên của Yên Tử trong mùa Thu tháng 10
Tố Anh
Theo