Thứ sáu 29/03/2024 19:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ninh Bình: Nhiều khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

15:15 | 17/02/2023

(Xây dựng) – Theo Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 326/QĐ–TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) cấp tỉnh thì tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ninh Bình: Nhiều khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của Ninh Bình đến năm 2030 cần được Chính phủ phân bổ thêm để tạo động lực thu hút đầu tư và đột phá phát triển kinh tế.

Cụ thể, công tác lập Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã được UBND tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo triển khai ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tuy nhiên do quy định của chính sách, pháp luật về quy hoạch được ban hành chưa đồng bộ, kịp thời, còn có những bất cập, chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện, tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện mặc dù đã được phê duyệt nhưng phải điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phân bổ tại Quyết định 326/QĐ–TTg ngày 9/3/2022.

Ngoài ra, theo Quyết định 326/QĐ–TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 thì một số chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ cho tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 lớn hơn so với nhu cầu sử dụng đất thực tế như: Đất quốc phòng, an ninh; đất xây dựng cơ sở văn hóa; đất kho dự trữ quốc gia lần đầu tiên Chính phủ phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh Ninh Bình.

Một số chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ thấp ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đất chuyên trồng lúa, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia… gây khó khăn trong việc cân đối nhu cầu sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Đất chuyên trồng lúa: Chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ cho tỉnh đến năm 2030 là 30.055ha, giảm 2.460,25ha so với hiện trạng năm 2020. Tuy nhiên, các công trình dự án cần thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, giao thông, đất ở…) chủ yếu là sử dụng từ đất chuyên trồng lúa, do vậy việc bị giới hạn chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa đã ảnh hưởng đến việc bố trí quỹ đất thực hiện các công trình, dự án theo các chỉ tiêu sử dụng đất trên.

Đối với chỉ tiêu đất phi nông nghiệp: Hiện trạng năm 2020 có 36.966,12ha; quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 47.347ha, tăng 10.380,88ha. Trong đó, các chỉ tiêu sử dụng đất cứng quốc gia phân bổ (đất quốc phòng, an ninh, khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, di tích lịch sử văn hóa… tăng 3.419,02ha). Các chỉ tiêu đất phi nông nghiệp còn lại tỉnh xác định (đất công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất khoáng sản, khu vui chơi giải trí… tăng có 6.960,98ha). Do vậy, các chỉ tiêu đất thương mại dịch vụ, đất phát triển hạ tầng, đất ở… tăng trong 10 năm thấp hơn nhu cầu cần chuyển đổi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khoảng hơn 6.000ha.

Ninh Bình: Nhiều khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Các chỉ tiêu đất thương mại dịch vụ, đất phát triển hạ tầng, đất ở… tăng trong 10 năm thấp hơn nhu cầu cần chuyển đổi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình khoảng hơn 6.000ha.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quốc gia phân bổ lớn hơn so với nhu cầu, sau khi phân bổ theo nhu cầu sử dụng đất của các huyện, thành phố vẫn còn thừa chỉ tiêu, không xác định được vị trí, loại đất cho phù hợp như: Chỉ tiêu sử dụng đất an ninh quốc gia phân bổ cho tỉnh đến năm 2030 là 595ha (tăng 172,83ha so với năm 2020), theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công an lập thì chỉ tiêu đất an ninh đến năm 2030 là 570,42ha, thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ phân bổ là 24,57ha; chỉ tiêu sử dụng đất kho dự trữ quốc gia được phân bổ đến năm 2030 là 18ha, tuy nhiên Tổng Cục dự trữ Nhà nước chưa có văn bản đăng ký về việc bố trí địa điểm, quy mô cho từng công trình dự án đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Đối với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp: Đất dành cho phát triển khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là 1.872ha (tăng 1.057ha so với hiện trạng đất KCN năm 2020). Theo định hướng phát triển KCN đến năm 2030 tỉnh Ninh Bình tập trung quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư đối với các KCN trọng tâm như: KCN Phú Long; KCN Gián Khẩu mở rộng; KCN Tam Điệp II quy hoạch 365ha (trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến năm 2030 mới bố trí được 260ha để triển khai); KCN Kim Sơn quy hoạch 495ha (trong phương án mới bố trí được 51ha); KCN Xích Thổ quy hoạch 150ha (chưa bố trí được diện tích đất KCN trong phương án); KCN Yên Bình quy hoạch 250ha (trong phương án mới bố trí được 100ha để triển khai).

Chính vì những khó khăn vướng mắc đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất phát triển các KCN cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo dư địa, động lực thu hút đầu tư, tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm tiếp theo.

Anh Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load