Thứ ba 14/01/2025 09:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Nội địa hóa thấp, nhập khẩu hàng chục tỷ đô la

20:34 | 27/09/2017

(Xây dựng) - Mặc dù công nghiệp hỗ trợ được coi là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế nhưng tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500 nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong lĩnh vực này. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại một số nước ngay trong khối ASEAN.


Doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn thấp.

Báo cáo tại Hội nghị triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành CNHT Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2019 định hướng 2025 cho thấy: Ngành chế tạo ôtô có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử nội địa hóa khoảng 5-10%; da giày nội địa hóa khoảng 30%; dệt may nội địa hóa đạt khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác nội địa hóa khoảng 15-20%.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp như vậy, tất yếu dẫn đến khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu tăng cao. Ước tính mỗi năm, số tiền nhập khẩu thiết bị CNHT vào Việt Nam lên tới hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 30 tỷ USD.

Ngay trên địa bàn Hà Nội, nơi được đánh giá là có ngành CNHT phát triển, đã hình thành được hệ thống DN chuyên sâu về CNHT với đông đảo doanh nghiệp tham gia như khu Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quang Minh… được điều phối, dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia, có trình độ chuyên môn hóa cao, tạo hiệu quả lớn trong sản xuất nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn khá thấp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh những thành quả trong phát triển CNHT, Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Tỷ lệ nội địa hóa, năng suất, chất lượng thấp so với nhiều nước trong khu vực; ngành CNHT mới dừng lại ở chế tạo, gia công các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản.

Do đó, giai đoạn 2017-2020, TP Hà Nội đã ban hành Đề án tiếp tục phát triển CNHT và mục tiêu đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp chuyên sâu về CNHT, trong đó có 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.

Để đề án đi vào cuộc sống, hàng năm thành phố sẽ tiếp tục ban hành, triển khai các chương trình phát triển cụ thể; tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào CNHT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp CNHT.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, khó khăn của ngành CNHT không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn là thách thức của cả nước.

Chủ trương tập trung phát triển mạnh ngành CNHT Việt Nam là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên thực tế còn gặp một số trở ngại do nguồn lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, cơ chế chính sách để đi vào cuộc sống của doanh nghiệp chưa kịp thời… Toàn cầu hóa sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Từ thực tế đó, doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần có thêm các chương trình xúc tiến cũng như kết nối giao thương bằng các chương trình cụ thể thông qua các bộ, ngành hoặc hiệp hội. Trong đó, các cơ quan thuộc chính quyền sẽ vừa là cầu nối vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện kết nối này.

Ngoài ra, phạm vi hợp tác cũng cần được mở rộng, biến các mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, các thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp như hiện nay.

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load