Chiều 8/4, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức nhận bàn giao công việc từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Quyết định bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng, 12 Bộ trưởng cũng được công bố.
14 thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm. |
4 THÁCH THỨC LỚN CHỜ THỦ TƯỚNG VÀ CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ MỚI
Với sự kiện quan trọng nêu trên, Dân trí đã cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - về những thách thức, kỳ vọng đặt ra cho nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Giờ này một năm trước, Việt Nam đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, chống dịch như chống giặc… Đến hiện tại, Covid-19 đã tạm thời được kiểm soát, nhiều ngành kinh tế bắt đầu hồi phục song những khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước. Ông nghĩ đâu sẽ là những thách thức lớn cho nhiệm kỳ Thủ tướng và Chính phủ mới?
- Theo tôi, nhiều thách thức rất lớn và cấp bách đang chờ Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới, trong cả nỗ lực điều hành và chiến lược cải cách.
Về điều hành, theo tôi, có 4 thách thức nổi bật.
Thứ nhất, đó là làm sao Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi khủng hoảng đại dịch Covid-19 và tiếp tục tạo nên những thành công ấn tượng mới trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Từ góc nhìn của tôi, triển khai sớm và quyết đoán "hộ chiếu vắc xin" theo kinh nghiệm của Singapore là một bước đi quan trọng, nên làm sớm. Nó mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả thương hiệu quốc gia, trong khi rủi ro là hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Thứ hai, đó là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là sân bay, cảng biển, giao thông và hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19, khi mà nhu cầu vận tải và hậu cần tăng nhanh và cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đại dịch.
Thứ ba, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực và cơ hội hiện có thông qua đổi mới sáng tạo, không chỉ trong công nghệ mà cả chiến lược kinh doanh. Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp không chỉ tăng xuất khẩu mà, quan trọng hơn, tăng giá trị gia tăng và năng suất lao động từ mỗi đô la xuất khẩu.
Thứ tư, đó là đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số trong toàn xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, Chính phủ và các trường đại học. Trong nỗ lực này, Chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn không chỉ trong thôi thúc mà cả trong việc tạo nên các nền tảng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm và giám sát tiến bộ đạt được từng năm.
Về chiến lược cải cách, theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào các thách thức có tính cấu trúc. Đây là các thách thức mà chúng ta không thể vượt qua chỉ bằng nhiệt tâm và nỗ lực điều hành mà đòi hỏi những cải cách đột phá với tầm nhìn chiến lược và ý thức xây dựng nền tảng lâu dài cho một nền kinh tế hiện đại.
Trong nội dung này xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, quy hoạch và quản lý đất đai, nâng cao hiệu lực đầu tư công, chống tham nhũng là những thách thức cần được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách cải cách của Chính phủ.
TIỀN ĐỀ THUẬN LỢI ĐỂ TẠO NÊN SỨC BẬT
Đó là 4 thách thức lớn lao mà theo quan điểm của ông, Chính phủ mới cần ưu tiên giải quyết. Vậy đâu sẽ là những tiền đề, sự thuận lợi cơ bản Chính phủ nhiệm kỳ mới có, thưa ông?
- Theo tôi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ mới có 3 điều kiện thuận lợi chưa từng có để đưa nền kinh tế nước ta đạt được bước tiến quan trọng cả về chất và lượng trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Thứ nhất, nền kinh tế bắt đầu ra khỏi khủng hoảng và bắt đầu tăng tốc với triển vọng sáng sủa khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn từ năm 2022 trở đi.
Mặc dù năm 2021 chúng ta khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% vì ngành dịch vụ còn rất nhiều khó khăn do biên giới về cơ bản còn đóng cửa, có lẽ đến hết quý III, nhưng Việt Nam sẽ đạt tới một số mốc quan trọng trong năm chuyển tiếp này. Đó là dự trữ ngoại hối vượt 100 tỷ USD, xuất khẩu vượt 300 tỷ USD và tăng trưởng ngành công nghiệp chế tạo có thể đạt mức 9-10%.
Thứ hai, Việt Nam ở vị thế và tâm thế rất thuận lợi khi bước sang giai đoạn phát triển hậu khủng hoảng. Thế giới bàn đến Việt Nam với những nhận xét tích cực và kỳ vọng cao trong khi niềm tin và quyết tâm của các doanh nghiệp và người dân Việt Nam vào nỗ lực đẩy nhanh công cuộc phát triển có chuyển biến cao hơn hẳn về chất so với 5 năm trước đây.
Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo trụ cột của Việt Nam có sự đồng tâm và hiểu biết thấu đáo về tính cấp thiết cũng như phương cách tiến hành để Chính phủ có thể tiến hành những cải cách đột phá chưa từng có giai đoạn 5 năm tới.
Những cải cách này sẽ tập trung vào các thách thức có tính cấu trúc như xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cải cách DNNN và đầu tư công như đã nói ở trên.
5 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TOÀN DIỆN
Trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra 5 vấn đề ưu tiên trong chính sách phát triển nhiệm kỳ mới. Dưới góc nhìn một chuyên gia kinh tế, ông nghĩ gì về 5 trọng tâm lớn này?
- 5 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng đề ra là toàn diện. Dĩ nhiên, việc thực hiện sẽ cần một số chiến lược và chương trình hành động cụ thể thời gian tới.
Khi soạn thảo các chiến lược và chương trình hành động cụ thể này, theo tôi cần đặc biệt coi trọng 3 nguyên tắc sau.
Thứ nhất, đó là tăng cường tối đa sự minh bạch, trong đó trách nhiệm cá nhân cần làm rõ.
Thứ hai, đó là đặc biệt coi trọng động lực khuyến khích (giống như giao đất cho nông dân). Đây chính là "bàn tay vô hình" thúc đẩy mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ công nhân viên Nhà nước làm việc hết lòng và thôi thúc sáng tạo.
Thứ ba, đó là dựa vào dân trong mọi nỗ lực vượt qua thách thức lớn. Lắng nghe ý kiến đóng góp của dân, công khai kết quả thực hiện, dựa vào cảm nhận của dân để đánh giá chất lượng phục vụ của các bộ, ban ngành, và chính quyền địa phương.
TIẾP THU TỐI ĐA TINH HOA TRÍ THỨC NHÂN LOẠI
Theo ông, ngoài những vấn đề nêu trên, Chính phủ mới nên ưu tiên những gì khác trong nhiệm kỳ tới để đưa nền kinh tế Việt Nam phục hồi qua khó khăn đại dịch, góp phần quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao năm 2045?
Ngoài 5 nhiệm vụ đã nêu, Chính phủ mới cần làm rõ và coi trọng đặc biệt việc nắm bắt và tiếp thu tối đa tinh hoa tri thức nhân loại trong mọi nỗ lực phát triển.
Nhật Bản đã tiến những bước vượt bậc cải cách Minh Trị nhờ chiến lược phát huy rực rỡ sức mạnh cộng hưởng của tinh thần dân tộc với tinh hoa tri thức nhân loại cùng khẩu hiệu "Hòa thần Dương khí".
Việt Nam có những thuận lợi đặc biệt để phát triển mô hình "tinh thần dân tộc cộng tinh hoa nhân loại" này thời đại số. Trong đó, hình thành các đặc khu tri thức là một ý tưởng nên được bàn luận và nghiên cứu triển khai.
Đặc khu tri thức giúp Việt Nam huy động được nguồn lực tri thức tinh hoa toàn cầu để giúp giải quyết các bài toán khó và ứng đáp với các thách thức gặp phải một cách nhanh chóng, sâu sắc, và toàn diện.
HOẠT ĐỘNG DỰA TRÊN SỰ GÓP Ý TRỰC TIẾP NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Đó là những câu chuyện trong chiến lược trung và dài hạn, còn ngay trước mắt theo ông Chính phủ nên có những chính sách gì để giải quyết những khó khăn cấp bách?
Tôi nghĩ là Chính phủ nên dựa vào công nghệ số và góp ý của trực tiếp của doanh nghiệp, người dân để tăng cường hiệu quả và hiệu lực cho các quyết sách của mình.
Chẳng hạn, Chính phủ có thể dựa vào mạng xã hội để lấy ý tưởng đại chúng (crowdsourcing) cho các chính sách cần làm và phát hiện các vấn đề Chính phủ cần xử lý ngay.
Các góp ý hay được tổng hợp để toàn dân theo dõi việc thực hiện của Chính phủ và chính quyền địa phương. Người góp ý (được định danh qua chứng minh thư điện tử) hay được tuyên dương khen thưởng định kỳ.
Một ví dụ khác là Chính phủ có cổng thông tin để tiếp nhận về độ hài lòng của dân phân theo địa bàn và nội dung hài lòng. Sự không hài lòng được biểu thị bằng việc đánh trống giống ở cổng cung đình như thời xa xưa.
Sự hài lòng được biểu hiện bằng trái tim. Vì chỉ người có định danh đích thực mới được tham gia biểu lộ cảm xúc của mình khi muốn (không quá 1 lần mỗi tháng), thông tin này sẽ giúp Chính phủ thấu hiểu lòng dân ở từng địa phương. Nếu ở huyện "H" tỉnh "T" mà tiếng trống bất bình kêu không ngớt thì lãnh đạo huyện đó và tỉnh đó phải ra giải trình với Chính phủ.
TÂN THỦ TƯỚNG CÓ SỰ KẾT HỢP HAI THẾ MẠNH ĐẶC BIỆT
Là người được đánh giá có tư duy mở, từng thành công trong chính sách phát triển của Quảng Ninh, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính càng nhận được nhiều kỳ vọng trong việc đưa Việt Nam lên một tầm phát triển mới, thưa ông?
Tôi nghĩ Thủ tướng Phạm Minh Chính có sự kết hợp của hai thế mạnh đặc biệt đã được tôi luyện.
Thế mạnh thứ nhất là sự quyết đoán quả cảm và khả năng huy động sức mạnh của tập thể khi lãnh đạo Quảng Ninh vượt lên thành một địa phương hàng đầu trong cải cách.
Thế mạnh thứ hai là tính chiến lược trong sắp xếp cán bộ ở tầm quốc gia khi ông làm trưởng ban tổ chức trung ương.
Sự kết hợp đặc biệt của hai thế mạnh này có lẽ sẽ giúp ông có thể tạo nên những bước tiến nền tảng trong nỗ lực điều hành và cải cách trong thời gian tới.
Ông có kỳ vọng gì về Chính phủ nhiệm kỳ mới?
Tôi nghĩ là chúng ta đều có quyền hy vọng về những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong nhiệm kỳ năm năm tới của Chính phủ mới.
Biến thách thức thành cơ hội và lợi thế xuất sắc có lẽ sẽ là một điểm nhấn chiến lược phải chú trọng trong nỗ lực đem lại những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển của Việt Nam trong năm năm tới.
Xin trân trọng cám ơn ông về những chia sẻ này.
Nguyễn Mạnh (thực hiện)/Dantri.com.vn
Theo Nguyễn Mạnh (thực hiện)/Dantri.com.vn