Gần như bất cứ đứa trẻ nào ở dọc chiều dài đất nước hình chữ S - Việt Nam đều không xa lại gì với những cánh diều no gió.
Thả diều từ lâu đã là trò chơi hấp dẫn, đến mức diều đã đi vào thơ ca. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng xem cánh diều là một trong những biểu tượng của quê hương: “Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng”.
Chắp cánh ước mơ.
Ở miền Tây Nam Bộ, hễ cứ sang giêng, hai là lúa đã được bà con nông dân gặt hái xong. Khắp cánh đồng trơ gốc rạ tạo thành khoảng đất trống lý tưởng, kết hợp với những cơn gió mùa khô thốc lên để cho những cánh diều chao liệng trên không.
Ngày trước, trẻ con thường rủ nhau chặt mấy nhánh tre, trúc về vót, uốn rồi dùng dây chỉ buộc lại để tạo dáng, tạo hình cho cánh diều. Giấy báo nhựt trình hoặc giấy tập học cũ được các em tận dụng dán diều. Xin tiền mẹ chạy mua mấy cuộn dây, rồi quấn dây vào cái lon sữa bò đã hết, hoặc khúc tre, chai nhựa, … Vậy là các em đã đủ … đồ chơi.
Diều no gió bay cao.
Cứ tầm năm sáu giờ chiều, khi mặt trời ngả bóng, gió lồng lồng thổi thì ra đồng thả cho diều vút cao. Khi diều đã bay, tay cầm dây mà điều khiển, có khi chỉ cần buộc dây diều vào gốc rạ nào đó, nằm khểnh ra mặt ruộng mà nhìn trời mây, thả hồn theo đó những ước mơ của con trẻ. Diều ai bay cao hơn thì chủ nhân của nó có dịp tự hào với bạn đồng trang lứa. Trò chơi thả diều cuốn hút đến mức người lớn nhiều khi cũng tham gia cùng các em. Đến tối mịt, người ta mới cuốn diều về để hôm sau tiếp tục … chơi!
Ngày nay, khi kinh tế đã phát triển, nhiều đồ chơi hiện đại được bày bán sẵn, nhưng những cánh diều vẫn hiển hiện trên cánh đồng.
Theo Hồng Khuyên/Dân Việt
Theo