Thứ sáu 04/10/2024 02:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nơi tình yêu còn mãi

14:03 | 28/07/2017

(Xây dựng) - Những ngày tháng 7, khắp nơi trên cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ với nhiều hoạt động nổi bật để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường. Hoạt động thăm hỏi các thương bệnh binh, gia đình người có công cũng là nét đẹp giữ trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của các thế hệ hôm nay dành cho các thế hệ cha anh đi trước.


Khu khám bệnh mới đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (huyện Duy Tiên, Hà Nam) vào một buổi chiều mưa tháng 7. Nơi đây đang chăm sóc, điều trị, phục hồi cho những thương bệnh binh nặng trên cả nước với tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên. Đó là các thương binh thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hoặc tham gia Chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.


Các thương bệnh binh được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm.

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Sỹ Lương: “Trong các thương bệnh binh đến với Trung tâm, người có tuổi đời cao nhất đã 87 tuổi và người thấp nhất là 49 tuổi. Có những lúc Trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng gần 700 bệnh binh đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 60 thương bệnh binh nặng và có trên 20 gia đình gồm vợ con thương binh cùng sinh sống”.


Lối đi dạo ngắm cảnh sạch sẽ, gọn gàng.

Đi dạo một vòng trung tâm, chúng tôi bắt gặp các bóng áo xanh sinh viên tình nguyện của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Các bạn chia sẻ rằng, để tri ân công ơn to lớn của thế hệ các chiến sỹ cách mạng, các bạn đã xung phong về Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên tình nguyện trong tháng nghỉ hè để hỗ trợ, giúp đỡ các bác thương bệnh binh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các bạn hiểu hơn về những trang sử hào hùng, những nhân chứng sống của một thời đấu tranh giữ nước, bảo vệ Tổ quốc!


Các bạn sinh viên luôn nhiệt huyết hỗ trợ Trung tâm.

Trung tâm Duy Tiên hiện nay đã có cơ sở rất khang trang, sạch đẹp với vườn cây xanh, ao nuôi cá. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bác thương binh Nguyễn Đình Cường – quê Nam Định là thương binh thương tật 95% mà bác vẫn có thể tự trồng rau, nấu cơm và tự làm được các công việc cá thân.


Căn hộ của thương binh Nguyễn Đình Cường.

Bác Cường chia sẻ rằng bác tham gia chiến đấu ở Campuchia năm 19 tuổi. Sau khi thương tật trở về, bác không lập gia đình, nên hơn 40 năm nay, Trung tâm Duy Tiên chính là mái nhà yêu thương của bác với các đồng đội. Bác cảm thấy rất hạnh phúc khi được đội ngũ y bác sỹ ở đây quan tâm, chăm sóc chu đáo. Hơn nữa, không gian sống khá yên tĩnh, không khí trong lành khiến bác thấy rất yêu đời. “So với các đồng đội không về được, chúng tôi cảm thấy mình quá may mắn khi vẫn còn được sống bên người thân, gia đình. Dù thương tật có nặng hay nhẹ, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực vươn lên, sống thật yêu đời, sống thật có ích.


Đoàn công tác Bộ Xây dựng thăm và tặng quà các thương bệnh binh.

Bác Đào Văn Ba – thương binh thương tật 84%, quê ở Quảng Nam, năm nay 82 tuổi. Hiện bác đang mang trong mình nhiều căn bệnh, nên sức khỏe yếu. Đã gần 50 năm gắn bó với trung tâm Duy Tiên nên bác coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ngày trước còn đi lại được, bác về quê sống cùng gia đình ở quê vợ. Nhưng sức khỏe giờ đây không còn tốt, bác cùng vợ lên sống tại Trung tâm với thời gian mỗi đợt lâu hơn.


Mái nhà thứ 2 đầy yêu thương của vợ chồng bác Ba.

Bác Ba tâm sự, ở dưới mái nhà chung của Trung tâm bác được gặp lại anh em đồng đội, được sống lại những thời kỳ chiến tranh tuy tàn khốc nhưng cũng chất chứa đầy yêu thương, khát vọng. Thương tật trên cơ thể là vết tích của chiến tranh, nhưng không vì thế mà thế hệ các thương  bệnh binh như bác Ba nản lòng, nhụt trí. Bác mong thế hệ trẻ hãy cố gắng học tập và rèn luyện trí đức để cùng dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp.


Vết thương chiến tranh vẫn còn, nhưng các thương bệnh binh vẫn luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết tích của nó còn lưu dấu trên cơ thể các chiến sĩ cách mạng, trên ánh mắt trĩu nặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng mỗi lần thắp hương tưởng nhớ về những người con đã đi xa mãi… Chẳng có gì có thể bù đắp cho những đau thương, mất mát ấy nhưng những người con Việt Nam ở mọi thế hệ vẫn luôn và mãi biết ơn sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước. Và những ngày tháng 7, các tổ chức cá nhân lại mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load