Chiều 3/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự phiên họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội.
Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017.
Trong buổi sáng Chính phủ tập trung vấn đề xây dựng thể chế, nghe các cơ quan báo cáo dự án luật an ninh mạng, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục thể thao, báo cáo đề xuất Chính phủ về việc xây dựng nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa. Đặc biệt Chính phủ cũng nghe, thảo luận, cho ý kiến đề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ TT&TT, cơ quan chủ trì báo cáo.
Tình hình KT-XH của tháng 7 và 7 tháng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát và tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Chỉ số CPI bình quân trong phạm vi bảo đảm kiểm soát. Đặc biệt tín dụng tăng trưởng cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây, tăng 8,92% so với tháng 12/2016 trong khi cùng kỳ của năm 2016 tăng 8,02%. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đều giảm. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 phấn đấu giảm từ 0,5-1% thì nay các NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần đều đã giảm. Về cơ cấu lại NHTM yếu kém và xử lý nợ xấu theo nghị quyết của của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ Chính trị đang được tích cực thực hiện. Thị trường chứng khoán đang có dấu hiện tăng.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, 18,7%. Thu ngân sách đạt khá 48,2% so với dự toán năm 2017. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5% mặc dù khai khoáng tăng trưởng âm 7,5% so với cùng kỳ; chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 10%. Đến thời điểm này chúng ta đã có 7,24 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,8% so với cùng kỳ của năm 2016. Đây là dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch sau khi thực hiện một số giải pháp như miễn visa, cấp visa điện tử cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Môi trường kinh doanh thực sự đang có sự cải tiến. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, có thể nói môi trường kinh doanh được các DN tư nhân đánh giá có sự cải thiện rất tốt, tích cực hơn thời điểm của năm trước. Từ đó vốn FDI tăng mạnh, tăng 22% so với năm trước về vốn đăng ký với 21,9 tỷ USD và vốn giải ngân có khá hơn. Trong 7 tháng có 73.000 DN thành lập mới, tăng 13,8% về số DN và tăng 39% về số vốn; có 17.000 DN hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2016.
Trong tháng 7 vừa qua đối ngoại chúng ta đạt được thành tựu rất tốt, đặc biệt là chuyến thăm dự Hội nghị cấp cao G20 của Thủ tướng và thăm chính thức Đức, Hà Lan tạo ấn tượng rất tốt khi có hoạt động toàn diện về chính trị, ngoại giao, thương mại và đặc biệt là các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đức, Hà Lan mang lại những kết quả rất tích cực, có sự kết nối của DN nước ngoài, DN Việt Nam như báo chí đã nêu.
Vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục đạt kết quả rất tốt. Kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH cũng rất tốt, được xã hội, dư luận quan tâm; đặc biệt là tổ chức thành công kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), một chỉ đạo toàn diện ở tất cả các ngành, các cấp và tự giác tham gia, tri ân của cả cộng đồng chăm lo, thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ rất đầy đủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta cũng còn không ít những khó khăn. Ngành công nghiệp trên đà phục hồi nhưng chỉ số IID thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khai khoáng giảm 7,5%, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm như ô tô giảm 0,7%, khí đốt thiên nhiên giảm 8,3%, dầu thô khai thác giảm 11,4%…. Đây là vấn đề thực hiện tích cực chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và năm nay chúng ta quyết tâm đạt chỉ số khai khoáng như nghị quyết của Chính phủ đã đề ra là 13,28 triệu tấn của năm 2017, như vậy so với 2015 vẫn thấp hơn, năm 2015 là 16,8 triệu tấn, năm 2016 là 15,2 triệu tấn.
DN thành lập mới nhưng còn nhiều khó khăn. 7 tháng có 16.000 DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh tăng 16,2% và trên 27.000 DN ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 24,5%. Như vậy có 43.000 DN đang rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng… Giải ngân vốn đầu tư công đạt 38,6% theo kế hoạch tuy có tăngtrưởng so với 30/6 nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng.
Tình hình dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH), đến nay cả nước ghi nhận trên 58.000 bệnh nhân mắc SXH trong đó 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp đã tử vong. Chiều hôm nay nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo, Thủ tướng kết luận là phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất để vây và dập tắt dịch bệnh và xử lý tất cả các yếu tố liên quan đến. Hậu quả thiên tai đã làm cho hàng chục người chết và mất tích, tổng giá trị thiệt hại của các địa phương ước sơ bộ là 2,3 nghìn tỷ đồng. Ngay đêm hôm qua một số địa phương đã xảy ra lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng của 2017 là 6,7%. Quý I đạt tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,1%. Như vậy 6 tháng chúng ta đạt tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại chúng ta phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo. Về tăng trưởng nông nghiệp, chúng ta phải bảo đảm tăng trưởng 3,05%, công nghiệp là 10,91%, dịch vụ thương mại là 7,19% để chúng ta có chỉ số chung là 6,7%.
Ngay phiên họp hôm nay có chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo. Trong đó có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng như báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Hiện nay chúng ta còn 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ ngành. Như vậy chúng ta còn số lượng rất lớn các thủ tục các bộ chuyên ngành kiểm tra tại cửa khẩu. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát lại toàn bộ các thủ tục và giảm thủ tục. Có những bộ có tới 220 giấy phép, nhất là Bộ Công Thương. Bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định. Bộ KH&ĐT rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. Và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, đây là yêu cầu cương quyết của Thủ tướng. Nhất là vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập DN, chi phí logistic, vận tải biển, đặc biệt là chi phí, hiện tượng chênh lệch giá hãng tàu. Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, nhất là chỉ đạo tập trung ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao. Đối với tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của DN là phải giảm nhiều hơn nữa.
Vấn đề thẩm quyền giảm chi phí cho DN là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, trách nhiệm của HĐND các cấp. Chúng ta phải quyết liệt giảm chi phí đầu vào cả chính thức và không chính thức.
Cũng tại phiên họp hôm nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Chính phủ kết quả kiểm tra từ đầu năm tới 31/7/2017. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ, còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 2.367 nhiệm vụ quá hạn chiếm 3,2%, tăng 0,4% so với tháng 6. Tổ công tác đã kiểm tra chuyên đề tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; 13 bộ, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; kiểm tra liên quan đến thực hiện nhiệm vụ các tổng công ty, tập đoàn; tới đây sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.
Chúng tôi xin được thông báo những nét rất cơ bản trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017.
PV báo Tiền phong: Được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa quyết định kỷ luật, cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm các chức vụ trong Đảng đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên, hiện nay bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc. Xin cho biết Chính phủ sẽ xem xét xử lý trường hợp của bà Thoa như thế nào, sẽ đồng ý cho thôi chức hay kỷ luật miễn nhiệm các chức vụ của bà Thoa? Vấn đề thứ hai liên quan đến tài sản của bà Thoa thì sẽ được xem xét cụ thể như thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tại Hội nghị lần thứ 16 Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp và có đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Như vậy, quản lý đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương thuộc Ban Bí thư, nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này. Riêng đối với Chính phủ thì Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện đúng quy trình nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vấn đề thứ hai là việc ngày 31/7, Ban Cán sự Đảng bộ Chính phủ nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Luật Công chức và Nghị định 46 năm 2010 thực hiện luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, đang trong quá trình xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc. Chúng ta phải khẳng định như thế.
Về vấn đề tài sản, phải nói rằng nếu tài sản không có vi phạm pháp luật thì việc hình thành tài sản đó là chính đáng. Tất nhiên, Nhà nước sẽ không thu hồi tài sản nếu như tài sản đó được chứng minh hợp pháp. Vấn đề thu hồi tài sản hay không, hiện nay chúng ta chưa đặt ra mà các cơ quan kết luận, cơ quan điều tra sẽ xem xét việc này. Đề nghị các cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay cứ ghi nhận như vậy, đang trong quá trình xem xét đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời vấn đề phóng viên hỏi tại họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường ĐTM, rất nhiều dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá và phê duyệt. Tuy nhiên, sau một thời gian rất ngắn thì lại xảy ra việc xảy ra ô nhiễm môi trường, điển hình như dự án của FLC ở Quảng Ninh. Gần đây, khi dự án triển khai đã để những váng than chảy ra Vịnh Hạ Long. Tôi muốn hỏi quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý những trường hợp này ra sao, tại sao đã đánh giá tác động môi trường rồi mà vẫn xảy ra những hậu quả như vậy?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Khi FLC xây dựng, do tiến độ, do yêu cầu và chủ trương đầu tư, dự án này đã triển khai việc san lấp mặt bằng mà chưa được đánh giá tác động môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Chính phủ và làm việc với tỉnh Quảng Ninh để dừng dự án lại và đánh giá tác động môi trường. Trong các phương án thì đánh giá tác động môi trường cũng rất đơn giản. Trên thực tế, những thuốc bảo vệ thực vật sẽ được nghiệm thu, đó chính là môi trường nước. Vấn đề thứ hai là không khí. Còn các phương án thi công, chúng tôi cũng đã tính toán, yêu cầu bổ sung thêm kè cho khu vực này để tránh sạt lở. Tức là có thêm kè song song với trước đây họ đã làm. Tuy nhiên, có xảy ra ô nhiễm do than sạt lở trong quá trình thi công. Ở đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đến quỹ đầu tư tính toán. Về môi trường, chúng ta đã đưa ra những hướng giải pháp.
Còn về vấn đề đánh giá tác động môi trường, gần đây chưa đánh giá vì chúng tôi đang cần sửa luật. Luật đang yêu cầu giai đoạn tiền khả thi, giai đoạn cấp giấy phép đầu tư phải đánh giá tác động môi trường. Đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn tiền khả thi tức là chưa có thiết kế xây dựng, chưa có thông số kỹ thuật. Đó chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Chúng tôi đã nhận thấy và hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi luật và nghị định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có ký quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam với tiêu chuẩn, điều kiện không đúng quy định của chính Bộ GTVT. Cơ quan có trách nhiệm đã làm việc về vấn đề này. Xin ông cho dư luận biết kết quả đến giờ phút này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Liên quan đến bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đã căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ được Bộ Nội vụ ban hành, trên cơ sở tiêu chuẩn đó có quy định cụ thể của Bộ GTVT về tiêu chuẩn. Trong các tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể là phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, chứ không phải là đang giữ ngạch chuyên viên chính trở lên. Đồng chí Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm vào tháng 9/2015 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT và được quy hoạch chức danh Cục trưởng khi đang giữ cương vị là Giám đốc Cảng vụ TPHCM. Đồng chí được đào tạo chuyên ngành kỹ sư tàu biển, cử nhân luật, tiến sĩ nghiên cứu điện ô tô và tàu thủy… Đồng chí có 26 năm kinh nghiệm, 23 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn về lĩnh vực hàng hải, cụ thể là tại Cảng vụ TPHCM.
Khi chọn nhân sự bổ nhiệm chức danh Cục trưởng, được tập thể lãnh đạo cấp ủy của Cục Hàng hải thống nhất cao và đề nghị. Tại thời điểm bổ nhiệm, đồng chí cũng hoàn thành tất cả các chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị... Đồng chí có tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính vào năm 2014, theo kết quả của Bộ Nội vụ công bố là đạt. Trên cơ sở các tiêu chuẩn của đồng chí, tất cả các quy trình thủ tục và xem xét bổ nhiệm đúng theo quy định hiện hành về bổ nhiệm cán bộ.
Phóng viên VTV: Xin hỏi đại diện Bộ Tài chính, trong thời gian tới có những cân nhắc gì về giải pháp để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Về những con số khác nhau, Bộ Tài chính có những giải ngân dựa trên những con số với những cách tính khác nhau cho nên chỉ số tỉ lệ phần trăm có khác nhau. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số chính thức về giải ngân vốn đầu tư công như sau: Theo số liệu của Bộ Tài chính (vì giải ngân là Bộ Tài chính quản lý qua Kho bạc Nhà nước) chính thức cung cấp, thì ước giải ngân kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm nay là 119.367,8 tỷ đồng, bằng 33,4% so với tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, đó là trên con số 357.150 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước là 33,4% và 38,6% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Con số Thủ tướng Chính phủ giao là 309.172 tỷ đồng, nếu dựa theo con số của Nghị quyết Quốc hội là hơn 357.000 tỷ thì tỉ lệ giải ngân là 33,4%. Nhưng nếu theo con số Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương là hơn 309.000 tỷ thì tỉ lệ giải ngân là 38,6%.
Ở địa phương và các bộ, ngành giải ngân trên số vốn được giao, cho nên lấy theo con số 38,6% trên cơ sở tổng số vốn được giao là 309.172 tỷ đồng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất số liệu tuyệt đối thực tế giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2017 của NHNN đều là 4.292 triệu đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân mà NHNN và Bộ Tài chính đưa ra có sự khác nhau là do gốc so sánh khác nhau.
Cụ thể, Bộ Tài chính tính tỉ lệ trên số vốn kế hoạch NHNN được giao theo Nghị quyết 29/2016/QH14 ngày 14/11/2016 của Quốc hội là 73.380 triệu đồng. Còn NHNN tính tỉ lệ giải ngân trên tổng số vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án của NHNN là 7.645 triệu đồng, không gồm 65.735 triệu đồng đã được điều chỉnh kế hoạch vốn về Ngân sách Trung ương theo Tờ trình số 310/Tr-CP ngày 13/7/2017 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV Thu Nguyệt (báo Pháp Luật TPHCM): Liên bộ gồm Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có báo cáo về vấn đề xử phạt đối với trường hợp xe không có giấy tờ gốc (do đã thế chấp ngân hàng). Xin hỏi việc xử lý của Chính phủ thế nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) nhận chìm 1 triệu m3 chất thải liên quan đến Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đã có báo cáo về việc này. Việc xử lý của Chính phủ là gì?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Liên quan đến phương tiện giao thông, tại Nghị định 163 có quy định khi thế chấp, bên đi thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ các tài sản này, trong khi đó Bộ luật Dân sự cho rằng việc thế chấp tài sản để vay, còn bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ phương tiện đó nếu có trong thoả thuận vay mượn giữa 2 bên.
NHNN đã nhận thấy được vấn đề khó khăn, bên nhận thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ đó, có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các NHTM khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Do đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Công an, Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt. Hiện các cơ quan liên quan đang phối hợp xử lý vướng mắc này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hiện nay các NHTM đang thực hiện tốt việc khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô trả góp. Nếu giao bản gốc và tài sản cho người thế chấp, thì các NH không thể bảo đảm khi chuyển nhượng tài sản, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi có thông tin này, Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp rà soát toàn bộ thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khi chính thức có ý kiến bằng văn bản, VPCP sẽ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Đây là cơ hội tôi chính thức trả lời, bảo đảm thông tin chính xác khoa học nhất.
Đâu đó, có người dân nhầm lẫn vật chất nạo vét từ khu quanh tàu cảng là chất thải. Trên thực tế hiện nay về thuật ngữ, Luật biển quốc tế, Công ước London, luôn quan niệm các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này. Về vấn đề cấp phép của Bộ TN&MT, đánh giá tác động môi trường từ năm 2014, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Luật Tài nguyên môi trường biển, chúng ta xem xét việc nhận chìm này, thứ nhất là hài hoà với luật biển quốc tế, đặc biệt chú ý làm sao bảo đảm đánh giá tác động từ hoạt động này với biển, TNMT biển. Trước đó, các hoạt động nhận chìm các vật chất nạo vét ở biển vẫn diễn ra, như quá trình xây dựng cảng Cái Lân, gần đây nhất là xây cảng Lạch Huyện, đều làm thế, có tính toán đánh giá tác động. Trong tình hình này, hằng năm việc nạo vét, duy tu bảo dưỡng các luồng lạch vẫn diễn ra, đây là vấn đề cần làm chặt chẽ hơn dưới góc độ môi trường và đánh giá tác động hệ sinh thái biển theo Luật biển.
Bộ TN&MT đã thực hiện theo Luật TNMT biển, xem toàn bộ đánh giá tác động môi trường. Có vấn đề gì tại thời điểm đó chưa đánh giá chặt chẽ, nhận chìm thì lần này nhìn nhận xem xét toàn diện, khoa học bài bản hơn
Quan điểm của Chính phủ, Bộ TN&MT trước tiến là không đánh đổi môi trường, nhưng quan điểm nữa là trung tâm nhiệt điện đã quy hoạch từ năm 2007, môi trường cũng phải hài hoà với phát triển, để bảo đảm thực hiện quy hoạch bền vững. Bộ TN&MT dựa trên pháp luật, các cơ sở khoa học xác đáng để tiến hành. Như vậy, giấy phép có mấy bước thực hiện nhận chìm. Thứ nhất là xem xét tác động môi trường từ năm 2014, thời điểm đó có tồn tại do quy định pháp lý năm 2005 về nhận chìm chưa chặt chẽ như hiện nay. Giấy phép phải bảo đảm khảo sát đánh giá toàn bộ hiện trạng môi trường biển. Thực tế, chủ đầu tư dự án đó đã có báo cáo đầy đủ… qua cơ quan có năng lực như Viện Tài nguyên môi trường biển đã khảo sát 300 ha, không phải 30 ha, đã có số liệu hệ sinh thái. Tuy nhiên, dưới giác độ người dân, báo chí, các nhà khoa học quan ngại thì chúng tôi thấy có trách nhiệm kiểm chứng lại. Ngay trong giấy phép cấp phép cho nhận chìm đã ghi là Viện Hải dương học Nha Trang, đơn vị thuộc Viện Hàn lâm, là cơ quan độc lập đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá các tác động của quá trình nạo vét, nhận chìm. Đến nay, Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện xong khảo sát, công bố hoàn toàn trên cổng thông tin điện tử. Chúng tôi đã đối chứng, kiểm chứng lại số liệu của doanh nghiệp, thời điểm thực hiện vào năm 2012. Tôi cho rằng thời điểm đó với hiện trạng bây giờ có thể khác nhau. Do đó, tôi yêu cầu đánh giá lại toàn diện hiện trạng môi trường.
Viện Hải dương học báo cáo không có nghĩa là Viện Hàn lâm khoa học báo cáo, vì Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm khoa học tập hợp các nhà khoa học đánh giá toàn diện. Viện Hải dương học mới báo cáo hiện trạng môi trường và hệ sinh thái, các cái khác có tiếp cận khác nhau. Các nhà khoa học Viện Hàn lâm xem xét các mô hình vật chất, các mô hình toán, cơ lý hoá, xem xét, rà soát lại toàn bộ để xem các dự báo phân tích có chính xác không.
Còn Bộ TN&MT tiếp cận theo giác độ khác. Hiện có 22 nhà khoa học trong hội đồng, gồm các nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực, không nhà khoa học nào mạo danh cả. Nếu có mạo danh thì là về bên tư vấn, thuộc trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư và bên tư vấn, không phải trách nhiệm cơ quan quản lý. Hiện, Viện Hàn lâm khoa học đang làm đánh giá cơ sở khoa học toàn diện vấn đề, còn Bộ TN&MT đang triển khai đánh giá mô hình mô phỏng, dự báo đánh giá lan truyền mặt tầng đáy, chiều gió thuỷ triều… Chúng tôi đã xác lập hệ thống qua Viện Hải dương học, quan trắc các tầng nước, các vị trí. Như vậy, hiện nay, giả sử có hoạt động diễn ra, chúng tôi có thể đánh giá được tác động ngay từ hoạt động đầu tiên…
Quan điểm Chính phủ là phải lấy môi trường trước hết, hoạt động phát triển kinh tế và môi trường phải hài hoà. Ta đang đứng trước vấn đề bức xúc hiện nay là tiến độ dự án đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía nam. Theo dự báo từ năm 2018 trở đi, phía nam thiếu năng lượng. Thứ hai là hợp đồng kinh tế, nếu chậm trễ mỗi ngày tính toán, bên có lỗi bị phạt 620.000 USD, đặt ra nhiệm vụ cho EVN, Bộ Công Thương phải lựa chọn phương án nào tốt nhất.
Tuy nhiên, Viện Hàn lâm vẫn phải đánh giá. Về lâu dài, nhu cầu nhận chìm, nhu cầu duy tu bảo dưỡng cả trung tâm này là lớn. Thực tế qua kinh nghiệm thế giới, đây là phương án có thể chấp nhận, khả thi, bên cạnh phương án dùng tài nguyên phục vụ lấn biển, phòng chống sạt lở. Nhưng các việc đó phải bài bản để bảo đảm về kinh tế nhưng không ảnh hưởng môi trường. Viện Hải dương học Nha Trang tiếp tục đặt vấn đề Viện Hàn lâm giúp xác định cơ sở khoa học bảo đảm quy hoạch tính toán lâu dài 70 năm.
PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Hiện nay, gói tín dụng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) có tiến độ giải ngân rất chậm, hệ thống ngân hàng có nhiều tiền nhưng việc tiếp cận của người dân và DN gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất là Thông tư 09 (Thông tư 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất), hiện nay các ngân hàng, DN và người dân rất kêu. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Xây dựng xem xét để tháo gỡ vấn đề này, giúp việc giải ngân được nhanh hơn.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Liên quan đến việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/3/2017, sau khi có Nghị quyết 30, ngày 24/4, NHNN đã ban hành quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC. Tiếp đó vào 27/4, Thống đốc NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn để thực hiện cho vay chương trình này. Hiện nay, dư nợ của các NHTM cho vay theo chương trình này vào khoảng 32.000 tỷ đồng.
Qua phản ánh của các NHTM, đây là chương trình mới, được triển khai từ tháng 3, hiện nay các NHTM cũng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn đối với chi nhánh trong hệ thống để triển khai chương trình này. Về phía khách hàng, họ cũng đang tìm hiểu chương trình này, nên chưa nộp hồ sơ vay vốn do còn phải đối chiếu với tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30. Còn đối tượng khách hàng trong khu vực ứng dụng NNCNC cũng chưa phát sinh vay ngân hàng.
Chúng tôi cũng thấy được một số khó khăn khi triển khai chương trình này. Thứ nhất là số lượng DN được cấp giấy chứng nhận DN NNCNC, ở khu, vùng ứng dụng NNCNC còn hạn chế. Do đối tượng hạn chế nên dư nợ cho vay lĩnh vực này chưa thể đẩy nhanh. Thứ hai, người dân và DN chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vốn vay của ngân hàng. Tại Nghị quyết 30, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn này. Đối với lĩnh vực cho vay NNCNC và nông nghiệp sạch, xét về rủi ro, thì giá trị đầu tư rất lớn. Ở Việt Nam cũng chưa có công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hiểm chưa rộng rãi, thị trường tiêu thụ chưa ổn định khiến DN và người dân còn e ngại trong việc đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ban ngành để thúc đẩy triển khai chương trình này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Để làm rõ thêm, tôi xin nêu để các bạn biết như thế này. Chủ trương về phát triển NNCNC là một chủ trương rất lớn của Đảng, được khẳng định trong nghị quyết các Đại hội 11, 12 của Đảng, là chủ trương tích tụ ruộng đất, tạo mảnh đất rộng để DN tiếp cận và tạo sản phẩm. Thủ tướng có giao cho NHNN và NHTM chuẩn bị một gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho DN NNCNC. Nhưng hiện nay số giải ngân chậm vì các lý do sau: Thứ nhất, xác định DN thế nào là DN NNCNC để hưởng ưu đãi mà chúng ta đã xác nhận, để các NHTM cho vay, như Phó Thống đốc đã nói. Thứ hai, vấn đề khó khăn nhất là DN tiếp cận đất đai.
Chính phủ đã nhận được báo cáo đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, của UBND tỉnh Thái Bình, cho các địa phương thí điểm thực hiện Nhà nước đứng lên thuê đất của dân sau đó Nhà nước cho DN thuê lại chính đất mà Nhà nước đã thuê của dân. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng đã yêu cầu các bộ ngành báo cáo tập hợp sau đó báo cáo Bộ Chính trị. Đây là một chủ trương lớn để tháo gỡ.
Thứ ba, vì đất thuê, nên DN nông nghiệp không thể nào có sở hữu đất đai như mong muốn của DN được, ngay cả vấn đề thế chấp để vay vốn, tài sản xây dựng trên đất thuê, NHTM cũng đang vướng mắc. Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng tiêu chí xác định DN NNCNC, giao Bộ TN&MT đề xuất với Chính phủ sửa các thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất thuê để tạo điều kiện cho DN được thế chấp, cả vấn đề liên quan đến đất thuê của dân, cả vấn đề liên quan đến tài sản xây dựng trên đất và liên quan đến thị trường nữa. Các bộ, ngành, đặc biệt Bộ NN&PTNT vừa qua rất tích cực trong việc tìm kiếm thị trường để các DN đưa sản phẩm nông nghiệp ra nước ngoài. Ngay cả chuyến Thủ tướng đi thăm chính thức Hoa Kỳ, thì chính thức đã có sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sang châu Âu, Đức, Hà Lan. Đây là những tín hiệu thị trường rất tốt, chúng ta phải có sản phẩm, quy mô, và đặc biệt là vấn đề chế biến.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Về vấn đề ghi giá tài sản đầu tư trên đất, hiện nay Bộ TN&MT cho rằng đầu tư NNCNC thì các tài sản trên đất cũng phải đầu tư rất lớn. Chúng tôi đã dự thảo thông tư để khẳng định, ghi nhận tài sản có góc độ pháp lý đó. Hiện nay đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp, và một số bộ, ngành, trong thời gian sớm sẽ ban hành thông tư hướng dẫn này. Đương nhiên, như đồng chí Phó Thống đốc nói, cần theo các cơ chế khác, chẳng hạn như các quỹ rủi ro... nhưng đấy là yêu cầu đặt ra với ngân hàng. Còn đối với giác độ tài sản trên đất thì Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết này và sẽ trình, ban hành sớm.
PV Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM): Xin hỏi Thứ trưởng Bộ Công an và Bộ Nội vụ, vừa qua liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, Ban Bí thư cũng đã có quyết định xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi có thông tin về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bị thất lạc và Bộ Công an đang tiến hành phối hợp làm rõ. Vậy cho đến nay việc kiểm tra, kiểm điểm trong nội bộ của Bộ cũng như kết quả xác minh của Bộ Công an như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa: Vụ việc Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều việc xảy ra trong thời gian vừa qua. Thời gian qua người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt các cơ quan có trách nhiệm, đã quan tâm chỉ đạo từ công việc kiểm điểm đến xem xét kỷ luật tổ chức và cá nhân liên quan.
Liên quan đến hồ sơ phê duyệt chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh, hồ sơ có thất lạc hay không chúng tôi đang báo cáo Bộ Công an và hiện vẫn đang trong quá trình kiểm điểm, điều tra. Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND, Bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ gốc từ tỉnh Hậu Giang. Văn thư Bộ Nội vụ vẫn giữ 1 bản gốc. Nếu có thất lạc là thất lạc bản đóng dấu “Công văn đến”. Tuy nhiên, việc này chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kiểm điểm các cá nhân, đơn vị có liên quan. Việc điều tra khi có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo.
Phóng viên báo Tuổi trẻ: Câu hỏi cho đại diện lãnh đạo Ngân hàng: Sau khi ông Trần Bê bị khởi tố và bắt giam thì lãnh đạo Sacombank cho biết ông này đang nợ Sacombank tới 43000 tỷ đồng. Đề nghị ngân hàng cung cấp thêm thông tin về vụ việc này và đặc biệt là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Vụ án này đang được các cơ quan pháp luật xử lý vì vậy những thông tin liên quan sẽ được cơ quan pháp luật cung cấp trong quá trình xử lý vụ việc này.
Theo Nhóm PV/BaoChinhphu.vn