Thứ bảy 20/04/2024 02:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Niềm vui trước Tết của người dân Thượng Thành (Huế)

21:25 | 16/01/2021

“Chúng tôi không ngờ rằng ước nguyện có một ngôi nhà kiên cố, khang trang trên khu đất quy hoạch bài bản, ngay trung tâm thành phố lại trở thành hiện thực sớm như thế. Phận đời cơ cực rồi cũng sẽ qua, rồi đây thế hệ con cháu chúng tôi sẽ thôi những đêm trằn trọc, âu lo…”. Những người dân sống ở Thượng Thành thuộc Khu vực I di tích Kinh thành Huế nói những lời hạnh phúc khi bước chân vào ngôi nhà mới ở khu tái định cư Hương Sơ (TP. Huế).

niem vui truoc tet cua nguoi dan thuong thanh hue
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chung vui cùng gia đình anh Thái Văn Bửu trong ngôi nhà mới. Ảnh: VGP/Minh An

Cứ tưởng là giấc mơ

Những ngày mùa đông buốt giá, tìm về khu tái định cư Hương Sơ dành cho cư dân Thượng Thành, hình hài các dãy nhà được xây dựng kiên cố, thẳng tắp hiện ra trước mắt với những tuyến đường được quy hoạch bài bản, có hệ thống điện, đường, trường, trạm… Có gia đình đã dọn về ở từ nhiều tháng trước, nhiều gia đình khác đang hoàn thiện ngôi nhà để kịp đón Tết Nguyên đán 2021.

Theo chỉ dẫn của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến tuyến đường “đặc biệt”. Gọi là đặc biệt bởi ở nơi đó có dãy 25 ngôi nhà dành cho hộ nghèo được chính quyền xây dựng theo hình thức chìa khoá trao tay, hỗ trợ từ tiền đất đến xây dựng. Hầu hết người dân được nhận nhà thuộc diện nghèo khó, sống bằng các công việc lao động phổ thông. Cuộc đời nghèo khó buộc họ phải sống trên Thượng Thành trong tình trạng kham khổ và thấp thỏm chuyện di dời.

Anh Thái Văn Bửu, một trong những hộ được hưởng chính sách này vừa dọn nhà về được vài tháng, nở nụ cười hạnh phúc khi gặp lại chúng tôi, rồi rơm rớm: “Chỉ biết nói lời cảm ơn chính quyền, lãnh đạo các cấp đã quan tâm”.

Ngày nhận nhà, anh Thái Văn Bửu ngân ngấn nước mắt khi bước sang một trang mới, không phải nơm nớp âu lo trong ngôi nhà sập xệ mỗi khi nắng gắt hay mưa bão. Anh Thái Văn Bửu trải lòng: “Từ chỗ ở cũ trên Thượng Thành đến ngôi nhà xây mới trên khu tái định cư Hương Sơ là một hành trình, vào nhà mới rồi tôi vẫn cứ nghĩ mình đang mơ”.

Một năm về trước, chính những người dân ấy vẫn phải tất tả sống trong những ngôi nhà xập xệ, dột nát dựa lưng vào Kinh thành Huế và không thôi lo nghĩ sẽ đi về đâu. Một năm sau, những lo nghĩ ấy đã không còn nữa khi chính quyền tỉnh Thừa Thiên–Huế thực hiện trọn vẹn lời hứa với người dân thuộc diện di dời.

niem vui truoc tet cua nguoi dan thuong thanh hue
Dãy nhà được xây dựng ở khu tái định cư Hương Sơ theo hình thức chìa khoá trao tay cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống ở Thượng Thành thuộc diện di dời, giải toả. Ảnh: VGP/Minh An

Cách nhà mới anh Bửu không xa là ngôi nhà của đôi vợ chồng già Lê Văn Giây. Hơn 80 tuổi nhưng có thâm niên 40 năm sống ở khu “ổ chuột” trên Thượng Thành, ước nguyện cuối đời có được một ngôi nhà kiên cố của vợ chồng ông cũng trở thành hiện thực.

Ông Lê Văn Giây kể, vì nghèo khó nên tá túc ở trên đất di sản. Trải qua bao mùa mưa nắng, ông bà và nhiều phận đời cùng cảnh ngộ chưa từng nghĩ sẽ có một ngôi nhà được xây dựng tươm tất trên một khu quy hoạch với đường sá chỉn chu. “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tận tình từ chính quyền để có được ngôi nhà mà mình không dám mơ tới. Cuối cùng mình cũng được đón Tết Nguyên đán 2021 trong ngôi nhà mới sau bao nhiêu năm chờ đợi”, ông Lê Văn Giây tâm tình khi ngồi bên trong ngôi nhà ở khu tái định cư Hương Sơ.

Thành quả của sự ủng hộ, quan tâm và sẻ chia

Vào cuối năm 2019, trong chuyến thăm cư dân sống trên Thượng Thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dừng chân lại ngôi nhà của anh Thái Văn Bửu trên một con dốc chật chội, muốn vào phải khom lưng. Nói là nhà nhưng thực chất đó là túp liều với vài ba mái tôn kết lại chưa đầy chục mét vuông. Hỏi ra mới hay, vợ anh Thái Văn Bửu bỏ đi biền biệt, một mình người đàn ông ở tuổi 36 làm nghệ phụ hồ sống cảnh “gà trống” nuôi 3 đứa con thơ.

Sau khi ân cần thăm hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế phải có một quyết sách ưu tiên dành cho anh Bửu và những hộ nghèo khác trên Thượng Thành.

Không lâu sau, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện xây nhà ở khu tái định cư. “Hoàn cảnh anh Thái Văn Bửu sẽ nằm trong danh sách đó. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho hoàn cảnh đặc biệt này”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

Cuối năm 2020 vừa qua, những ngôi nhà ấy đã kịp hoàn thành, những hộ trong diện khó khăn được nhận nhà trong niềm vui khó tả. Mỗi căn nhà có diện tích khoảng 60 m2, bao gồm 1 tầng và 1 gác lửng, kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng. Chủ tịch Phan Ngọc Thọ, người dẫn bà con đi xem vị trí đất, cũng là người trao tận tay chìa khoá, dẫn người dân vào ngôi nhà mới của chính họ. Toàn bộ số tiền được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế huy động từ nhiều nguồn để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà con.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết thêm, đề án di dời dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã có những thành công rõ ràng. Quá trình xây dựng, triển khai đề án đã được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ, chia sẻ khó khăn của bà con cũng như việc bảo tồn di sản Huế.

Đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức phê duyệt phương án và chi trả bồi thường cho hơn 2.600 hộ, đang tiếp tục kiểm đếm áp giá cho gần 900 hộ còn lại của giai đoạn 1.

“Bên cạnh việc an cư của người dân, chúng tôi sẽ có tính toán và hướng dẫn để bà con về lâu dài có thể làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực vừa về tái định cư. Cuộc sống ổn định, công ăn việc làm bà con sẽ được chúng tôi tiếp tục quan tâm”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Trong cuộc làm việc gần nhất với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Ngoài ra, trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, trong đó cấp ngay một khoản kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương để bảo tồn, tu bổ, phục hồi khẩn cấp 2 công trình di tích có nguy cơ cao là Điện Thái Hòa và Thái Miếu.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2019 với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2019 - 2021 sẽ hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho người dân hiện cư trú trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm Tường Thành, các eo Bầu, Hộ thành Hào và Tuyến phòng lộ, với 2.938 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 1.880 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, từ năm 2022-2025 dự kiến hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho người dân trong phạm vi các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài, với 1.263 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.

Mục đích chính của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực I di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Minh An/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load