(Xây dựng) - Hiện nay, với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí đã tạo đà cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Mỗi năm, Việt Nam thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Hoạt động du lịch biển, đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được đầu tư đồng bộ và kết nối thì du lịch Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”.
Một góc FLC Luxury Hotel Sầm Sơn - Tập đoàn FLC.
Cú hích từ thay đổi tầm nhìn
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta đang được các tỉnh chú trọng đầu tư phát triển mang tính chiến lược tầm nhìn lâu dài.
Là một trong số ít địa phương có đủ 5 loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy, Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển. Với khu du lịch biển Đồ Sơn, từ khi có đường cao tốc, hàng không quốc tế và cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện, nhiều dự án lớn trên địa bàn được xúc tiến, triển khai như: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cty CP Him Lam; dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, các dự án BĐS nghỉ dưỡng của Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Hùng Vương, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc liên tiép khởi công đầu tư xây dựng nhiều công trình mới trong năm 206 và đầu năm 2017…
Du lịch biển Cát Bà cũng đang phát huy được giá trị thiên nhiên và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển, cùng với điều kiện thuận lợi từ đường cao tốc, cầu - đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hiện Tập đoàn Sun Group cũng đang đầu tư dự án du lịch sinh thái biển cao cấp cùng hệ thống cáp treo từ đảo Cát Hải sang Cát Bà.
Việc lựa chọn cảng Lạch Huyện để đầu tư cầu cảng du lịch đón tàu khách du lịch cao cấp là rất hợp lý, cùng việc Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư bến tàu, bến phà hiện đại ở đảo Cát Hải sang Cát Bà cũng rất được chờ đợi, với hy vọng làm thay đổi toàn diện hệ thống giao thông phục vụ khai thác du lịch tàu biển, du lịch sinh thái biển, đảo Cát Bà nói riêng, Hải Phòng nói chung. Điều này cho thấy du lịch Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ đổi mới công tác quản lý, thay đổi tư duy phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới, tận dụng hiệu quả lợi thế hạ tầng giao thông đồng bộ đầu tư có chiến lược vào sản phẩm, dịch vụ, khu vui chơi giải trí ở các khu du lịch biển để giữ chân du khách.
Một điển hình khác gần đây vẫn luôn được báo giới và các nhà đầu tư quan tâm chính là sự phát triển như vũ bão của biển Sầm Sơn. 5 năm gầy đây, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch Sầm Sơn. Đã hoàn thành đầu tư một số tuyến giao thông kết nối TP Thanh Hóa - Sầm Sơn; nhiều nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao được đầu tư xây dựng mới…
Những công trình hiện đại như Quần thể FLC Sầm Sơn với Trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam đã thu hút hàng vạn du khách từ trong và ngoài nước. Năm 2016 Sầm Sơn đón hơn 4 triệu lượt khách với doanh thu tăng hơn 34% so với năm trước.
Nhiều minh chứng cho thấy rằng, khi nắm bắt được những thế mạnh vốn có từ nguồn tài nguyên biển, kết hợp với thay đổi tư duy quản lý thì nhiều khu du lịch biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển. Ngoài bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); hay Đồ Sơn (Hải Phòng), nhiều bãi biển khác trên cả nước cũng được đầu tư bài bản như: bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), bãi Dài (Phú Quốc)…
Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4 - 5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).
Đánh thức tiềm năng những vùng đất biển
Việc du lịch biển, đảo Việt Nam có lượng du khách lớn, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Đến năm 2015, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch biển, đảo đã có ở 23 tỉnh/thành phố của cả nước, chiếm trên 70% số các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Dự án Vinhomes Imperia Hải Phòng.
Việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại vốn có, chính quyền các tỉnh thành ven biển cùng Nhà nước cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định; trong đó quan tâm đặc biệt đến phát triển và kết nối hạ tầng.
Ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh là những TP biển vốn đã là điểm đến của du khách đã hoàn thiện về hạ tầng, dịch vụ, thương hiệu thu hút các nhà đầu tư lớn, các vùng đất ven biển mới cũng được chính quyền và các nhà đầu tư khai phá đánh thức ngoạn mục năm một hai năm gần đây. Phú Quốc với mô hình Đặc khu kinh tế trong tương lại đã hiện hình những khu du lịch tầm cỡ có sự xuất hiện của tất cả thương hiệu quản lý khách sạn 5 sao thế giới, thiên đường của các khách sạn, khu vui chơi giải trí đã dần lộ diện trên các bãi biển 4 mùa đẹp nhất như Bãi Dài, Bài Trường của hòn đảo xinh đẹp này. Điển hình như Vinpearl, Safari, Khu nghỉ dưỡng JW Marriot, Novotel... đã tạo nên diện mạo mới về điểm đến mới cùng các hạng mục giải trí mới như casino đang được phê duyệt.
Những dự án BĐS nghỉ dưỡng đình đám như Cocobay - Điểm đến giải trí mới của thế giới TP Đà Nẵng), FLC Resort Quy Nhơn (Bình Định) FLC Resort Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã khẳng định vị thế mới của những vùng đất có tiềm năng ngủ quên được đánh thức.
Do vậy, bên cạnh những vùng biển có sẵn tiềm năng, lợi thế để đầu tư thì cũng cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển.
Bên cạnh đó, nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng sân bay phù hợp với điều kiện ở các đảo; kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và quốc tế. Đầu tư hạ tầng về năng lượng điện và nước sạch trên các đảo để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên đảo.
Nhi Hà
Theo