Thứ sáu 29/03/2024 19:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những quyết sách đi vào lòng dân sau 2 năm dịch COVID-19 hoành hành

14:23 | 25/10/2021

Trong gần 2 năm dịch COVID-19 'hoành hành,' Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp giúp người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vượt qua khó khăn trước mắt.

nhung quyet sach di vao long dan sau 2 nam dich covid 19 hoanh hanh
Chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68. (Nguồn: TTXVN)

Gần hai năm qua dịch COVID-19 hoành hành, ảnh hưởng sâu rộng đến thu nhập, việc làm và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Mỗi đợt dịch qua đi đều để lại những hậu quả nặng nề khốc liệt, đặc biệt là trong làn sóng dịch thứ 4 này vốn đã bị ngấm sâu những ảnh hưởng tiêu cực từ ba đợt dịch trước, cộng với biến chủng virus Delta lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, kéo dài suốt từ cuối tháng Tư đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thời gian qua, để phòng, chống dịch, biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tại hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm khiến doanh nghiệp và người lao động khó khăn chồng chất khó khăn. Hàng triệu người phải hồi hương về quê tránh dịch, bởi họ đã không còn việc làm và khoản tích lũy cũng không còn để có thể cầm cự được ở nơi đô thành.

Khó khăn chồng chất

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp.

Chín tháng năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kéo theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3/2021 sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. So với quý 2 năm trước (quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16), mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh đối với 11.502 doanh nghiệp trong quý 3/2021 cho thấy, 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Phần đông các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm (chiếm 42,7%), vốn (chiếm 27,15%)...

Cũng theo kết quả khảo sát, trong 251.027 người lao động đang làm việc, có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 51,62%. Trong số đó, lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.

Có tới 4.493 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Phần lớn doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm 59,02%); tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (chiếm 20,74%); cho lao động thôi việc (chiếm 11,49%); tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (chiếm 8,75%).

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khoảng 1,3 triệu người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn trong thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín vừa qua. Đánh giá nhanh của Viện khoa học xã hội Việt Nam gần đây cho thấy, tính đến tháng 7/2021, gần 64% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019).

Tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp

Trong bối cảnh đó, “một miếng khi đói bằng một gói khi no," gần hai năm qua, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều gói chính sách hỗ trợ khẩn cấp giúp người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vượt qua khó khăn trước mắt.

Ngay từ làn sóng dịch thứ nhất, trong thẩm quyền của mình, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42, quyết định đưa ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng và đã có hơn 13,19 triệu người được thụ hưởng. Tiếp theo đó là Nghị quyết 84 của Chính phủ với hàng loạt giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trước tác động khốc liệt của làn sóng dịch thứ 4, một lần nữa, tại Nghị quyết 68, Chính phủ lại quyết định tung ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của đại dịch COVID-19, tập trung chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 19/10, đã có 728 đơn vị với trên 133.300 lao động tại 56 tỉnh, thành phố được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền lên tới 912,3 tỷ đồng. Hiện tại, cơ quan này đã xác nhận danh sách cho trên 1,94 triệu lao động của 56.900 đơn vị trên toàn quốc để hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng qua, kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ trong ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp đang lao đao vì đại dịch COVID-19, nhằm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Có thể kể đến việc chiều tối họp cho ý kiến góp ý, đêm 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; hay việc Chủ tịch Quốc hội ký Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vào ngày 24/9 vừa qua.

Lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng mức số tiền lên đến 30.000 tỷ đồng, trợ giúp cho khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

nhung quyet sach di vao long dan sau 2 nam dich covid 19 hoanh hanh
Chi trả tiền hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0%. Ước có trên 386.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách này với số tiền lên đến 8.000 tỷ đồng.

Các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ là động lực quan trọng để cả nước đồng lòng đoàn kết, hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Với chính sách hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp cho người lao động gia đình của họ có thể giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thượng Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần SABRE (Hà Nội), cho biết việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống 0% giúp doanh nghiệp giảm tải được chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo công ăn việc làm mới cho lao động.

Mới đây, một lần nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có một quyết đáp kịp thời khi Nghị quyết số 406/NQ/UBTVQH15 về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành ngày 19/10. Nghị quyết được ví như "chiếc bình ôxy" giúp người dân và doanh nghiệp duy trì sự sống, từng bước phục hồi và phát triển sau những tháng ngày khó khăn chống chọi với đại dịch.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Viện kinh tế Economica Việt Nam, Nghị quyết 406 mang đến niềm hy vọng rất lớn cho rất nhiều doanh nghiệp với cách tiếp cận mới là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, giảm bớt áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp. Giảm thu ngân sách ở giai đoạn hiện thời, nhưng lại là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SHINEC (Hải Phòng) Phạm Hồng Điệp cho rằng Nghị quyết số 406 được ban hành “rất kịp thời, rất đúng, rất trúng, như tiếp thêm nguồn oxy trong lành cho doanh nghiệp, người dân để sống, để có lòng tin đứng vững và phát triển."

“Nội dung của Nghị quyết 406 đã thể hiện tinh thần sẻ chia, thấu hiểu của Quốc hội đối với những khó khăn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19," Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo Bộ Tài chính, ước tính việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế tại Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách gần 20.000 tỷ đồng. Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là 138.000 tỷ đồng, trong đó, nhóm giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành là hơn 118.000 tỷ đồng; nhóm giải pháp miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung của Nghị quyết khoảng 20.000 tỷ đồng./.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load