Tại Berlin, ai cả gan chặt những cây trong diện bảo tồn, bảo tàng thì theo điều 304 Bộ Luật công dân Đức (BGB) có thể bị phạt tù tới 3 năm.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuy không thuộc diện “trèo me, trèo sấu”, nhưng tuổi thơ tôi cũng từng gắn với những trò con trẻ như đi tìm bắt ve sầu non ở những gốc cây. Ai ở Hà Nội, từng có những ký ức như vậy, hẳn không tránh khỏi cảm xúc tiếc nuối vào những ngày này...
Khi còn nhỏ, tôi sống ở phố Hàng Than, tuổi thơ tôi gắn liền với những bạn bè cùng phố. Tối tối, chúng tôi hay ra chơi ở vườn hoa Hàng Đậu, cho dù tên chính thức là vườn “Vạn Xuân”, nhưng có lẽ chẳng mấy ai nhớ.
Vườn có có nhiều cây cao, lâu năm. Tối mùa hè, chúng tôi hay đi tìm bắt ve sầu ở gốc cây, khi chúng mới chui ở dưới đất lên, trông như những con dế trũi. Mang về nhà phải cẩn thận thả chúng bám vào màn, sáng ra, khi dậy chúng đã lột xác xong trở thành những chú ve. Sáng dậy cũng rất hồi hộp, vì chẳng may bắt được ve sầu đực, chúng chỉ kêu i… i cũng chán. Phải ve sầu cái, chúng mới kêu ra rả suốt ngày.
Vào lớp 10, tôi học ở trường Ba Đình (trường Chu Văn An buổi chiều), nên cũng hay đi qua đường Phan Đình Phùng. Nhiều hôm trưa hè nắng như đổ lửa. Đoạn đầu phố Thụy Khuê không có cây to, nắng hoa cả mắt, có hôm nhựa đường còn chảy ra. Nhưng về tới phố Phan Đình Phùng là người dịu hẳn lại nhờ hai hàng cây to bên đường che bóng mát.
Rồi còn bao con đường có hàng cây đẹp, như phố “Tây”, như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, v.v… với nhiều biệt thự từ thời Pháp. Sau này, những biệt thự ở đây thường trở thành trụ sở các cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Hồi nhỏ, có dịp phải đi tới phố Lò Đúc là thấy xa lắm. Đây cũng là một con phố có hàng cây đẹp, nghe nói trước đây thường có đàn cò tới nơi này, nhưng bản thân tôi chưa từng được chiêm ngưỡng.
Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, có thể nhận thấy Hà Nội cũng là một thành phố có nhiều cây xanh, thậm chí vượt một số thành phố ở châu Âu như thủ đô Aten của Hy Lạp - đứng từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy gạch ngói và bê tông.
Thành phố Aten, Hy Lạp từ trên cao nhìn xuống. Ảnh: Vân Long
Cây xanh Hà Nội quý giá là vậy, lại có biết bao nhiêu cây cổ thụ, nên ứng xử với từng ngọn cây, góc phố thế nào, cũng là điều nên cân nhắc. Và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển hẳn rất cần thiết.
Là một người cũng sống và làm việc nhiều năm ở Berlin, Đức, tôi muốn kể đôi điều mà bản thân tìm hiểu được về hệ thống và cách thức quản lý cây xanh ở đây.
Với 416.000 cây lâu năm và 890 km² rừng, công viên, bãi cỏ, thủ đô Berlin của Đức được coi là thành phố xanh nhất của châu Âu. Diện tích rừng, công viên, cây xanh của Berlin nhiều gấp 9 lần ở Paris.
Ngay giữa trung tâm Berlin có công viên Tiergarten rộng 210 hécta nổi tiếng thế giới. Đây vốn là một khu rừng riêng để săn bắn của tuyển hầu von Brandenburg, sau này được xã hội hóa, trở thành công viên công cộng cho mọi người sử dụng. Công viên này được xây dựng cách đây 500 năm, bao gồm nhiều cây xanh, bãi cỏ, hồ có đảo nhỏ và sông chảy qua với nhiều cây cầu.
Berlin còn có nhiều khu công viên khác như Treptower Park với diện tích 80 hécta ở phía Đông Nam, vườn hoa ở Lâu đài Charlottenburg, Lâu đài Glienicke và trên đảo Pfaueninsel. Berlin hiện còn giữ lại được 29.000 hécta rừng, chiếm khoảng 18% diện tích thành phố.
Với môi trường trong lành như thế và hệ thống y tế tốt, người Đức nói chung và người Berlin có tuổi thọ khá cao. Những ngày đẹp trời, thấy các cụ già thanh thản đi chơi trong công viên mới cảm nhận được cuộc sống thanh bình, đáng quý biết bao.
Vì sao một thành phố được xây dựng nhiều, phát triển nhanh như Berlin kể từ khi nước Đức tái thống nhất năm 1990 tới nay vẫn giữ được tỉ lệ cây xanh nhiều như vậy? Đó là vì Berlin cũng như những thành phố khác của Đức có luật lệ chặt chẽ, rõ ràng, việc thực thi và giám sát thực thi luật rất nghiêm ngặt.
Công viên Treptow ở Berlin. Ảnh: Vân Long
Những cây có lịch sử đặc biệt, hoặc rất lâu năm thì được Luật bảo tồn, bảo tàng bảo vệ. Những cây lớn, có đường kính thân từ một mức độ nào đó thì được sự quản lý của Điều lệ bảo vệ cây. Điều lệ bảo vệ cây ở mỗi bang cũng khác nhau.
Theo quy định của luật pháp ở Berlin, những cây một thân có chu vi ít nhất 80 cm và những cây nhiều thân, mà một thân có chu vi ít nhất từ 50 cm trở lên, được đo ở độ cao 130 cm là những cây được thống kê và bảo vệ, kể cả khi những cây đó nằm trong vườn nhà riêng.
Trong trường hợp muốn chặt cây trong diện được bảo vệ vì một lý do nào đó, ví dụ như xây nhà, thì phải làm đơn xin phép lên chính quyền thành phố. Nếu được cấp phép, người muốn chặt cây thường phải thực hiện những biện pháp thay thế để bảo vệ thiên nhiên như trồng lại một số cây khác. Thông thường, họ phải nộp tiền vào quỹ của thành phố để trồng cây ở những nơi khác. Tôi đã chứng kiến một người quen, khi muốn chặt mấy cây trong vườn để xây nhà đã phải nộp 3.000 Euro. Những cây được chặt mà không phải nộp tiền là những cây ốm yếu, mục, có nguy cơ đổ gây thiệt hại tới tính mạng, tài sản của những người xung quanh. Hoặc những cây che hết ánh sáng vào cửa sổ, làm cho cả ngày phải bật đèn…
Ai chặt trộm cây trong diện được bảo vệ mà không xin phép, nếu bị phát hiện có thể bị phạt tới 50.000 Euro. Trên thực tế, chưa thấy ai bị phạt tới mức đó, nhưng 3.000 - 5.000 Euro thì đã từng xảy. Ai cả gan chặt những cây trong diện bảo tồn, bảo tàng thì theo điều 304 Bộ Luật công dân Đức (BGB) có thể bị phạt tù tới 3 năm.
Theo Văn Long/vietnamnet.vn