(Xây dựng) - Họ nằm trong số hơn 200 lao động giỏi, lao động sáng tạo sẽ được tuyên dương trong Hội nghị điển hình tiến tiến ngành xây dựng năm 2016 vào ngày 26/5 tới đây. Thành tích đáng nể của họ trong lao động, sản xuất đã có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước, xã hội và có sức lan toả lớn.
Báo Xây dựng xin tiếp tục giới thiệu một số tấm gương công nhân (CN), người lao động (NLĐ) tiêu biểu ngành xây dựng được tuyên dương trong dịp này:
Anh Hồ Quang Minh - Kỹ sư cơ khí CTCP Cơ khí Đông Anh (LICOGI)
CTCP Cơ khí Đông Anh là đơn vị có các phong trào thi đua rất phát triển, đặc biệt là phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Coi các phong trào thi đua là động lực chính giúp Công ty phát triển bền vững, nhiều năm qua lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn Công ty đã đưa ra nhiều chế độ, chính sách để khuyến khích NLĐ phát huy khả năng sáng tạo của mình. Nguyễn Duy Khóa, Hồ Quang Minh là những cái tên thường được CTCP Cơ khí Đông Anh nêu thành tấm gương sáng để nhân rộng khi nói về các phong trào thi đua.
Là một kỹ sư có bề dày thành tích, năm 2015, anh Hồ Quang Minh đã vinh dự tham gia chương trình khoa học: “Cải tiến qui trình và phân phối hợp lý các công đoạn bóc tách các chi tiết giàn mái không gian Mái che thủy điện Lai Châu”. Hoạt động này không chỉ làm lợi cho Công ty 200 triệu đồng mà còn giúp đơn vị đáp ứng tiến độ sản xuất thi công. Không những thế, trong năm, anh còn cho ra đời một sáng kiến khác có giá trị làm lợi rất cao, đó là sáng kiến “Cải tiến hệ ghi làm mát Clinker - Xi măng Thành Thắng”, được khách hàng sử dụng trong năm 2015. Cuối năm 2015, khách hàng đặt thêm hợp đồng ghi lạnh để thay toàn bộ giàn ghi giá trị 03 tỉ đồng. Việc cải tiến phần khe gió hệ ghi này cũng được Xi măng The Vissai áp dụng để cải tiến hệ ghi làm mát clinker của DC1, DC2 và CTCP Cơ khí Đông Anh đang sản xuất chế tạo thay thế. Thành công nữa của anh trong năm 2015 là sáng kiến: “Thiết kế chế tạo thành công và xử lý khuyết tật đúc con lăn bệ đỡ lò – Công ty Xi măng Quán Triều”, với giá trị làm lợi là 500 triệu đồng.
Những thành công đó đã đưa anh đến với phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016.
Anh Đặng Thế Anh - Giáo viên trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1
Với bề dày truyền thống 38 năm xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều sáng kiến, đề tài, mô hình học cụ, thiết bị tự làm,... của cán bộ giáo viên nhà trường đã được nhân rộng và đưa vào thực tế phục vụ cho công tác giảng dạy, giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp thu các bài giảng, các mô-đun thực hành...
Vinh dự được làm việc trong môi trường đầy tính sáng tạo, thầy giáo Đặng Thế Anh rất tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đến nay, tuy tuổi đời còn rất trẻ, hơn 30 tuổi, thầy Thế Anh đã có tới 5 sáng kiến được công nhận và được áp dụng vào trong quá trình giảng dạy của nhà trường, đó là: Thiết kế giáo trình và bài giảng điện tử (15 bộ giáo trình); Thiết kế xây dựng mô hình dàn trải máy tính để bàn, được áp dụng mang lại hiệu quả cao; Xây dựng và thiết kế website miễn phí bằng công cụ mã nguồn mở; Giải pháp “Ứng dụng Google Docs trong công việc”; nghiên cứu: Thiết kế giáo trình điện tử (tham gia Hội thi sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc).
Chia sẻ về những thành công của mình, thầy Đặng Thế Anh cho biết: Đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là một yêu cầu tất yếu, là chủ trương của ngành giáo dục nói chung, trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 nói riêng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra theo nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như chuẩn đầu ra của khu vực. Khi tham gia giảng dạy, tôi được tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh khác nhau, tâm sinh lý, tri thức khác nhau, vì vậy tôi luôn tìm hiểu thay đổi phương pháp sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của mình với mục đích đạt được kết quả cao nhất trong giảng dạy.
Sự nỗ lực của thầy Đặng Thế Anh cũng như nhiều cá nhân khác đã góp phần giúp trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 sớm thực hiện được mục tiêu trở thành trường dạy nghề chất lượng cao với 4 nghề trọng điểm quốc gia và khu vực.
Anh Phạm Văn Bình - Quản đốc Xưởng Nguyên liệu, CTCP Xi măng Bỉm Sơn
Là một trong những “cây đa, cây đề” trong đơn vị, lại có rất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu có giá trị ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Phạm Văn Bình luôn là tấm gương sáng để đội ngũ CN, NLĐ trong CTCP Xi măng Bỉm Sơn học tập và noi theo.
Là một kỹ sư khai thác mỏ, thông minh, sáng tạo, tỉ mỉ trong công việc lại có thời gian gắn bó lâu dài với đơn vị nên những sáng kiến, kinh nghiệm của anh cũng dày lên theo năm tháng. Hơn ai hết anh hiểu rằng, người công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất xi măng rất vất vả, chịu nhiều rủi ro, mất an toàn, có nhiều yếu tố độc hại. Đồng cảm, chia sẻ khó khăn với những đồng nghiệp, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp các dây chuyền sản xuất được vận hành trơn tru, hạn chế dừng vặt, tăng năng suất lao động và cũng để tránh rủi ro cho NLĐ. Những sáng kiến của anh có rất nhiều, tiêu biểu phải kể đến: sáng kiến “Tận dụng xi măng thu vét và đất sét để gia cố thành lỗ khoan” giúp giảm chi phí sản xuất hàng năm 171 triệu đồng; “Cải tiến con lăn chỉnh băng tải 22.04” giúp băng tải chạy ổn định, nâng cao năng suất thiết bị, hạn chế dừng vặt, làm tăng thời gian sử dụng của băng, làm lợi 249,5 triệu đồng; Đề tài “Băng tải vận chuyển đá vôi từ công trình 22-07 tới công trình 715-15”, làm lợi 3,56 tỷ đồng, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất CT 22 từ 700T/h lên 1400T/h. Anh Bình cũng là đồng tác giả của 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong năm.
Với những thành tích rất xuất sắc đó, năm 2016, anh tiếp tục được CĐXDVN đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
Anh Nguyễn Văn Thìn - Công nhân lắp máy bậc 4/7, Tổ trưởng Tổ sửa chữa và xây dựng CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco)
Là Tổ trưởng Tổ sửa chữa, anh Nguyễn Văn Thìn có điều kiện được phát huy sở trường của mình là khả năng tìm tòi và sáng tạo. Anh Thìn nói, “tôi rất thích sự sáng tạo, lại được làm những công việc luôn đòi hỏi khả năng sáng tạo của con người – tổ chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị. Cùng với đó, Công ty có phong trào thi đua sôi nổi do công đoàn tổ chức hàng năm nên không chỉ cá nhân tôi mà anh em trong đội cũng thường xuyên có các sáng kiến. Bằng chứng là 6 năm qua, năm nào Công ty chúng tôi có các cá nhân được CĐXDVN biểu dương tại hội nghị tuyên dương toàn ngành. Năm thì một người, năm thì 2 người. Không những thế, tại đơn vị, mỗi khi cán bộ, công nhân có sáng kiến mang lại giá trị làm lợi cho đơn vị, lãnh đạo chuyên môn và công đoàn đều thưởng “nóng” để động viên anh em kịp thời. Việc làm này đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Đây cũng chính là lý do mà 5 năm qua tôi đã có 5 sáng kiến được áp dụng và có giá trị làm lợi cao, đó là: “Gia công chế tạo phớt chặn nước bơm tăng áp clo thay thế cho bộ phớt cũ phải nhập khẩu nước ngoài” làm lợi 80 triệu đồng; “Hàn gia cố bộ hộp số máy khuấy bằng gang khu xử lý bị nứt vỡ chảy dầu để vận hành trong thời gian nhập khẩu thiết bị mới”; “Gia công giá treo thực hiện sơn tuyến ống tại các ống thép đi nổi qua sông” nhằm tăng hiệu quả làm việc và an toàn cho người thi công. “Nối thông các thùng chứa dung dịch phèn bằng đường ống dẫn tới bơm định lượng phèn” nhằm cấp nước liên tục không bị gián đoạn. “Đấu nối thông hệ thống đường ống cấp nước làm mát không chạy qua bơm tăng áp mà dựa vào độ chênh áp lực nước”.
Đạt nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất, anh Nguyễn Văn Thìn đã được CĐXDVN đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Anh Phạm Minh Tuấn - Công nhân bậc 7/7, Tổ trưởng Tổ sửa chữa công trình Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch
Vốn là một “đàn anh” trong Công ty, anh Phạm Minh Tuấn luôn là tấm gương trong lao động và trong cuộc sống hàng ngày. Là một đảng viên, anh luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc. Việc nào được giao, anh đều nhanh chóng hoàn thành sớm và đạt chất lượng rất tốt, được lãnh đạo Công ty và Công đoàn đánh giá cao, được biểu dương và nhân rộng.
Trong thời gian 5 năm, anh Phạm Minh Tuấn có tới 5 sáng kiến: Cải tạo giá đưa gạch lên sàn phục vụ xây lò”; “Hàn hộp bao che lỗ bu-lông định vị để đục bê tông tháo thay thế vành anô lò nung W1”; “Cải tiến móc treo palăng cầu vào lò nung W2 và W3”; “Thiết kế chế tạo máy soi huỳnh panô nằm ngang và soi chỉ trang trí” và giải pháp “Cải tiến bàn thao tác máy cưa đĩa”. Những sáng kiến, giải pháp của anh đã được áp dụng vào sản xuất và đem lại giá trị kinh tế cao, anh xứng đáng với phần thưởng: Huân chương Lao động do Chủ tịch nước khen tặng. Không chỉ luôn hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, anh còn tranh thủ thời gian kèm cặp, giúp đỡ cho những công nhân mới vào nghề. Với sự chỉ bảo tận tình của anh, các công nhân trẻ đã nhanh chóng nắm bắt và xử lý công việc hiệu quả.
Phấn khởi khi được nhận phần thưởng cao quý, anh Phạm Minh Tuấn chia sẻ: Tôi rất vinh dự và tự hào, phần thưởng này thật lớn lao đối với tôi. Nhận tấm Huân chương này, tôi rất cảm ơn CĐXDVN, lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi lao động và cống hiến. Tôi thấy các phong trào thi đua do chuyên môn và Công đoàn phối hợp tổ chức thật có ý nghĩa, để mỗi chúng tôi phát huy khả năng sáng tạo của mình. Năm nay đơn vị chúng tôi có tới 7 cá nhân được tuyên dương trong lễ biểu dương này. Đây là những bằng chứng chứng minh “sức sống” của các phong trào thi đua. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều phong trào thi đua thiết thực để chúng tôi tham gia và đóng góp sức mình”.
Anh Nguyễn Văn Dương - Công nhân bậc 5/7, Phân xưởng tạo hình CTCP Sứ Viglacera Thanh Trì
Là một đơn vị có bề dày truyền thống trên 50 năm, CTCP Sứ Viglacera Thanh Trì trở thành đơn vị đi đầu trong sản xuất thiết bị vệ sinh, sản phẩm của Công ty hiện nay đều là những thương hiệu nổi tiếng trong nước và khu vực. Với chiến lược kinh doanh hiệu quả, cùng sự quan tâm, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, CTCP Sứ Viglacera Thanh Trì đã vững vàng vượt qua khó khăn thời khủng hoảng, bước tiếp trên những thành công trong chặng đường mới. Thành công của Công ty luôn có vai trò của các cá nhân, nhất là những cá nhân có tinh thần cầu thị, giàu tính sáng tạo như anh Nguyễn Văn Dương.
Tuổi trẻ, nhiệt huyết, lại được nuôi dưỡng trong các phong trào thi đua, Nguyễn Văn Dương sớm bộc lộ là người có tính sáng tạo cao trong công việc. Làm việc tại Tổ đổ rót bệt liền khối, anh Dương đã tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển. Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Chỉ trong năm 2015, anh đã có tới 2 sáng kiến được công nhận, đó là: Kê khuôn ngiêng 15o tạo dòng hồ thoát ra một bên đối với bệt liền khối V35, giải quyết váng thủy tinh trên mặt mộc, giải quyết được hiện tượng nứt thủy tinh qua các công đoạn, đặc biệt là sau nung, nâng tỷ lệ thu hồi của bệt V35 trên 85%. Sáng kiến này làm lợi cho Công ty mỗi năm là 338,8 triệu đồng. Sáng kiến thứ 2 là: Dùng bàn rà tự chế bằng giấy ráp rà chân bệt liền khối V35 để trong quá trình nung không bị biến dạng chân (méo chân), góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là nâng cao thẩm mỹ cho sản phẩm cân đối tròn đẹp, làm lợi cho Công ty 224,4 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ giỏi trong công tác chuyên môn, anh Dương còn là người tận tình giúp đỡ, kèm cặp những công nhân trẻ mới vào nghề, những công nhân yếu kém để cùng nhau sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao. Lòng nhiệt tình cùng tinh thần trách nhiệm cao với công nghiệp, với đồng nghiệp đã giúp anh sớm gặt hái được những thành công. Chưa đến 30 tuổi, anh đã được CĐXDVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là phần thưởng rất có ý nghĩa với người công nhân này.
PV
Theo